Đại dịch covid-19 đang diễn biến phức tạp và khó lường, nhiều tỉnh, thành trên khắp cả nước đã thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng, tuy nhiên, số ca nhiễm hàng ngày vẫn chưa có dấu hiện suy giảm.
Trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, Vaccine được xem là chìa khóa để chấm dứt đại dịch trên toàn Thế giới. Vaccine giúp bảo vệ cơ thể trước dịch bệnh covid-19, giảm nguy cơ bệnh nặng hoặc tử vong khi mắc bệnh.
Bộ Y tế đã đàm phán mua được khoảng 150 – 170 triệu liều vaccine phòng covid-19, phấn đấu đặt mục tiêu cuối năm 2021, hoặc đầu năm 2022 có thể đạt miễn dịch cộng đồng, ước khoảng 70% dân số Việt Nam phải được tiêm chủng vaccine COVID-19.
Tuy nhiên, không ít người còn tâm lý e ngại, lựa chọn, hoặc từ chối tiêm vaccine phòng covid-19.
Vậy, người dân có quyền từ chối tiêm vaccine phòng covid19 không? Từ chối tiêm vaccine phòng covid19 thì có bị xử phạt hay không?
Đầu tiên, phải khẳng định rằng, hiện tại, đang có rất nhiều luồng quan điểm, ý kiến tranh luận trái chiều xung quanh vấn đề này.
Có nhóm ý kiến cho rằng việc tiêm vắc xin phòng covid-19 là quyền của người dân, do đó, người dân có quyền từ chối tiêm vắc xin
Tuy nhiên, có nhóm ý kiến khác lại cho rằng covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, do đó, người dân bắt buộc phải tiêm vắc xin.
Vậy, pháp luật quy định như thế nào về vấn đề này?
Điều 29 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007 quy định “người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng có dịch BẮT BUỘC phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vắc xin, sinh phẩm y tế phòng bệnh”
Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 9 Nghị định 117/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Hành vi “Không sử dụng hoặc cản trở việc sử dụng vắc xin đối với các bệnh có vắc xin, sinh phẩm y tế phòng bệnh trong trường hợp có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch theo yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền” sẽ bị phạt tiền từ 1 – 3 triệu đồng.
Trước đó, ngày 17/10/2017 Bộ y tế ban hành Thông tư 38/2017/TT-BYT ban hành Danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc, trong danh mục này không có bệnh covid-19. Điều này cũng dễ giải thích vì tại thời điểm ban hành chưa xuất hiện dịch bệnh covid-19.
Như vậy, mặc dù tháng 01 năm 2020, Bộ y tế đã bổ sung covid-19 vào danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm A – tức bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, covid-19 không thuộc Danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vắc xin bắt buộc theo Thông tư nói trên của Bộ y tế ban hành năm 2017. Do đó, tại thời điểm hiện nay, chưa có cơ sở để bắt buộc người dân tiêm Vaccine phòng covid-19, và do đó chưa có cơ sở để xử phạt khi người dân từ chối tiêm Vaccine phòng covid-19
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, Bộ Y tế có quyền cập nhật và bổ sung Danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vắc xin bắt buộc trong trường hợp cần thiết.
Hiện tại, để quá trình tiêm chủng diễn ra an toàn, Bộ y tế đã ban hành Quyết định 2995/QĐ-BYT Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng covid-19, như vậy, trước khi tiêm vaccine phòng covid-19, bạn sẽ được tiến hành khám sàng lọc nhằm phát hiện và phân loại các đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng vaccine phòng covid-19, do đó, bạn cũng không nên quá lo lắng về việc tiêm vắc xin phòng covid-19.
Đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng là người trong độ tuổi tiêm chủng theo khuyến cáo trong hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và không quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào liệt kê trong thành phần của Vaccine.
Xem thêm video tại đây:
PHÒNG PHÁP LÝ – CÔNG TY LUẬT CIS
109 Hoàng Sa, Phường Đa Kao, Quận 1, TPHCM
028 3825 7196 – 0938 548 101
Email: info@cis.vn