Bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện cho người lao động tự do

Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 33 triệu lao động tự do, chiếm hơn 50% tổng số việc làm. Đây là những người làm các công việc như bán hàng rong, thu gom rác, bốc vác, lái xe công nghệ 2 bánh, bán vé số lưu động, giúp việc gia đình, người làm tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, chăm sóc sức khỏe, …Mặc dù đóng vai trò quan trọng trong kinh tế gia đình và xã hội, lao động tự do lại đối mặt với nhiều khó khăn như: thu nhập bấp bênh, và đặc biệt là rủi ro cao về tai nạn lao động. Nhiều trường hợp, lao động tự do là lao động chính trong gia đình. Khi gặp tai nạn lao động phải điều trị dài ngày, gánh nặng kinh tế trở thành bài toán nan giải, thậm chí có thể dẫn đến khủng hoảng cho gia đình

Để giảm bớt khó khăn này, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 143/2024/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025, quy định về việc lao động tự do được tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, giúp người lao động và gia đình giảm bớt gánh nặng tài chính trước những rủi ro không mong muốn!

Xin mời bạn đọc theo dõi nội dung chi tiết về bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện trong bài viết dưới đây của Công ty Luật CIS.

1. Ai được tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện?

Theo Nghị định 143/2024/NĐ-CP, người đủ 15 tuổi trở lên, đang làm việc tự do, không có hợp đồng lao động và không thuộc diện bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội, đều được đăng ký tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.

Khi tham gia, nếu gặp tai nạn lao động dẫn đến suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc tử vong (trừ các trường hợp do mâu thuẫn cá nhân, tự hủy hoại sức khỏe, sử dụng chất kích thích), thì người lao động hoặc gia đình sẽ được hưởng quyền lợi bảo hiểm bằng tiền mặt.

Nghị định 143/2024/NĐ-CP

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định này là người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động từ đủ 15 tuổi trở lên, không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, có tham gia bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện (sau đây gọi tắt là người lao động).

Điều 5. Điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện

1. Người lao động đang tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện quy định tại Điều 4 của Nghị định này khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do tai nạn lao động xảy ra trong thời gian tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện;

b) Không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Người lao động không được hưởng các chế độ tai nạn lao động tại Điều 4 của Nghị định này nếu tai nạn xảy ra do một trong các nguyên nhân sau:

a) Mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến công việc, nhiệm vụ lao động;

b) Người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;

c) Sử dụng chất ma tuý, chất gây nghiện trái quy định của pháp luật.

dich-vu-dang-ky-ban-quyen-thuong-hieu

2. Quyền lợi khi tham gia bảo hiểm tai nạn lao động?

Tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, người lao động sẽ có 3 quyền lợi chính:

Một là, sẽ được Nhà nước hỗ trợ mức đóng từ 10% đến 30% tùy thuộc vào việc người lao động thuộc hộ nghèo hay cận nghèo ở khu vực nông thôn.

Nghị định 143/2024/NĐ-CP

Điều 12. Hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm tai nạn lao động cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện

1. Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, cụ thể như sau:

a) Bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện thuộc hộ nghèo theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn;

b) Bằng 25% đối với người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện thuộc hộ cận nghèo theo mức chuẩn hộ cận nghèo khu vực nông thôn;

c) Bằng 10% đối với người lao động khác

Hai là, được nhận trợ cấp một lần bằng tiền mặt khi chẳng may bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên. Cụ thể, suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 3 lần mức lương tối thiểu tháng tính theo vùng IV do Chính phủ quy định, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,3 lần tháng lương tối thiểu vùng IV.

Ngoài mức trợ cấp này, còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, theo đó, đóng từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 lần tháng lương tối thiểu vùng IV, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3 lần tháng lương tối thiểu vùng IV.

Ví dụ:

– Ông A làm thợ hồ, bắt đầu đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện từ tháng 1/2025.

– 3 tháng sau, trong lúc xây nhà, ông A bị tai nạn, dẫn đến suy giảm khả năng lao động 30%.

– Với mức lương tối thiểu vùng là 3.450.000 đồng, ông A sẽ nhận được khoản trợ cấp là 37. 950.000 đồng.

Nếu chẳng may ông A bị tử vong do tai nạn lao động, gia đình ông sẽ được nhận 31,5 lần mức lương tối thiểu, tương đương 108.675.000 đồng.

(Điều 7 Nghị định 143/2024/NĐ-CP)

Ba là, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng, chi phí giám định để ra kết luận về mức suy giảm khả năng lao động sẽ được bảo hiểm thanh toán lại.

dich-vu-lam-the-apec

3. Mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện

Theo quy định, mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện sẽ căn cứ vào mức lương tối thiểu vùng IV theo quy định của Chính phủ, và có 2 phương thức đóng, đó là đóng 6 tháng 1 lần và đóng 12 tháng 1 lần:

– Nếu đóng 6 tháng 1 lần, mức đóng là 6% tháng lương tối thiểu vùng IV, tương ứng ở thời điểm này là 207.000 đồng (nếu đóng 6 tháng/lần)

– Nếu đóng 12 tháng/lần, mức đóng bằng 12% tháng lương tối thiểu vùng IV, tương ứng ở thời điểm này là 414.000 đồng.

4. Thủ tục đăng ký tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện

Hồ sơ đăng ký tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện lần đầu là Tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động, trong đó phải có các thông tin cụ thể về nghề, công việc, thời gian và nơi làm việc được đăng ký để tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.

Cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm cấp sổ bảo hiểm xã hội trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

5. Hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện

Hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện gồm có:

– Sổ bảo hiểm xã hội;

– Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi đã điều trị tai nạn lao động đối với trường hợp nội trú;

– Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa;

– Bản sao giấy chứng tử, trích lục khai tử hoặc giấy báo tử hoặc bản sao quyết định tuyên bố là đã chết của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, đối với trường hợp chết do tai nạn lao động;

– Biên bản điều tra tai nạn lao động;

– Đơn đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động của người lao động hoặc thân nhân người bị nạn đối với trường hợp tai nạn lao động chết người theo mẫu;

– Bản chính hóa đơn, chứng từ hợp pháp liên quan về phí giám định suy giảm khả năng lao động.

Trường hợp kết quả giám định lại làm tăng mức suy giảm khả năng lao động thì hồ sơ đề nghị bổ sung chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện gồm có:

– Sổ bảo hiểm xã hội;

– Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa;

– Đơn đề nghị giải quyết bổ sung chế độ tai nạn lao động của người lao động theo mẫu quy định;

– Bản chính hóa đơn, chứng từ hợp pháp liên quan về phí giám định suy giảm khả năng lao động.

Người lao động hoặc thân nhân người lao động bị nạn nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội đã đăng ký tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện trong thời hạn như sau:

a) 30 ngày, kể từ ngày nhận được Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa;

b) 90 ngày kể từ ngày người lao động đang đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện bị chết.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản cho người nộp hồ sơ và nêu rõ lý do.

Trên đây là nội dung cơ bản về chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, người dân quan tâm có thể liên hệ trực tiếp với cơ quan bảo hiểm xã hội tại địa phương nơi mình đang cư trú để được hướng dẫn chi tiết về thủ tục đăng ký.

Như vậy, chính sách bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện lần đầu tiên được quy định chi tiết trong Nghị định 143/2024/NĐ-CP là bước tiến quan trọng, hy vọng quy định mới này giúp người lao động tự do giảm bớt gánh nặng kinh tế khi không may gặp tai nạn lao động.

Hy vọng nội dung trên hữu ích với bạn đọc.