Mở Doanh nghiệp tư nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh, một trong những vùng trọng điểm kinh tế của cả nước, nơi mà những người trẻ đã và đang từng ngày phát triển sự nghiệp. Nếu bạn là một người đam mê kinh doanh, mong muốn khởi nghiệp với những loại hàng hóa, dịch vụ mà mình yêu thích nhưng vẫn còn lăn tăn về thủ tục cũng như điều kiện thành lập Doanh nghiệp tư nhân thì hãy tham khảo bài viết sau đây, bạn sẽ biết được bạn cần làm những gì để có thể xây dựng một Doanh nghiệp tư nhân của riêng mình tại thành phố Hồ Chí Minh.

1. Doanh nghiệp tư nhân là gì?

Doanh nghiệp tư nhân là một tổ chức kinh doanh do một cá nhân thành lập và tiến hành đăng ký kinh doanh theo trình tự, thủ tục luật định để tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020, Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp tư nhân có các đặc điểm sau:

– Doanh nghiệp tư nhân là một loại hình doanh nghiệp do cá nhân làm chủ.

– Doanh nghiệp tư nhân là tổ chức có tài sản, có trụ sở giao dịch và phải hoạt động tuân thủ theo quy định của pháp luật liên doanh đến doanh nghiệp.

– Chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động của doanh nghiệp.

– Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân.

2. Điều kiện thành lập Doanh nghiệp tư nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh

a) Người thành lập:

Chủ thể có quyền thành lập Doanh nghiệp tư nhân là cá nhân, trừ những trường hợp bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam quy định tại khoản 2 điều 17 của Luật Doanh Nghiệp 2020.

Chủ Doanh nghiệp tư nhân cần phải lưu ý những điều sau:

  • Thứ nhất, mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một Doanh nghiệp tư nhân. Chủ Doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.
  • Thứ hai, Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.

b) Cách đặt tên Doanh nghiệp tư nhân.

Tên tiếng Việt của Doanh nghiệp tư nhân bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây:

(1) “Doanh nghiệp tư nhân” hoặc “DNTN” hoặc “Doanh nghiệp TN”;

(2) “Tên riêng”. Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.

VD: DNTN Hồng Hà; Doanh nghiệp TN Phúc Lộc Thọ.

Những điều cấm trong đặt tên Doanh nghiệp tư nhân:

– Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký trên phạm vi cả nước, trừ Trường hợp những doanh nghiệp đã giải thể hoặc đã có quyết định có hiệu lực của Tòa án tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản thì khi đó sẽ được đặt tên trùng;

– Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.

– Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

c) Ngành nghề kinh doanh

– Doanh nghiệp tư nhân nói riêng và các loại hình doanh nghiệp khác nói chung được tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm.

– Doanh nghiệp tư nhân lựa chọn và đăng ký ngành kinh tế kinh doanh trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam (mã ngành cấp 4) để ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, được quy định tại Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 20/8/2018.

– Trường hợp Doanh nghiệp tư nhân đăng ký kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thì cần đáp ứng thêm những điều kiện đặc thù được pháp luật quy định của ngành nghề đó. Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục IV Luật Đầu tư 2020 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 5 Điều 3 Luật số 03/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của luật đầu tư công, luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, luật đầu tư, luật nhà ở, luật đấu thầu, luật điện lực, luật doanh nghiệp, luật thuế tiêu thụ đặc biệt và luật thi hành án dân sự.

d) Trụ sở của Doanh nghiệp tư nhân

Trụ sở chính của Doanh nghiệp tư nhân đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính; có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có). Địa chỉ doanh nghiệp không được đặt tại chung cư hoặc tòa nhà không có chức năng thường mại, văn phòng.

Ngòai ra, cũng như các loại hình doanh nghiệp khác, Doanh nghiệp tư nhân cũng được thành lập các đơn vị trực thuộc như chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tại nhiều địa điểm khác nhau nếu đáp ứng các điều kiện và thủ tục theo pháp luật.

e) Quy định về vốn của Doanh nghiệp tư nhân

– Vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân do chủ doanh nghiệp tự đăng ký.

