Doanh nghiệp cần phải nộp các loại thuế gì năm 2022

Khi thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, ngoài việc đăng ký kinh doanh, Doanh nghiệp còn phải thực hiện nghĩa vụ tài chính, cụ thể là thuế đối với nhà nước. Theo đó, các doanh nghiệp cần phải nộp các loại thuế như: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác có liên quan.

Trong bài viết này, Công ty luật CIS cung cấp cho bạn thông tin về các loại thuế mà doanh nghiệp phải nộp trong quá trình hoạt động kinh doanh.

1. Các loại thuế mà doanh nghiệp cần phải nộp mới nhất năm 2022

Thuế là khoản nộp bắt buộc mà các cá nhân, tổ chức có nghĩa vụ thực hiện đối với Nhà nước. Nhà nước thu thuế nhằm mục đích thu ngân sách, điều tiết thu nhập xã hội, ổn định và phát triển kinh tế, xã hội.

Khoản 4 Điều 8 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định rõ về nghĩa vụ thuế của Doanh nghiệp như sau:

Điều 8. Nghĩa vụ của doanh nghiệp

4. Tổ chức công tác kế toán, nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.

doanh-nghiep-can-dong-cac-loai-thue-gi-2022

Các loại thuế cơ bản Doanh nghiệp phải nộp bao gồm:

Thuế môn bài (hay còn gọi là Lệ phí môn bài): là loại thuế Doanh nghiệp phải nộp hàng năm khi bắt đầu sản xuất kinh doanh, được tính trên mức vốn điều lệ được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Thuế giá trị gia tăng: là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là người có nghĩa vụ nộp thuế thay người tiêu dùng là người chịu thuế giá trị gia tăng từ hàng hóa, dịch vụ.

Thuế thu nhập doanh nghiệp: là loại thuế thu trên khoản lợi nhuận cuối cùng của Doanh nghiệp, sau khi đã trừ đi các khoản chi phí được trừ và các khoản khác.

Thuế thu nhập cá nhân: là loại thuế tính trên thu nhập của người lao động tại Doanh nghiệp mà Doanh nghiệp nộp thay cho người lao động.

Ngoài các loại thuế nói trên thì tùy vào đặc điểm, ngành nghề, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phát sinh mà doanh nghiệp cần phải nộp các loại thuế khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh đó theo quy định pháp luật thuế như:

– Thuế tài nguyên: là loại thuế tổ chức, cá nhân phải nộp cho nhà nước khi khai thác tài nguyên thiên nhiên.

– Thuế xuất khẩu, nhập khẩu: là loại thuế đánh vào hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam; hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới và hàng hóa mua bán, trao đổi khác được coi là hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

– Thuế bảo vệ môi trường: là loại thuế thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường như xăng, dầu, than đá, túi ni lông, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ mối,…

– Thuế tiêu thụ đặc biệt: đánh vào một số loại hàng hóa, dịch vụ mang tính chất xa xỉ nhằm điều tiết việc sản xuất, nhập khẩu và tiêu dùng xã hội, ví dụ như: thuốc lá, rượu bia, xe ô tô dưới 24 chỗ, Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh trên 125cm3; Tàu bay, du thuyền sử dụng cho mục đích dân dụng, …; dịch vụ thì có kinh doanh vũ trường, mát xa, karaoke,…

– Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp: đánh vào đất phi nông nghiệp dùng để sản xuất, thực hiện dự án đầu tư, xây dựng trụ sở cơ quan,…

dich-vu-lam-the-apec

2. Mức thuế tương ứng với các loại thuế mà doanh nghiệp phải nộp

a) Thuế môn bài

– Doanh nghiệp có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: 3.000.000 (ba triệu) đồng/năm;

– Doanh nghiệp có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2.000.000 (hai triệu) đồng/năm;

– Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác: 1.000.000 (một triệu) đồng/năm.

Lưu ý: Mức thu lệ phí môn bài căn cứ vào vốn điều lệ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp Doanh nghiệp có thay đổi vốn điều lệ thì căn cứ để xác định mức thu lệ phí môn bài là vốn điều lệ của năm trước liền kề năm tính lệ phí môn bài.

Xem thêm về Lệ phí môn bài tại đây.

b) Thuế giá trị gia tăng (GTGT)

⇒Công thức tính thuế GTGT:

Để biết được tiền thuế GTGT mỗi Doanh nghiệp phải nộp thì phải dựa trên 02 phương pháp kê khai thuế GTGT là: Phương pháp kê khai thuế GTGT khấu trừ hay phương pháp kê khai thuế GTGT trực tiếp.

