Lao động ngừng việc không lương nhận hỗ trợ từ gói 62000 tỷ như thế nào?

Sau khi Công ty Luật CIS thực hiện video và bài viết: “Chính Phủ duyệt gói hỗ trợ 62000 tỷ cho nhiều đối tượng gặp khó khăn do dịch Covid19”, Công ty Luật CIS đã nhận được rất nhiều sự quan tâm cũng như thắc mắc về việc làm sao để được nhận gói hỗ trợ này, hồ sơ và thủ tục như thế nào, đặc biệt là từ người lao động nghỉ việc không hưởng lương.

Ngày 24/4/2020, Chính phủ đã ban hành quy định cụ thể về điều kiện và cách thức để nhận hỗ trợ.

Theo đó, đối với đối tượng là người lao động (NLĐ) tạm hoãn thực hiện Hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc nghỉ việc không hưởng lương được hưởng chính sách hỗ trợ như sau:

1. Mức hỗ trợ: 800.000 đồng/người/tháng nhận theo hằng tháng nhưng không quá 3 tháng

2. Điều kiện:

– Thời gian tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của HĐLĐ từ 01 tháng liên tục trở lên tính từ ngày 01/04/2020 đến hết ngày 30/06/2020 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 01/04/2020 đến ngày 01/06/2020.

– Đang tham gia BHXH bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi tạm hoãn thực hiện HĐLĐ hoặc nghỉ việc không hưởng lương.

– Làm việc tại các doanh nghiệp không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Điều này có nghĩa doanh nghiệp đã phải sử dụng hết các quỹ dự phòng tiền lương, nguồn lợi nhuận sau thuế và các nguồn tài chính hợp pháp khác của doanh nghiệp, số dư đến ngày 31 tháng 3 năm 2020 mà vẫn không thể trả lương cho NLĐ.

3. Thủ tục:

– Bước 1: Doanh nghiệp lập Danh sách NLĐ tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương đảm bảo đủ điều kiện theo quy định và đề nghị tổ chức công đoàn cơ sở (nếu có) và cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) xác nhận Danh sách này.

– Bước 2: Trong 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Danh sách theo đề nghị của doanh nghiệp, cơ quan BHXH xác nhận việc tham gia BHXH của NLĐ.

– Bước 3: Doanh nghiệp gửi hồ sơ đã chuẩn bị đến UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở. Trong 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, UBND cấp huyện thẩm định, trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Trong 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt Danh sách và kinh phí hỗ trợ; đồng thời chỉ đạo thực hiện chi trả hỗ trợ.

4. Hồ sơ:

– Danh sách NLĐ tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương theo mẫu (tải về).

– Bản sao văn bản thỏa thuận tạm hoãn thực hiện HĐLĐ hoặc nghỉ việc không hưởng lương.

– Bản sao Báo cáo tài chính năm 2019, quý I năm 2020 và các giấy tờ chứng minh tài chính khác của doanh nghiệp.

Như vậy, tổng thời gian dự tính thực hiện các bước để được nhận hỗ trợ là 8 ngày làm việc. Theo đó, NLĐ tạm hoãn thực hiện HĐLĐ hoặc nghỉ việc không hưởng lương cần phải thông qua công ty để công ty thực hiện thủ tục.

Bước tiếp theo, người lao động thuộc đối tượng được nhận hỗ trợ như trên cần làm theo hướng dẫn, chuẩn bị hồ sơ giấy tờ và liên hệ đến cơ quan địa phương để được hỗ trợ nhé! Hoặc người lao động có thể liên hệ trực tiếp với đường dây nóng 111 để được hỗ trợ chi tiết hoặc các số điện thoại tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân 0913.049.567; 0977.976.686 và 0913.378.816 (Bộ Lao động Thương binh Xã hội).

Ngoài ra, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg cũng hướng dẫn cho các đối tượng khác được hưởng chính sách. Bạn đọc có thể theo dõi chi tiết hướng dẫn nhận trợ cấp đối với: Lao động tự do, Lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp trên website của Công ty Luật CIS (www.cis.vn).

PHÒNG PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP – CÔNG TY LUẬT CIS

109 Hoàng Sa, Phường Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 3825 7196 – 0938 548 101
Email: info@cis.vn