– Pháp luật không có quy định vốn tối thiểu, tối đa khi thành lập Doanh nghiệp tư nhân, trừ các trường hợp ngành, nghề kinh doanh có điều kiện quy định điều kiện về vốn pháp định. Chủ doanh nghiệp tư nhân có nghĩa vụ đăng ký chính xác tổng số vốn đầu tư. Toàn bộ vốn và tài sản được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

– Trong quá trình hoạt động, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư của mình vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Việc tăng hoặc giảm vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán. Trường hợp giảm vốn đầu tư xuống thấp hơn vốn đầu tư đã đăng ký thì chủ doanh nghiệp tư nhân chỉ được giảm vốn sau khi đã đăng ký với Cơ quan đăng ký kinh doanh.

3. Trình tự thành lập Doanh nghiệp tư nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Bước 1: Nộp hồ sơ.

– Bạn chuẩn bị bộ hồ sơ thành lập Doanh nghiệp tư nhân theo mục 4 và nộp hồ sơ trực tuyến qua mạng điện tử tại Cổng Thông tin Đăng ký doanh nghiệp Quốc gia theo địa chỉ: https://dangkykinhdoanh.gov.vn.

thanh-lap-doanh-nghiep-tu-nhan

– Sau khi nộp thành công hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, người nộp hồ sơ sẽ nhận được Giấy biên nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

Bước 2: Thanh toán lệ phí đăng ký doanh nghiệp

– Lệ phí đăng ký: miễn lệ phí.

– Phí bố cáo thông tin đăng ký doanh nghiệp: 100.000 đồng/lần/hồ sơ.

Bước 3: Giải quyết hồ sơ

– Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ giải quyết đơn yêu cầu đăng ký doanh nghiệp.

– Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện: cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và thông báo cho doanh nghiệp về việc cấp đăng ký doanh nghiệp.

– Trường hợp hồ sơ chưa đủ điều kiện: cơ quan đăng ký kinh doanh gửi thông báo bằng văn bản qua mạng thông tin điện tử cho doanh nghiệp để yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.

Bước 4: Nhận kết quả

– Bạn có thể nhận kết quả trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký nhận kết quả qua bưu chính.

giay-chung-nhan-thanh-lap-doanh-nghiep-tu-nhan

4. Hồ sơ thành lập Doanh nghiệp tư nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Để đăng ký thành lập Doanh nghiệp tư nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh, bạn cần chuẩn bị bộ hồ sơ gồm:

Thứ nhất, giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (Tải mẫu phụ lục I-1) .

Thứ hai, bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ doanh nghiệp tư nhân (Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu Việt Nam còn hiệu lực).

Thứ ba, các loại giấy tờ khác như:

– Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh và bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký thuế trong trường hợp đăng ký thành lập doanh nghiệp trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh.

– Giấy ủy quyền nếu chủ doanh nghiệp tư nhân không tự mình đăng ký mà ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác

5. Dịch vụ thành lập Doanh nghiệp tư nhân của Công ty Luật CIS.

Công ty Luật CIS đã thực hiện rất nhiều hồ sơ đăng ký thành lập Doanh nghiệp tư nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh, với kinh nghiệm dày dặn chúng tôi sẽ tư vấn phương án tốt nhất giúp doanh giải quyết các vướng mắc và thực hiện thủ tục một cách nhanh nhất.

Trên đây là hướng dẫn chi tiết về thủ tục thành lập Doanh nghiệp tư nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nếu bạn có vướng mắc trong quá trình thành lập Doanh nghiệp tư nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh hay bạn có nội dung nào chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý, hãy liên hệ ngay với Luật sư Công ty Luật CIS theo thông tin sau:

PHÒNG PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3911.8581 – 3911.8582             Hotline: 0916.568.101
Email: 
info@cis.vn