Trường hợp 1: Doanh nghiệp kê khai thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp

Những doanh nghiệp thường áp dụng phương pháp này hoạt động ở các ngành mua bán, chế tác trang sức, vàng bạc, đá quý, cơ sở kinh doanh đang hoạt động có doanh thu chịu thuế GTGT hàng năm thấp hơn 1 tỷ đồng hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật. Khi đó, thuế GTGT mà Doanh nghiệp phải nộp là:

Thuế GTGT phải nộp = Doanh thu x Tỷ lệ thuế

Doanh thu để tính thuế GTGT là tổng số tiền bán hàng hóa, dịch vụ thực tế ghi trên hóa đơn bán hàng đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT bao gồm cả khoản phụ thu, phí thu thêm mà doanh nghiệp được hưởng. Tỷ lệ thuế GTGT được quy định với các ngành, nghề theo Thông tư 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính như sau:

– Phân phối, cung cấp hàng hóa là 1%.

– Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu là 5%.

– Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu là 3%.

– Hoạt động kinh doanh khác là 2%.

Trường hợp 2: Doanh nghiệp kê khai theo phương pháp khấu trừ

Về quy định dành cho phương pháp khấu trừ này sẽ phù hợp với các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ liên quan theo quy định, có doanh thu hàng năm từ 01 tỷ đồng trở lên, tự nguyện đăng ký kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ.

Thuế GTGT phải nộp = Thuế GTGT đầu ra – thuế GTGT đầu vào

⇒Mức thuế suất đóng Thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ:

Mức thuế suất GTGT Đối tượng áp dụng
0% Áp suất dụng đối với hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu theo thông lệ quốc tế
5% Áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho đời sống và hàng hóa, dịch vụ là đầu vào sử dụng cho sản xuất nông nghiệp
10% Áp dụng đối với các hàng hóa, dịch vụ thông thường khác

Xem thêm các quy định về Thuế giá trị gia tăng tại đây.

Hiện nay, nhằm cụ thể hóa các nội dung Chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội, ngày 28/01/2022 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế. Theo đó từ ngày 01/02/2022 đến hết ngày 31/12/2022, sẽ áp dụng giảm 2% thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%).

c) Thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN)

⇒Công thức tính thuế TNDN:

Theo quy định tại Điều 1 Thông tư 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về Thuế Thu nhập doanh nghiệp thì cách tính thuế TNDN cụ thể như sau:

Thuế TNDN phải nộp = (Thu nhập tính thuế – Phần trích lập quỹ KH&CN) x Thuế suất thuế TNDN

Trường hợp doanh nghiệp không trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ thì công thức tính thuế như sau:

Thuế TNDN phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất thuế TNDN

Thu nhập tính thuế TNDN được xác định như sau:

Thu nhập tính thuế  = Thu nhập chịu thuế – Thu nhập được miễn thuế + Các khoản lỗ được kết chuyển

⇒Mức thuế suất đóng Thuế TNDN: 20%.

Đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu, khí và tài nguyên quý hiếm khác tại Việt Nam từ 32% đến 50% phù hợp với từng dự án, từng cơ sở kinh doanh.

d) Thuế Thu nhập cá nhân

⇒Công thức tính thuế TNCN như sau:

Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế TNCN x Thuế suất

Trong đó:

– Thu nhập tính thuế TNCN = Thu nhập chịu thuế TNCN – Các khoản giảm trừ.

– Thu nhập chịu thuế TNCN = Tổng TNCN được công ty chi trả – Các khoản thu nhập không tính thuế TNCN.

– Các khoản giảm trừ thuế thu nhập cá nhân:

(i) Giảm trừ gia cảnh:

+ Đối với bản thân: 11.000.000 đồng/người/tháng.

+ Đối với người phụ thuộc: 4.400.000 đồng/người/tháng.

(ii) Các khoản bảo hiểm bắt buộc: bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm nghề nghiệp (đối với những ngành nghề đặc biệt).

⇒Mức thuế suất đóng Thuế TNCN:

Bậc thuế Phần thu nhập tính thuế/năm (triệu đồng) Phần thu nhập tính thuế/tháng (triệu đồng) Thuế suất (%)
1 Đến 60 Đến 5 5
2 Trên 60 đến 120 Trên 5 đến 10 10
3 Trên 120 đến 216 Trên 10 đến 18 15
4 Trên 216 đến 384 Trên 18 đến 32 20
5 Trên 384 đến 624 Trên 32 đến 52 25
6 Trên 624 đến 960 Trên 52 đến 80 30
7 Trên 960 Trên 80 35

dich-vu-dang-ky-ban-quyen-thuong-hieu

3. Thời hạn nộp các loại thuế mà doanh nghiệp phải nộp

a) Thuế môn bài

♦Thời hạn nộp tờ khai thuế môn bài:

– Mới thành lập (bao gồm cả doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh) hoặc có thành lập thêm đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh hoặc bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh: Chậm nhất là ngày 30 tháng 01 năm sau năm thành lập hoặc bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh.

