Dịch Viêm phổi Vũ Hán đã bùng phát trên phạm vi toàn cầu làm trên 1.015.466 người mắc, 53.190 người tử vong, riêng ở Việt Nam đã có 241 trường hợp mắc COVID-19 tính đến 17h50 ngày 4/4/2020. Trong tình hình này, nhiều doanh nghiệp bị thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh, bị đứt gãy một số chuỗi cung ứng về nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ đầu ra của sản phẩm, nhất là trong các ngành dệt may, da giày, nông sản, dịch vụ du lịch và bán lẻ.
Chính vì vậy, trong buổi trao đổi hôm nay, Công ty Luật CIS sẽ chia sẻ các vấn đề liên quan đến việc tạm ngừng kinh doanh và các lưu ý dành cho doanh nghiệp trong thời gian tạm ngừng cùng Chuyên gia Nguyễn Thị Hồng Hạ – Trưởng phòng Pháp lý doanh nghiệp của công ty Luật CIS.
1. MC: Thưa chuyên gia, vì sao doanh nghiệp nên làm thủ tục tạm ngừng kinh doanh khi có nhu cầu?
Chuyên gia:
Tạm ngừng kinh doanh được hiểu đơn giản là hoạt động tạm thời ngừng kinh doanh trong một thời gian nhất định, theo đó, doanh nghiệp vẫn tồn tại nhưng không sản xuất, không ký hợp đồng, hay thực hiện bất cứ hoạt động kinh doanh nào.
Việc thực hiện thủ tục tạm ngừng kinh doanh sẽ có những lợi ích sau cho doanh nghiệp:
- Doanh nghiệp được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất không quá 12 tháng.
- Không phải kê khai, nộp thuế nếu tạm ngừng kinh doanh tròn năm dương lịch, tức tạm ngừng kinh doanh từ ngày 1/1-31/12. Trường hợp tạm ngừng kinh doanh 12 tháng nhưng không tròn năm dương lịch, thì doanh nghiệp phải kê khai, nộp thuế như sau:
STT | LOẠI THUẾ/ BÁO CÁO | TRÒN NĂM DƯƠNG LỊCH (1/1-31/12) | TẠM NGỪNG KINH DOANH KHÔNG TRÒN NĂM DƯƠNG LỊCH |
1 | Thuế môn bài | Không nộp thuế và tờ khai thuế môn bài | – Năm dương lịch thứ nhất: Nộp thuế môn bài cho cả năm
– Năm dương lịch thứ hai: +Nếu ra kinh doanh trong 06 tháng đầu năm nộp mức thuế môn bài cả năm; + Nếu ra kinh doanh trong 06 tháng cuối năm: nộp 50% mức thuế môn bài cả năm. |
2 | Tờ khai thuế GTGT, báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn | Không phải nộp | Phải nộp cho các tháng có hoạt động |
3 | Hồ sơ quyết toán thuế | Không phải nộp | Phải nộp hồ sơ quyết toán thuế năm (cho các tháng đã hoạt động) |
4 | Báo cáo tài chính | Không phải nộp | Phải nộp báo cáo tài chính năm |
2. MC: Thưa chuyên gia, doanh nghiệp cần làm gì để tạm ngừng kinh doanh hợp pháp?
Chuyên gia: Doanh nghiệp có quyền tạm ngừng kinh doanh nhưng phải thông báo bằng văn bản về thời điểm và thời hạn tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất 15 ngày trước ngày tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh.
3. MC: Vậy quy trình tạm ngừng kinh doanh được thực hiện như thế nào thưa chuyên gia?
Chuyên gia:
Doanh nghiệp cần thực hiện 3 bước như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ, gồm:
- Thông báo về việc tạm ngừng kinh doanh; (các bạn có thể tham khảo mẫu Thông báo tại đây)
- Quyết định doanh nghiệp về việc tạm ngưng kinh doanh.
Bước 2: Doanh nghiệp nộp bộ hồ sơ đến Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch & đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chậm nhất 15 ngày trước khi tạm ngừng kinh doanh
Bước 3: Trong vòng 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Phòng đăng ký kinh doanh cấp Giấy xác nhận về việc doanh nghiệp, đã đăng ký tạm ngừng kinh doanh.
Như ở phần trên Tôi có đề cập, trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Để được tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất, công ty phải thực hiện:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ gồm:
- Danh sách lao động tại thời điểm trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh và tại thời điểm đề nghị;
- Danh sách lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội phải tạm thời nghỉ việc.
Bước 2: Doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ tới Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận, huyện, thị xã để được xác nhận.
Bước 3: Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được đề nghị của doanh nghiệp, Phòng Lao động – Thương binh Xã hội cấp Văn bản xác nhận.
