4 thay đổi QUAN TRỌNG về TIỀN LƯƠNG của người lao động từ 01/07/2022

Ngày 12/6 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP với một số thay đổi đáng chú ý liên quan đến tiền lương của người lao động (NLĐ) làm việc tại doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn lao động.

Theo đó, kể từ ngày 01/07/2022, tiền lương của NLĐ sẽ được tăng lên đáng kể và lần đầu tiên có quy định mức lương tối thiểu theo giờ!

Chi tiết những thay đổi đó là gì? Việc tăng lương có ý nghĩa và kèm theo trách nhiệm gì đối với NLĐ? Mời các bạn hãy cùng xem bài viết dưới đây để biết câu trả lời!

1. Tăng mức lương tối thiểu lên 6%

Theo quy định tại khoản 1 điều 91 Bộ Luật Lao động, mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho NLĐ làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội.

Điều 91. Mức lương tối thiểu (Bộ Luật Lao động 2019)

1. Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội.

Từ ngày 01/7/2022, mức lương tối thiểu sẽ tăng thêm bình quân 6% so với quy định trước đây và được phân chia theo từng vùng, cụ thể:

Vùng Mức lương tối thiểu tháng

(đồng/tháng)

Tăng

(đồng/tháng)

Vùng I 4.680.000 260.000
Vùng II 4.160.000 240.000
Vùng III 3.640.000 210.000
Vùng IV 3.250.000 180.000

Để biết doanh nghiệp của Bạn thuộc vùng nào, các bạn quan tâm có thể truy cập vào đường link tại đây: nghị định 38

2. Lần đầu tiên Nhà Nước quy định mức lương tối thiểu theo giờ

Khoản 2 Điều 91 Bộ Luật Lao động quy định: Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ. Tuy nhiên trước đây chỉ có hướng dẫn mức lương tối thiểu theo vùng, theo tháng mà chưa có hướng dẫn nào về mức lương tối thiểu theo giờ.

Nghị định 38/2022/NĐ-CP được ban hành lần này là văn bản pháp luật hướng dẫn đầu tiên ghi nhận về mức lương tối thiểu giờ.

Theo đó, mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc trong một giờ và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu giờ.

Cụ thể, mức lương tối thiểu giờ được áp dụng từ ngày 01/7/2022 như sau:

– Đối với doanh nghiệp Vùng I là 22.500 đồng/giờ;

– Đối với doanh nghiệp Vùng II là 20.000 đồng/giờ;

– Đối với doanh nghiệp Vùng III là 17.500 đồng/giờ;

– Đối với doanh nghiệp Vùng IV là 15.600 đồng/giờ.

Ví dụ: bạn đi làm bán thời gian ở một quán ăn ở Quận 1, TPHCM, thuộc Vùng I, nếu tính lương theo giờ thì tối thiểu bạn phải được nhận 22.500 đồng/giờ.

3. Bỏ quy định lương tối thiểu cao hơn 7% đối với NLĐ đã qua đào tạo

Theo quy định cũ, doanh nghiệp, người thuê mướn lao động phải đảm bảo tiền lương tối thiểu trả cho NLĐ đã qua học nghề, đào tạo nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng, cụ thể như sau:

Điều 5. Áp dụng mức lương tối thiểu vùng (Nghị định 90/2019/NĐ-CP)

1. Mức lương tối thiểu vùng quy định tại Điều 3 Nghị định này là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm:

a) Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất;

b) Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Tuy nhiên, theo quy định mới, nội dung này đã được bãi bỏ.

Như vậy, không còn sự phân biệt về mức lương giữa NLĐ bình thường và NLĐ đã qua đào tạo. Các doanh nghiệp, người thuê mướn lao động sẽ thỏa thuận về tiền lương, và mức lương này không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, cụ thể quy định như sau:

Điều 4. Áp dụng mức lương tối thiểu (Nghị định 38/2022/NĐ-CP)

1. Mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng.

Tuy nhiên, trường hợp NLĐ qua đào tạo đã ký hợp đồng lao động trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành mà áp dụng mức lương cao hơn ít nhất 7% so với mức tối thiểu vùng thì mức này vẫn tiếp tục được áp dụng (theo Công văn số 2086/BLĐTBXH-TLĐLĐVN về việc Chỉ đạo triển khai Nghị định số 38/2022/NĐ-CP về lương tối thiểu), trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

4. Điều chỉnh lại các địa bàn áp dụng lương tối thiểu vùng

Ngoài việc tăng lương tối thiểu vùng, Nhà Nước còn điều chỉnh lại một số địa bàn thuộc các vùng I, II, III, IV trong danh sách cũ, từ đó làm thay đổi mức lương tối thiểu ở một số địa bàn. Cụ thể:

– Tại vùng I: Bổ sung thành phố Thủ Đức do được gộp từ Quận 2, Quận 9 và Quận Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh.

– Một số địa phương được chuyển từ vùng II lên vùng I, gồm: Thành phố Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh, huyện Xuân Lộc thuộc tỉnh Đồng Nai.

– Một số địa phương được chuyển từ vùng III lên vùng II, gồm: Thị xã Quảng Yên, Đông Triều thuộc tỉnh Quảng Ninh;thành phố Hoà Bình và huyện Lương Sơn thuộc tỉnh Hòa Bình; thành phố Vinh, thị xã Cửa lò và các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên thuộc tỉnh Nghệ An; thị xã Hòa Thành thuộc tỉnh Tây Ninh; thành phố Vĩnh Long và thị xã Bình Minh thuộc tỉnh Vĩnh Long; thành phố Bạc Liêu thuộc tỉnh Bạc Liêu.

– Một số địa phương được chuyển từ vùng IV lên vùng III, gồm: Huyện Vân Đồn, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên thuộc tỉnh Quảng Ninh; huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương, Nam Đàn, Nghĩa Đàn và các thị xã Thái Hòa, Hoàng Mai thuộc tỉnh Nghệ An; huyện Mang Thít thuộc tỉnh Vĩnh Long; huyện Hòa Bình thuộc tỉnh Bạc Liêu.

Đây thực sự là một tin vui đối với người lao động, bởi vì khi mức lương tối thiểu vùng tăng thêm thì người lao động sẽ được hưởng một loạt các lợi ích như:

– Tăng tiền lương được nhận theo tháng, theo giờ, cải thiện đời sống vật chất của người lao động;

– Khi NLĐ bị tạm ngừng việc hoặc điều chuyển vị trí công việc thì mức tiền lương tối thiểu làm cơ sở trả lương cũng sẽ cao hơn quy định cũ;

– Khi NLĐ làm thủ tục rút tiền BHXH một lần, nhận trợ cấp thất nghiệp hoặc lãnh tiền lương hưu cũng sẽ được nhận tiền nhiều hơn.

Tuy nhiên, việc tăng lương cũng sẽ kèm theo trách nhiệm của NLĐ, cụ thể trong trường hợp NLĐ gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng, áp dụng tại nơi người lao động làm việc thì NLĐ phải bồi thường tối đa là 03 tháng tiền lương. Có nghĩa là, khi lương tối thiểu vùng tăng thì số tiền NLĐ bồi thường cho Công ty cũng sẽ cao hơn, cụ thể quy định như sau:

Điều 129. Bồi thường thiệt hại (Bộ Luật Lao động)

1. Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật hoặc nội quy lao động của người sử dụng lao động.

Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại khoản 3 Điều 102 của Bộ luật này.

CÔNG TY LUẬT CIS

109 Hoàng Sa, Phường Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
028 38257196 – 0938 548 101
Email: info@cis.vn