Nhà đất không có sổ đỏ, sổ hồng có chia thừa kế được không?

Trong thời gian qua, Công ty Luật nhận được khá nhiều câu hỏi về vấn đề thừa kế nhà đất không có sổ đỏ, sổ hồng. Đây là tình trạng mà nhiều gia đình gặp phải, dù đã sinh sống ổn định lâu dài trên đất, nhưng lại không có các giấy tờ pháp lý về đất như sổ hồng, sổ đỏ. Vậy thì nhà đất đó thể được lập di chúc không? Có thừa kế được không? Bài viết này sẽ giải đáp thắc mắc cho bạn.

1. Đất không có sổ đỏ, thì có thể làm di chúc không hoặc có được chia thừa kế không?

Đây là một câu hỏi rộng và không thể trả lời là có hoặc không, mà tùy từng trường hợp cụ thể, theo đó, để biết trường hợp của mình như thế nào, chúng ta theo dõi các trường hợp sau đây.

Trước tiên, đất có sổ đỏ, sổ hồng, thì chắc chắn, con cái, người thân bạn sẽ được hưởng thừa kế dù bạn có viết di chúc hay không. Nhưng đối với đất không có sổ đỏ, sổ hồng, thì tùy thuộc vào đất đó gia định bạn sử dụng từ thời điểm nào, có giấy tờ gì khác ngoài sổ đỏ, sổ hồng không, trên đất có nhà ở, công trình xây dựng không.

nha-dat-khong-co-so-do-so-hong-chia-thua-ke

♦Trường hợp 1: Đất không có Sổ đỏ nhưng có một trong các loại giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất

Đất không có Sổ đỏ nhưng có một trong các loại giấy tờ sau, thì đất đó được để lại thừa kế. Các loại giấy tờ đó là:

1) Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

2) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;

3) Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất;

4) Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;

5) Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật;

6) Giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất; Những giấy tờ này thường là:

– Bằng khoán điền thổ.

– Văn tự đoạn mãi bất động sản có chứng nhận của cơ quan thuộc chế độ cũ.

– Văn tự mua bán nhà ở, tặng cho nhà ở, đổi nhà ở, thừa kế nhà ở mà gắn liền với đất ở có chứng nhận của cơ quan thuộc chế độ cũ.

– Bản di chúc hoặc giấy thỏa thuận tương phân di sản về nhà ở được cơ quan thuộc chế độ cũ chứng nhận.

– Giấy phép cho xây cất nhà ở hoặc giấy phép hợp thức hóa kiến trúc của cơ quan thuộc chế độ cũ cấp.

– Bản án của cơ quan Tòa án của chế độ cũ đã có hiệu lực thi hành.

7) Các loại giấy tờ khác được xác lập trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 theo quy định của Chính phủ. Những giấy tờ này có thể là:

– Sổ mục kê đất, sổ kiến điền lập trước ngày 18/12/1980.

– Một trong các giấy tờ được lập trong quá trình thực hiện đăng ký ruộng đất theo Chỉ thị 299 của Thủ tướng chính phủ năm 1980.

– Dự án hoặc danh sách hoặc văn bản về việc di dân đi xây dựng khu kinh tế mới, di dân tái định cư được UBND cấp huyện, cấp tỉnh hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

– Giấy tờ của nông trường, lâm trường quốc doanh về việc giao đất cho NLĐ trong nông trường, lâm trường để làm nhà ở.

– Giấy tờ tạm giao đất của UBND cấp huyện, cấp tỉnh; Đơn đề nghị được SDĐ được UBND cấp xã, hợp tác xã nông nghiệp phê duyệt, chấp thuận trước ngày 01/7/1980 hoặc được UBND cấp huyện, cấp tỉnh phê duyệt, chấp thuận.

– Giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc giao đất cho cơ quan, tổ chức để bố trí đất cho cán bộ, công nhân viên tự làm nhà ở hoặc xây dựng nhà ở để phân (cấp) cho cán bộ, công nhân viên bằng vốn không thuộc ngân sách nhà nước hoặc do cán bộ, công nhân viên tự đóng góp xây dựng.

♦Trường hợp 2: Đất không có Sổ đỏ và cũng không có các loại giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất đề cập ở trường hợp 1

Trường hợp này, đất không có một trong các loại giấy tờ vừa nêu nhưng có nhà ở, vật kiến trúc khác gắn liền với đất đó, thì đất có có giá trị pháp lý như sau:

– Đầu tiên, là người sử dụng đất có văn bản của UBND cấp có thẩm quyền xác nhận việc sử dụng đất đó là hợp pháp, đủ điều kiện cấp Sổ đỏ nhưng chưa kịp cấp thì quyền sử dụng đất đó được để lại di chúc hoặc là được chia thừa kế, nếu có tranh chấp về việc chia thừa kế thì khởi kiện ra Tòa án.

