Hướng dẫn mở quán trà sữa năm 2023

Trong những năm gần đây, trà sữa là thức uống quen thuộc của giới trẻ Việt Nam. Theo đánh giá của các công ty nghiên cứu thị trường, tại Việt Nam, trà sữa đang đứng vị trí thứ 2 về lượng người ưa chuộng sử dụng liên quan đến thức uống. Bên cạnh đó, thị trường trà sữa Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 20% và đã đạt quy mô hằng năm lên đến hơn 360 triệu USD. Những con số này cho thấy tiềm năng rất lớn của ngành kinh doanh trà sữa.

Để mở quán trà sữa, bên cạnh yếu tố kinh doanh như đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng thực đơn và công thức đồ uống, thì các vấn đề về thủ tục pháp lý cũng cần được lưu tâm.

Trong nội dung bài viết dưới đây, công ty luật sẽ hướng dẫn các bạn những vấn đề pháp lý cần lưu ý khi mở quán trà sữa.

1. Mở quán trà sữa có phải đăng ký kinh doanh không?

Nếu bạn bán trà sữa lưu động ở vỉa hè, nhỏ lẻ và không có địa điểm cố định thì không cần phải đăng ký kinh doanh, tuy nhiên, nếu bạn dự định mở quán trà sữa tại một địa điểm cụ thể và đầu tư bài bản thì phải thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh.

Khi thực hiện thủ tục đăng ký, hoạt động kinh doanh của bạn là hợp pháp và sẽ tạo thuận lợi cho bạn trong quá trình hoạt động và hợp tác với các đối tác, đặc biệt là nếu bạn có dự định phát triển thành chuỗi trà sữa nhượng quyền. Ngoài ra, nếu bạn có đăng ký kinh doanh, bạn sẽ có cơ hội tiếp cận các khoản vay phục vụ kinh doanh từ ngân hàng.

 cac-van-de-phap-ly-khi-mo-quan-tra-sua

Để đăng ký kinh doanh, bạn có thể lựa chọn 1 trong 2 mô hình sau đây:

Mô hình 1: Đăng ký thành lập hộ kinh doanh.

Mô hình 2: Đăng ký thành lập công ty.

Mỗi hình thức đều có những ưu điểm, nhược điểm riêng. Theo đó, tùy thuộc vào quy mô kinh doanh, nhu cầu và kế hoạch kinh doanh mà bạn có thể lựa chọn đăng ký thành lập hộ kinh doanh hoặc công ty. Trong các bài viết và video pháp lý gần đây, công ty Luật đã giới thiệu chi tiết về ưu nhược điểm của 2 loại hình này, các bạn có thể xem lại video được dẫn link bên dưới để lựa chọn đúng mô hình phù hợp với quán trà sữa của mình:

https://youtu.be/GU_zx_39FGw

2. Thủ tục mở quán trà sữa.

Tùy theo mô hình bạn lựa chọn, hồ sơ và thủ tục mở quán trà sữa sẽ khác nhau, cụ thể:

Đối với hộ kinh doanh:

Để thành lập hộ kinh doanh, bạn cần chuẩn bị các giấy tờ sau:

1) Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh;

2) Bản sao chứng thực chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân của chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;

3) Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;

Cơ quan xử lý hồ sơ: Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, bạn nộp hồ sơ tại Phòng tài chính kế hoạch cấp huyện nơi bạn dự định mở quán trà sữa.

Thời gian: 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Kết quả: Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.

Đối với thành lập công ty:

Nếu bạn lựa chọn thành lập công ty thì thành phần hồ sơ sẽ khác, ví dụ, nếu bạn một mình đứng ra mở quán trà sữa và chọn thành lập công ty TNHH MTV, bạn cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm:

1) Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

2) Điều lệ công ty.