– Trường hợp trong năm có thay đổi về vốn: Chậm nhất là ngày 30 tháng 01 năm sau năm phát sinh thông tin thay đổi.

♦Thời hạn nộp thuế môn bài:

Trong năm đầu tiên thành lập thì Doanh nghiệp được miễn lệ phí môn bài.

– Nếu kết thúc thời gian miễn lệ phí môn bài trong thời gian 6 tháng đầu năm thì thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 7năm kết thúc thời gian miễn.

– Nếu kết thúc thời gian miễn lệ phí môn bài trong thời gian 6 tháng cuối năm thì thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01năm liền kề năm kết thúc thời gian miễn.

b) Thuế Giá trị gia tăng

♦Cách thức kê khai thuế GTGT: Đối với Doanh nghiệp mới bắt đầu hoạt động, kinh doanh thì được lựa chọn khai thuế GTGT theo quý. Sau khi sản xuất kinh doanh đủ 12 tháng thì từ năm dương lịch liền kề tiếp theo năm đã đủ 12 tháng sẽ căn cứ theo mức doanh thu của năm dương lịch trước liền kề (đủ 12 tháng) để xác định kê khai thuế GTGT theo kỳ tính thuế tháng hoặc quý. Cụ thể:

– Nếu có Doanh thu năm trước liền kề từ 50 tỷ đồng trở xuống => Thì được kê khai thuế GTGT theo quý.

– Nếu có Doanh thu năm trước liền kề trên 50 tỷ => Kê khai thuế GTGT theo tháng.

– Trường hợp Doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí khai thuế theo quý được lựa chọn khai thuế theo tháng hoặc quý ổn định trọn năm dương lịch.

♦Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế:

(i) Khai thuế theo tháng thì thời hạn là ngày 20 của tháng sau;

(ii) Khai thuế theo quý thì thời hạn Ngày 30 của tháng đầu tiên quý sau;

(iii) Khai thuế theo từng lần phát sinh thì thời hạn là Ngày thứ 10 kể từ ngày phát sinh, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ khai thuế.

♦Thời hạn nộp thuế: giống như thời hạn nộp tờ khai thuế.

c) Thuế Thu nhập doanh nghiệp

Thuế TNDN sẽ tạm nộp theo quý, thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày 30 của tháng đầu quý sau. Doanh nghiệp không phải nộp tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính hàng quý.

Thời hạn nộp tờ khai thuế TNDN theo lần phát sinh chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày phát sinh.

Thời hạn nộp hồ sơ quyết toán Thuế TNDN chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính.

Thời hạn nộp thuế muộn nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp tờ khai quyết toán thuế.

d) Thuế Thu nhập cá nhân

♦Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế:

– Doanh nghiệp kê khai và nộp thuế TNCN theo tháng (trong trường hợp Doanh nghiệp kê khai thuế GTGT theo tháng và số thuế TNCN phải nộp trong tháng từ 50 triệu đồng trở lên): Chậm nhất vào ngày thứ 20 của tháng kế tiếp.

– Doanh nghiệp kê khai và nộp thuế TNCN theo quý (trong trường hợp Doanh nghiệp kê khai thuế GTGT theo quý hoặc doanh nghiệp kê khai thuế GTGT theo tháng và số thuế TNCN phải nộp trong tháng nhỏ hơn 50 triệu đồng): Chậm nhất vào ngày thứ 30 của quý kế tiếp.

– Thời hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế chậm nhất là ngày thứ 90 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch.

♦Thời hạn nộp thuế:

Thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai quý, quyết toán thuế.

4. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ các loại thuế mà doanh nghiệp phải nộp

Theo quy định của Luật Quản lý thuế, Doanh nghiệp khi đến hạn phải nộp thuế phải nộp thuế tại các cơ quan sau đây:

– Tại Kho bạc Nhà nước;

– Tại cơ quan quản lý thuế nơi tiếp nhận hồ sơ khai thuế;

– Thông qua tổ chức được cơ quan quản lý thuế ủy nhiệm thu thuế;

– Thông qua ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác và tổ chức dịch vụ theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, để thuận tiện cho việc nộp thuế, Doanh nghiệp cũng có thể đăng ký nộp thuế online trên trang https://thuedientu.gdt.gov.vn/ theo quy định.

5. Luật sư tư vấn về thuế đối với doanh nghiệp của Công ty Luật CIS

Công ty Luật CIS là một trong những công ty luật hàng đầu tại TP. HCM với đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực: Tư vấn đầu tư, thành lập doanh nghiệp, sở hữu trí tuệ, …

Trên đây là bài viết về Doanh nghiệp cần phải nộp loại thuế gì năm 2022 của Công ty luật CIS. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác hãy liên hệ ngay với Luật sư của Công ty Luật CIS theo thông tin sau:

PHÒNG PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 3911 8580 – 3911 8581
Email: info@cis.vn