– Thứ hai, là người sử dụng đất không có văn bản của UBND cấp có thẩm quyền xác nhận việc sử dụng đất đó là hợp pháp, nhưng có văn bản của UBND cấp có thẩm quyền cho biết rõ là việc sử dụng đất đó không vi phạm quy hoạch và có thể được xem xét để giao quyền sử dụng đất, có quyền để lại di chúc và người sử dụng đất hoặc người thừa kế nên yêu cầu UBND cấp có thẩm quyền tiến hành các thủ tục giao quyền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

– Thứ ba, là Trường hợp UBND cấp có thẩm quyền có văn bản cho biết rõ việc sử dụng đất đó là không hợp pháp, di sản là tài sản gắn liền với đất không được phép tồn tại trên đất đó thì đất đó không được để lại thừa kế, không được chia thừa kế.

Như vậy, cho dù đất chưa có sổ đỏ, sổ hồng và cũng không có các loại giấy tờ phần trước đã nói, nhưng có văn bản của UBND cấp có thẩm quyền xác nhận việc sử dụng đất đó là hợp pháp hay việc sử dụng đất đó không vi phạm quy hoạch thì được để lại di chúc hoặc được chia thừa kế theo quy định.

2. Cách lập di chúc đối với trường hợp đất không có sổ đỏ, sổ hồng

Về hình thức, di chúc phải được lập thành văn bản. Di chúc bằng văn bản gồm có các hình thức sau:

– Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng;

– Di chúc bằng văn bản có người làm chứng;

– Di chúc bằng văn bản có công chứng, chứng thực.

Đối với các trường hợp đất không có sổ đỏ, sổ hồng nhưng có các giấy tờ khác thì lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng hoặc di chúc không có người làm chứng, không lập di chúc dưới hình thức công chứng, chứng thực được, vì văn phòng công chứng sẽ từ chối xác nhận di chúc, do VPCC không có các giấy tờ về đất để xác nhận.

⇒ Đọc thêm Hướng dẫn tự lập di chúc có hoặc không có người làm chứng

Bên cạnh đó, còn một hình thức di chúc khác, đó là di chúc bằng lời nói, di chúc bằng lời nói được thực hiện trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc bằng lời nói, theo đó, có ít nhất hai người làm chứng và người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ, sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc bằng lời nói mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.

3. Thủ tục thừa kế đất, chia thừa kế đất không có sổ đỏ, sổ hồng

Thừa kế là sự dịch chuyển tài sản của người đã chết cho người còn sống, theo đó, có 2 trường hợp: chia thừa kế theo di chúc hoặc chia thừa kế theo pháp luật.

Việc nhận thừa kế đất không có sổ đỏ, sổ hồng thì người nhận di sản thừa kế thực hiện việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu theo quy định của pháp luật đất đai.

Giấy tờ cần chuẩn bị gồm:

– Giấy chứng tử của người để lại di sản;

– Giấy tờ về việc kê khai, đóng nộp thuế hàng năm theo quy định;

– Giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu/giấy tờ chứng minh nơi cư trú, giấy tờ tùy thân của những người được hưởng di sản thừa kế;

– Văn bản thỏa thuận về việc phân chia di sản thừa kế hoặc biên bản họp mặt gia đình có nội dung về việc phân chia di sản thừa kế;

– Văn bản thỏa thuận cử người đại diện đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

– Giấy tờ, tài liệu chứng minh về thửa đất (bản đồ địa chính, sổ địa chính, bằng khoán điền thổ, văn tự mua bán nhà ở…v.v);

– Đơn đăng ký, đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

– Các giấy tờ khác theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

Trên thực tế, việc chia di sản thừa kế là nhà đất chưa có sổ đỏ, sổ hồng khá phức tạp. Hy vọng các thông tin trên sẽ giúp các bạn có thêm thông tin về vấn đề thừa kế nhà đất không có sổ hồng, sổ đỏ.

Nếu có bất cứ thắc mắc gì, các bạn có thể liên hệ với chúng tôi để được giải đáp và hỗ trợ!

Link video:

PHÒNG PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 3911 8580 – 3911 8581
Email: info@cis.vn