3) Bản sao chứng thực CMND/CCCD của chủ công ty và người đại diện theo pháp luật

Nếu bạn cùng hợp tác với người khác mở quán trà sữa, bạn có thể lựa chọn loại hình công ty TNHH 2 thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần, công ty Luật CIS đã có video so sánh về 2 loại hình doanh nghiệp này, bạn có thể xem trong link được để dưới bài viết: https://www.youtube.com/watch?v=WgUuNRiOKM4

Cơ quan cấp giấy phép: Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp tỉnh nơi công ty đặt trụ sở chính.

Thời gian giải quyết: 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

Kết quả: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Nếu bạn không tự đi nộp hồ sơ được, bạn có thể làm giấy ủy quyền để cá nhân hoặc đơn vị dịch vụ xin giấy phép đi nộp thay.

Sau khi đăng ký kinh doanh xong, bạn cần thực hiện thêm các thủ tục cần thiết theo quy định như khắc dấu công ty, mở tài khoản ngân hàng, kê khai thuế ban đầu, kê khai và đóng thuế môn bài.

3. Các loại giấy phép cần có khi mở quán trà sữa.

Trước khi đi vào hoạt động, quán trà sữa cần xin các loại giấy phép sau:

a) Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Kinh doanh trà sữa thuộc lĩnh vực ăn uống, vì vậy trước khi đi vào hoạt động, bạn phải xin giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Điều kiện cơ bản để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm:

– Hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp.

– Quy trình chế biến, phục vụ trà sữa được bố trí theo nguyên tắc một chiều từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm cuối cùng.

– Thiết bị, phương tiện vận chuyển, bảo quản thực phẩm phải bảo đảm vệ sinh.

Theo đó, trước khi nộp hồ sơ xin giấy phép này, bạn cần kiểm tra kỹ lưỡng các điều kiện hoặc liên hệ công ty dịch vụ, họ sẽ xuống tận nơi để khảo sát hiện trạng và tư vấn cho bạn, tránh trường hợp nộp hồ sơ bị trả lại do không đáp ứng điều kiện.

Tùy vào hình thức đăng ký là hộ kinh doanh hay công ty mà bạn sẽ nộp hồ sơ tại Uỷ ban nhân dân cấp quận huyện hoặc Ban an toàn thực phẩm cấp tỉnh hoặc Sở Y Tế nếu địa phương chưa thành lập Ban an toàn thực phẩm để thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Loại giấy phép này rất quan trọng, nếu quán trà sữa kinh doanh mà không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 20-30 triệu đồng.

b) Giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy:

Tùy theo quy mô quán trà sữa mà chủ quán cần thực hiện thủ tục về phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật. Nếu quán không có trang bị thiết bị phòng cháy chữa cháy và thực hiện thủ tục theo quy định, chủ quán có thể bị xử phạt vi phạm. Do đó, khi mở quán trà sữa, bạn cần liên hệ với Công an phòng cháy chữa cháy hoặc đơn vị dịch vụ giấy phép để được hướng dẫn chi tiết về thủ tục tương ứng với quy mô kinh doanh của quán trà sữa.

Ngoài các vấn đề nêu trên, chủ quán trà sữa cần đặc biệt lưu tâm đến việc đăng ký thương hiệu quán trà sữa để tránh trường hợp bị “ăn cắp” thương hiệu, gây hiểu nhầm cho khách hàng.

Thủ tục mở quán trà sữa không hề đơn giản, đặc biệt là vấn đề lựa chọn mô hình phù hợp với định hướng kinh doanh, các vấn đề về thuế, giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm, đăng ký thương hiệu, … Do đó, để hoạt động kinh doanh quán trà sữa hợp pháp đúng theo quy định của pháp luật, bạn nên có sự tư vấn của các chuyên gia như Luật sư.

Nếu cần hỗ trợ hoặc hướng dẫn chi tiết, các bạn có thể liên hệ theo thông tin bên dưới để đội ngũ Luật sư của Công ty Luật kịp thời hỗ trợ.

Video Youtube:

Công ty Luật CIS – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 028 3911 8580 – 3911 8581

Email: info@cis.vn