Trong quá trình làm việc, vẫn có trường hợp vì một số lý do nào đó mà doanh nghiệp, công ty hoặc người lao động phải tạm hoãn việc thực hiện hợp đồng lao động mà hai bên đã ký kết với nhau. Việc này làm ảnh hưởng đến nhiều vấn đề khác liên quan đến lương, BHXH, quyền và nghĩa vụ của hai bên.
Trong bài viết hôm nay, Công ty Luật CIS sẽ chia sẻ các thông tin về “tạm hoãn hợp đồng lao động” đến quý bạn đọc.
MỤC LỤC BÀI VIẾT
- 1. Tạm hoãn hợp đồng lao động là gì?
- 2. Văn bản pháp luật quy định về tạm hoãn hợp đồng lao động
- 3. Các trường hợp tạm hoãn hợp đồng lao động
- 4. Thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động
- 5. Tiền lương trong thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động
- 6. Tạm hoãn hợp đồng lao động có phải đóng BHXH không?
- 7. Hết thời hạn tạm hoãn, làm thế nào để tiếp tục công việc?
- 8. Thông tin liên hệ Luật sư tư vấn Hợp đồng lao động
1. Tạm hoãn hợp đồng lao động là gì?
“Tạm hoãn” được hiểu là tạm ngừng một việc gì đó và sẽ tiếp tục thực hiện trong tương lai, trong khi đó hợp đồng lao động là thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về vấn đề người lao động sẽ làm việc cho người sử dụng lao động.
Như vậy, tạm hoãn hợp đồng lao động là việc người lao động và người sử dụng lao động tạm thời dừng thực hiện những nội dung mà hai bên đã thoả thuận theo hợp đồng lao động trong một khoảng thời gian và sẽ tiếp tục thực hiện hợp đồng trong tương lai.
2. Văn bản pháp luật quy định về tạm hoãn hợp đồng lao động
Các quy định điều chỉnh về tạm hoãn hợp đồng lao động được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật sau đây:
– Bộ luật lao động năm 2019 (Luật số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019) sau đây gọi là Bộ luật lao động hiện hành;
– Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (Luật số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014), được sửa đổi, bổ sung năm 2015 và 2018, sau đây gọi là Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành.
3. Các trường hợp tạm hoãn hợp đồng lao động
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 30 Bộ luật lao động hiện hành, các trường hợp tạm hoãn hợp đồng lao động bao gồm:
– Người lao động thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ;
– Người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự; – Người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc cơ sở giáo dục bắt buộc; – Lao động nữ mang thai tạm hoãn hợp đồng trong trường hợp có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi; – Người lao động được bổ nhiệm làm người quản lý doanh nghiệp của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; – Người lao động được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; – Người lao động được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với phần vốn của doanh nghiệp đầu tư tại doanh nghiệp khác; – Trường hợp khác do hai bên thỏa thuận. |
Như vậy, chúng ta có thể thấy, việc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động xảy ra khi thuộc các trường hợp mà luật đã quy định (như thực hiện nghĩa vụ quân sự, lao động nữ mang tai cần phải dưỡng thai, nghỉ ngơi theo chỉ định của bác sĩ,…). Song song đó, việc tạm hoãn hợp đồng lao động cũng có thể là do sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Ví dụ, trong thời gian đại dịch covid 19 và sau đó, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu hụt đơn hàng, vậy nên, một số doanh nghiệp đã đề nghị công nhân, nhân viên của mình tạm hoãn HDLĐ trong một thời gian nhất định để cùng hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.
Trên thực tế, việc tạm hoãn hợp đồng lao động cũng thường xảy ra với lý do từ phía người lao động, như nhân viên tham gia khóa học, đào tạo, hay có việc gia đình cần giải quyết, và họ đề nghị công ty tạm hoãn HĐLĐ. Nếu công ty đồng ý, hai bên sẽ ký thỏa thuận về việc tạm hoãn HĐLĐ.
4. Thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động
Thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động phụ thuộc vào thoả thuận giữa doanh nghiệp, công ty và người lao động. Trong trường hợp hai bên không có thoả thuận thì thời hạn tạm hoãn hợp đồng được hiểu là đến khi hết thời hạn của các trường hợp tạm hoãn hợp đồng lao động như đã nêu tại Mục 3 của bài viết này.
Lưu ý: Riêng trường hợp người lao động nữ mang thai tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi) thì thời gian tạm hoãn do các bên thoả thuận nhưng ít nhất phải bằng thời gian do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định tạm nghỉ (Theo khoản 2 Điều 138 Bộ luật lao động hiện hành).
5. Tiền lương trong thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động
Tạm hoãn hợp đồng lao động là việc tạm ngừng thực hiện các công việc theo hợp đồng lao động, nghĩa là người lao động không làm các công việc trong hợp đồng lao động trong thời gian tạm hoãn. Vậy nên, các chế độ, trong đó có tiền lương cũng sẽ không phát sinh.
Điều này cũng được quy định tại Khoản 2 Điều 30 Bộ luật lao động hiện hành:
Trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác |
Chúng ta có thể thấy, nếu giữa người lao động và người sử dụng lao động có thoả thuận với nhau về việc trả lương khi tạm hoãn hợp đồng lao động thì người lao động vẫn được hưởng lương. Trong trường hợp giữa hai bên không có thoả thuận cho hưởng lương và các quyền, lợi ích theo hợp đồng lao động thì trong thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động, người lao động không được hưởng lương.
6. Tạm hoãn hợp đồng lao động có phải đóng BHXH không?
Về việc đóng BHXH trong trường hợp tạm hoãn hợp đồng lao động, Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành quy định:
Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. (Khoản 3 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành) |
Như vậy, trong trường hợp tạm hoãn hợp đồng lao động mà doanh nghiệp, công ty và người lao động không có thoả thuận về việc cho hưởng lương và thời gian tạm hoãn dưới 14 ngày làm việc thì vẫn phải đóng BHXH theo quy định.
7. Hết thời hạn tạm hoãn, làm thế nào để tiếp tục công việc?
Bộ luật lao động hiện hành quy định về việc tiếp tục công việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động như sau:
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm công việc theo hợp đồng lao động đã giao kết nếu hợp đồng lao động còn thời hạn, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác (Điều 31 Bộ luật lao động hiện hành) |
Có thể hiểu, khi hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động, mà hợp đồng lao động đã ký kết vẫn còn hiệu lực, trừ khi các bên có thoả thuận khác thì trong 15 ngày (tính cả ngày nghỉ, lễ, tết) thì:
– Người lao động phải có mặt tại nơi làm việc để tiếp tục thực hiện Hợp đồng lao động đã ký;
– Doanh nghiệp, công ty phải nhận người lao động trở lại làm việc.
8. Thông tin liên hệ Luật sư tư vấn Hợp đồng lao động
Công ty Luật CIS với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn pháp luật lao động và tiền lương, chúng tôi tự hào đã hỗ trợ cho nhiều khách hàng trong việc tư vấn và soạn thảo hợp đồng lao động, giúp khách hàng giảm thiểu những rủi ro cũng như những tranh chấp phát sinh không đáng có.
Do vậy, Nếu công ty bạn có vướng mắc về vấn đề Tạm hoãn hợp đồng lao động hay có nội dung nào chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý, hãy liên hệ ngay với Luật sư của Công ty Luật CIS theo thông tin sau:
PHÒNG PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP – CIS LAW FIRM
109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 3911 8581 – 3911 8582 Hotline: 0916568101
Email: info@cis.vn