Khi doanh nghiệp chi tiền cho việc đào tạo nhân sự, họ muốn người lao động được nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp để đáp ứng nhu cầu công việc, góp phần vào sự phát triển của công ty, theo đó, khi cử, công ty yêu cầu người lao động cam kết thời gian làm việc cho công ty. Vì vậy, hai bên sẽ ký hợp đồng đào tạo. Nếu người lao động phá bỏ hợp đồng này, họ sẽ phải bồi thường những chi phí mà doanh nghiệp đã đầu tư.
Trong bài viết này, Công ty Luật CIS sẽ giới thiệu về hợp đồng đào tạo và những quy định liên quan đến việc Cam kết bồi thường chi phí đào tạo. Mời quý độc giả cùng theo dõi.
MỤC LỤC BÀI VIẾT
1. Chi phí đào tạo là gì?
Theo quy định của Bộ luật lao động, Chi phí đào tạo là toàn bộ các khoản chi phí hợp lệ, có chứng từ rõ ràng mà doanh nghiệp bỏ ra để đầu tư vào việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động. Các khoản chi phí này thường được quy định cụ thể trong Hợp đồng đào tạo được ký kết giữa doanh nghiệp và người lao động.
Điều 62 Bộ luật Lao động. Hợp đồng đào tạo nghề giữa người sử dụng lao động, người lao động và chi phí đào tạo nghề
3. Chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian đào tạo. |
2. Hợp đồng đào tạo
Hợp đồng đào tạo là sự thỏa thuận được ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp, trong đó quy định về các vấn đề như việc cử đi đào tạo, làm việc sau đào tạo và bồi thường chi phí đào tạo,… Nội dung cơ bản của hợp đồng đào tạo thường bao gồm:
- Nghề đào tạo, mục tiêu và chương trình đào tạo: Mô tả chi tiết về khóa học (thời gian, địa điểm, nghề đào tạo, nội dung đào tạo…).
- Tiền lương trong thời gian đào tạo: Quy định về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người học trong thời gian đi học.
- Thời hạn cam kết làm việc: Quy định về thời gian mà người lao động phải làm việc tại doanh nghiệp sau khi hoàn thành khóa đào tạo.
- Chi phí đào tạo: Liệt kê các khoản chi doanh nghiệp đã đầu tư.
- Trách nhiệm của các bên:
- Trách nhiệm của người lao động: Cam kết tham gia đầy đủ các khóa đào tạo, duy trì thái độ học tập nghiêm túc, cũng như hoàn thành thời gian làm việc theo đúng thỏa thuận.
- Trách nhiệm của doanh nghiệp: Đảm bảo cung cấp chương trình đào tạo chất lượng, minh bạch về các khoản chi phí liên quan, hỗ trợ người lao động trong quá trình tham gia đào tạo.
- Điều khoản bồi thường: Nêu các trường hợp vi phạm cam kết và cách tính mức bồi thường (theo tính chất và tỷ lệ chi phí đã bỏ ra).
- Giải quyết tranh chấp: Quy định phương thức thương lượng, hòa giải hoặc đưa ra giải quyết qua tư pháp khi xảy ra tranh chấp.
3. Trường hợp nào phải bồi thường chi phí đào tạo?
Như vừa đề cập ở Mục 2, nội dung hợp đồng đào tạo sẽ quy định về việc hoàn lại chi phí đào tạo hay còn gọi là bồi thường chi phí đào tạo, theo đó, điều kiện, nội dung, mức hoàn, thời gian bồi thường chi phí đào tạo sẽ do hai bên (công ty và nhân viên) thỏa thuận và ghi nhận vào hợp đồng đào tạo.
Bộ luật Lao động quy định một trường hợp mà người lao động bắt buộc phải hoàn chi phí đào tạo, dù có thỏa thuận hay không thỏa thuận trong hợp đồng đào tạo, đó là khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Các trường hợp còn lại như: người lao động không làm việc đủ thời gian như đã cam kết; người lao động bị xử lý kỷ luật lao động dưới hình thức sa thải; hay người lao động bị cho thôi việc do không hoàn thành công việc, tự ý bỏ việc, hay cung cấp thông tin không trung thực,… thì trường hợp này, việc bồi thường sẽ được giải quyết theo quy định của hợp đồng, thỏa thuận đào tạo.
Cũng theo đó, mức bồi thường bao nhiêu, bồi thường như thế nào, bồi thường khi nào cũng sẽ phải được quy định trong hợp đồng đào tạo.
Như vậy, chúng ta có thể thấy, hợp đồng đào tạo rất quan trọng, là cơ sở để xác định trách nhiệm bồi thường chi phí đào tạo.
Chúng ta đều biết, mục đích của việc cử đi đào tạo là để người lao động nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp để đáp ứng nhu cầu công việc, góp phần vào sự phát triển của công ty và gắn bó lâu dài với công ty. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng đào tạo sơ sài, dẫn đến việc đào tạo không còn đạt được mục đích như doanh nghiệp mong muốn.
Vậy nên, khi có kế hoạch cử nhân viên đi đào tạo, công ty phải tìm hiểu và nếu cần, có thể nhờ đến sự hỗ trợ của Luật sư để có được một hợp đồng đào tạo chặt chẽ.
4. Chi phí đào tạo gồm những khoản nào?
Theo quy định, Chi phí đào tạo bao gồm những khoản chi có chứng từ hợp lệ sau:
- Học phí và lệ phí đăng ký: Chi phí trực tiếp của các khóa học, lớp đào tạo.
- Chi phí tổ chức đào tạo: Bao gồm tiền thuê giảng viên, thuê phòng học, thiết bị giảng dạy và các chi phí hành chính khác.
- Chi phí tài liệu, dụng cụ học tập: Bao gồm chi phí cho các tài liệu, sách vở, dụng cụ cần thiết cho quá trình học tập.
- Chi phí tiền lương: Bao gồm tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người học trong thời gian đi học.
- Chi phí đi lại, ăn ở: Bao gồm các khoản chi khi người lao động cần di chuyển, lưu trú tại nơi đào tạo đối với người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài.
- Chi phí hỗ trợ khác: Bao gồm các chi phí khác mà doanh nghiệp hỗ trợ cho người lao động trong quá trình người lao động đi đào tạo.
5. Luật sư tư vấn lao động
Trên đây là bài viết chi tiết về việc “Cam kết bồi thường chi phí đào tạo”. Trong trường hợp có bất kì thắc mắc nào về quan hệ lao động, hợp đồng lao động, hợp đồng đào tạo hay có nội dung nào chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý, hãy liên hệ ngay với Luật sư của Công ty Luật CIS theo thông tin sau:
PHÒNG DOANH NGHIỆP – CIS LAW FIRM
109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 3911 8581 – 3911 8582 – Hotline: 0916 568 101
Email: info@cis.vn