Bước 4: Doanh nghiệp gửi văn bản đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, kèm theo văn bản xác nhận của Phòng Lao động – Thương binh Xã hội đến cơ quan bảo hiểm xã hội nơi công ty tham gia.
Bước 5: Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị của doanh nghiệp, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
4. MC: Vậy doanh nghiệp có phải thông báo với thuế khi tạm ngừng kinh doanh không, thưa chuyên gia?
Chuyên gia:
Theo quy định, Sở kế hoạch & đầu tư có trách nhiệm thông báo cho cơ quan thuế biết về thông tin người nộp thuế tạm ngừng kinh doanh chậm nhất không quá 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của người nộp thuế
Như vậy, doanh nghiệp chỉ phải nộp hồ sơ thông báo tạm ngừng kinh doanh với Sở kế hoạch & đầu tư. Việc gửi thông báo cho cơ quan thuế là trách nhiệm của Sở kế hoạch & đầu tư (không phải của doanh nghiệp).
5. MC: Chuyên gia có lưu ý nào dành cho Doanh nghiệp khi thực hiện tạm ngừng kinh doanh không ạ?
Chuyên gia:
Thứ nhất, nếu doanh nghiệp có đơn vị phụ thuộc, bên cạnh việc thông báo tạm ngừng đối với doanh nghiệp, doanh nghiệp phải đồng thời gửi Thông báo tạm ngừng hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đã đăng ký.
Thứ hai, thời gian tạm ngừng kinh doanh không được quá 1 năm. Sau khi hết thời hạn trên, nếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục tạm ngừng kinh doanh phải thông báo cho Phòng Đăng ký kinh doanh nhưng tổng thời gian tạm ngừng kinh doanh liên tiếp không được quá 2 năm.
Thứ ba, trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế còn nợ; tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động.
Thứ tư, về vấn đề kê khai, nộp thuế, vui lòng xem ở phần trên có chia sẻ.
Cuối cùng, nếu dịch Covid-19 kết thúc sớm, doanh nghiệp muốn tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo thì phải gửi thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đã đăng ký chậm nhất 15 ngày trước khi tiếp tục kinh doanh.
6. MC: Nếu Doanh nghiệp không thực hiện thủ tục tạm ngừng kinh doanh nêu trên thì có bị xử lý gì không, thưa chuyên gia?
Chuyên gia:
Như đã nêu trên, khi tạm ngừng kinh doanh thì doanh nghiệp bắt buộc phải tiến hành thủ tục thông báo tới Phòng Đăng ký kinh doanh. Nếu không, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt hành chính như sau:
- Không thông báo hoặc thông báo không đúng thời hạn đến cơ quan đăng ký kinh doanh về thời điểm và thời hạn tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh, doanh nghiệp bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
- Đăng ký tạm ngừng kinh doanh nhưng không thông báo tạm ngừng hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng
- Bên cạnh các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng có trách nhiệm Thông báo khi Tạm ngừng kinh doanh.
Do đó, nếu Hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh mà không thông báo hoặc thông báo không đúng thời hạn bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh, hộ kinh doanh sẽ bị Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Ngừng hoạt động kinh doanh quá 06 tháng liên tục mà không thông báo, hộ kinh doanh sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Về mặt xã hội, nếu doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh mà không thông báo sẽ gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc xác định “sức khỏe của nền kinh tế”, dẫn đến hoạch định các chính sách chưa hợp lý, không có những biện pháp để kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Như vậy, khi doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả, tình trạng tài chính không khả quan hoặc chưa có phương án kinh doanh khả thi do ảnh hưởng của dịch bệnh, chủ doanh nghiệp có thể lựa chọn hình thức tạm ngừng đăng ký hoạt động của doanh nghiệp để có thêm thời gian tìm kiếm khách hàng và phương án kinh doanh hiệu quả hoặc chờ dịch bệnh qua đi, tránh bị xử phạt vi phạm hành chính do tạm ngừng kinh doanh mà không thông báo. Mong rằng thông tin CIS đã chia sẻ giúp giải đáp vướng mắc của doanh nghiệp về việc tạm ngừng kinh doanh.
Hy vọng dịch bệnh sẽ sớm qua đi và kinh tế mau chóng hồi phục, ổn định.
Nếu các bạn có bất cứ thắc mắc gì, các bạn có thể liên hệ với chúng tôi để được giải đáp và hỗ trợ nhé!
PHÒNG PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP – CIS LAW FIRM
109 Hoàng Sa, phường Đa Kao, Quận 1, TP.HCM
Điện thoại: 028 3911 8580 – 028 3911 8581
Email: info@cis.vn