Chạy xe mượn có bị phạt lỗi chạy xe không chính chủ theo quy định mới nhất?

Sau khi đăng tải bài viết thông tin về việc ngày 31/12/2021 đã hết hạn sang tên xe không chính chủ, xe không giấy tờ, và giải đáp cho câu hỏi: kể từ ngày 01/01/2022, người dân chạy xe không chính chủ có bị phạt không, Công ty Luật đã nhận được rất nhiều câu hỏi của bạn đọc tiếp tục hỏi rằng: nếu mượn xe của người nhà, của bạn bè, hoặc được tặng cho xe mà chưa sang tên xe thì chạy trên đường có bị phạt hay không. Nếu có thì ai là người chịu phạt? CSGT có được quyền dừng xe để xử phạt lỗi nay không?

Trong bài viết này, Công ty Luật sẽ giải đáp cho các bạn.

1. Mượn xe để chạy có bị phạt lỗi chạy xe không chính chủ?

Thông tin về việc xử phạt lỗi đi xe không chính chủ đã khiến không ít người dân có tâm lý e ngại khi mượn xe của người nhà hay của bạn bè để tham gia giao thông.

Tuy nhiên, hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe thì mới bị coi là vi phạm. Quy định pháp luật cụ thể tại Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 như sau:

Điều 30. Xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ

4. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với cá nhân, từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô;

Như vậy, các trường hợp vừa nêu không bao gồm việc “cho mượn” xe vì bản chất của việc cho mượn là chưa phát sinh việc chuyển quyền sở hữu, chưa có việc phải chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe.

Tuy nhiên, việc cho người khác mượn xe sẽ phát sinh trách nhiệm pháp lý của chủ xe trong trường hợp giao xe cho người không đủ điều kiện theo quy định để tham gia giao thông, được quy định tại Điểm đ khoản 5 Điều 30, Điểm h khoản 8 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã sửa đổi năm 2021 như sau:

Điều 30. Xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ

5. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

đ) Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng);

Điều 30. Xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ

8. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

h) Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 58 (đối với xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô), khoản 1 Điều 62 (đối với xe máy chuyên dùng) của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng);

Ví dụ: Chủ xe phải chịu phạt nếu giao xe người lái xe không đủ tuổi hoặc không đủ sức khỏe theo quy định; không có bằng lái xe hoặc có bằng lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang bị tước quyền sử dụng bằng lái v.v…

Mức phạt mà chủ xe phải chịu phạt nếu giao xe cho người không đủ điều kiện tham gia giao thông là từ 800.000 – 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 – 4.000.000 đồng đối với tổ chức, nếu là xe mô tô, xe gắn máy;

Còn nếu xe cho mượn là xe ô tô thì chủ xe sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 – 6.000.000 đồng đối với cá nhân; từ 8.000.000 – 12.000.000 đồng đối với tổ chức.

2. CSGT có được quyền dừng xe để xử phạt lỗi chạy xe không chính chủ?

Như đã đề cập ở Mục 1, hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe, sẽ bị xử phạt.

Điều 16 Thông tư 65/2020/TT-BCA ban hành ngày 19/6/2020 quy định như sau:

Điều 16. Dừng phương tiện giao thông để kiểm soát

1. Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát trong các trường hợp sau:

a) Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác;

b) Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;

d) Tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Như vậy, theo quy định trên, CSGT khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch sẽ được quyền dừng phương tiện giao thông để kiểm soát trong trường hợp trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, khoản 10 Điều 80 Nghị định 100/2019 quy định như sau:

Điều 80. Thủ tục xử phạt đối với chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ, đường sắt

10. Việc xác minh để phát hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 4, điểm l khoản 7 Điều 30 Nghị định này chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông; qua công tác đăng ký xe.

Như vậy, việc xác minh để phát hiện hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông hoặc qua công tác đăng ký xe.

Do đó, không phải lúc nào khi đang chạy xe trên đường, không gây tai nạn mà bạn sẽ bị CSGT yêu cầu dừng xe và xử phạt về lỗi không sang tên xe này.

PHÒNG PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP – CÔNG TY LUẬT CIS

109 Hoàng Sa, Phường Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
028 38257196 – 0938 548 101
Email: info@cis.vn