Chọn mở công ty Cổ phần hay công ty TNHH?

Thành lập công ty là chuyện quan trọng và người thành lập công ty cần có những hiểu biết cơ bản về mặt pháp lý để tránh rủi ro.

Trong các bài viết trước đây, Công ty Luật đã giới thiệu đến bạn đọc một số khía cạnh pháp lý về việc thành lập công ty, trong nội dung bài viết dưới đây, Công ty Luật sẽ giải đáp thắc mắc: nên chọn mở công ty cổ phần hay công ty TNHH hai thành viên trở lên?

1. Công ty cổ phần và công ty TNHH hai thành viên trở lên khác gì nhau?

chon-mo-cong-ty-co-phan-hay-cong-ty-tnhh

Công ty cổ phần và công ty TNHH hai thành viên trở lên có một số điểm khác biệt như sau:

Thứ nhất, về số lượng thành viên:

Đúng như tên gọi, công ty TNHH hai thành viên trở lên có từ 02 đến 50 thành viên, các thành viên này có thể là tổ chức hoặc cá nhân. Trong khi đó, công ty cổ phần có số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa, các cổ đông có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Như vậy, so với công ty TNHH hai thành viên bị giới hạn số lượng thành viên tối đa là 50 người, công ty cổ phần sẽ không bị giới hạn số lượng cổ đông, phù hợp với những công ty có số lượng người góp vốn lớn hoặc định hướng tương lai lên sàn chứng khoán.

Thứ hai, về khả năng huy động vốn:

Công ty TNHH hai thành viên trở lên có thể huy động vốn theo 3 cách sau:

+ Thành viên hiện hữu góp thêm vốn;

+ Tiếp nhận thêm thành viên mới;

+ Phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật.

Theo đó, công ty TNHH hai thành viên trở lên không được phát hành cổ phần.

Trong khi đó, công ty cổ phần ngoài các các thức huy động vốn như công ty TNHH hai thành viên thì có thể huy động vốn thông qua phát hành cổ phần và các loại chứng khoán khác theo quy định, cụ thể, công ty cổ phần có thể phát hành nhiều loại cổ phần khác nhau như: cổ phần phổ thông, cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại, cổ phần ưu đãi biểu quyết hoặc cổ phần ưu đãi khác. Đặc biệt, đối với các công ty định hướng phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty, hay còn gọi là chương trình ESOP, thì nên chọn thành lập công ty cổ phần, bởi vì công ty TNHH hai thành viên không thể phát hành cổ phần theo chương trình này.

Như vậy, với nhiều cách huy động vốn và đa dạng các loại cổ phần, công ty cổ phần có thể linh hoạt tạo ra nhiều chính sách ưu đãi hoặc hạn chế riêng cho cổ đông của công ty.

dich-vu-dang-ky-ban-quyen-thuong-hieu

Thứ ba, về khả năng chuyển nhượng vốn:

Thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên sẽ bị hạn chế trong việc chuyển nhượng vốn hơn so với cổ đông trong công ty cổ phần, cụ thể: Thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên muốn chuyển nhượng một phần vốn hoặc toàn bộ vốn của mình trong công ty cho người khác thì phải chào bán phần vốn đó cho các thành viên còn lại trong công ty. Khi các thành viên này không mua hoặc mua không hết trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chào bán thì mới được chuyển nhượng cho người khác.

Còn đối với công ty cổ phần, cổ đông được tự do chuyển nhượng cổ phần cho người khác mà không cần phải thông qua các cổ đông khác, vấn đề hạn chế chỉ áp dụng cho 2 trường hợp sau:

+ Trường hợp thứ nhất, trong vòng 3 năm đầu tiên, cổ đông sáng lập công ty chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.

+ Trường hợp thứ hai, Điều lệ công ty có quy định về hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Đây là một quy định mới nổi bật chỉ có từ Luật doanh nghiệp 2020, theo đó, nếu Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng.

Thứ tư, về cơ cấu tổ chức và quản lý công ty:

Hiện nay pháp luật quy định cơ cấu tổ chức công ty TNHH hai thành viên trở lên bao gồm Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Chỉ một số trường hợp mới bắt buộc có ban kiểm soát. Như vậy, cơ cấu tổ chức của công ty TNHH hai thành viên trở lên khá đơn giản.

Trên thực tế, mô hình công ty TNHH hai thành viên trở lên thường mang tính đối nhân, tức là các thành viên góp vốn có mối quan hệ huyết thống hoặc thân quen, do đó việc quản lý công ty cũng đơn giản hơn so với công ty cổ phần. Những người bỏ vốn ra cũng chính là những người tham gia trực tiếp vào việc quản lý, điều hành công ty.

Khác với công ty TNHH, cơ cấu tổ chức của công ty cổ phần phức tạp hơn, cụ thể, trừ các công ty cổ phần đã lên sàn chứng khoán, các công ty cổ phần thông thường có Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Ngoài ra, tùy mô hình mà công ty cổ phần có thể có thêm Ban kiểm soát hoặc ủy ban kiểm toán.

Trong đó, Đại hội đồng cổ đông bao gồm những người bỏ vốn vào công ty, quyết định những vấn đề quan trọng liên quan đến sinh tồn của công ty. Hội đồng quản trị bao gồm những thành viên tham gia quản trị hoạt động công ty, quyết định hầu hết những vấn đề quan trọng của công ty, họ có thể là cổ đông công ty, hoặc bất kỳ ai có năng lực, có kinh nghiệm được công ty thuê để làm thành viên Hội đồng quản trị. Như vậy, những cổ đông công ty cổ phần có thể không trực tiếp tham gia vào việc quản lý hoạt động công ty.

dich-vu-lam-the-apec

2. Nên thành lập công ty cổ phần hay công ty TNHH hai thành viên trở lên?

Mỗi loại hình công ty đều có những ưu điểm, nhược điểm riêng, do đó, tùy thuộc vào nhu cầu, mục đích, quy mô kinh doanh và định hướng phát triển lâu dài mà bạn đọc có thể cân nhắc để lựa chọn loại hình phù hợp với mục tiêu kinh doanh của mình. Trong quá trình hoạt động, chủ công ty có thể thực hiện thủ tục để chuyển đổi công ty TNHH hai thành viên trở lên sang công ty cổ phần hoặc ngược lại.

Thủ tục thành lập công ty không quá phức tạp, tuy nhiên, để hiểu tường tận các vấn đề pháp lý thì không đơn giản, cụ thể để hiểu được bản chất và lựa chọn mô hình phù hợp với định hướng kinh doanh, các vấn đề pháp lý có liên quan như thuế, địa chỉ trụ sở, ngành nghề kinh doanh,… thì bạn đọc cần có hiểu biết sâu về pháp lý doanh nghiệp. Vì vậy, khi quyết định thành lập công ty, nên có sự tư vấn của các chuyên gia như Luật sư.

Nếu cần hỗ trợ hoặc hướng dẫn chi tiết, các bạn có thể liên hệ theo thông tin bên dưới để đội ngũ Luật sư của Công ty Luật kịp thời hỗ trợ.

Link video:

Công ty Luật CIS – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 3911 8580 – 3911 8581
Email: info@cis.vn