Tiêm vắc xin mũi 3 là gì? Có bắt buộc không?

Để chung sống an toàn với dịch Covid-19, tiêm vắc-xin phòng dịch được xác định là một trong những biện pháp quan trọng, căn bản. Theo thông tin đăng tải trên website của Bộ Y Tế, tính đến giữa tháng 12/2021, tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin là 97 % và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều là 81,6% dân số từ 18 tuổi trở lên.

Và hiện nay, rất nhiều địa phương đã triển khai tiêm vắc xin mũi 3 cho người dân nhằm mục đích tăng cường miễn dịch phòng bệnh COVID-19 cho những người đã được tiêm đủ 2 liều cơ bản, đặc biệt là trong giai đoạn xuất hiện biến chủng mới – Omicron.

Vậy vắc xin mũi 3 là gì? Trường hợp nào thì tiêm nhắc lại? Trường hợp nào thì tiêm bổ sung? Không tiêm vắc xin mũi 3 thì có được không?

Câu trả lời sẽ có trong bài viết này.

tiem-vac-xin-mui-3

Tiêm vắc xin liều bổ sung là gì?

– Theo văn bản số 10722/BYT-DP của Bộ Y tế:

Liều “bổ sung” là liều vắc xin được tiêm thêm cho những người mà tỷ lệ đáp ứng miễn dịch được coi là không đủ sau khi đã tiêm đủ số mũi tiêm của liều cơ bản. Mục tiêu của liều bổ sung này là tăng cường hệ miễn dịch để thiết lập mức hiệu quả bảo vệ đủ để chống lại COVID-19.

Theo đó, những người nên tiêm liều bổ sung là:

1. Người từ 18 tuổi trở lên hoặc người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm 1 hoặc 2 hoặc 3 mũi tùy theo loại vắc xin), có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng…

2. Người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vắc xin Verocell của hãng Sinopharm hoặc vắc xin Sputnik V

– Loại vắc xin được tiêm sẽ cùng loại với liều cơ bản đã tiêm trước đó hoặc là loại vắc xin mRNA (như: Pfizer hoặc Moderna).

– Thời điểm tiêm mũi bổ sung là sau khi tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản từ 28 ngày đến 3 tháng.

Lưu ý: Đối với những người có chỉ định tiêm liều bổ sung thì sau khi đã tiêm liều bổ sung này mới được coi là hoàn thành liều cơ bản.

Tiêm vắc xin liều nhắc lại là gì?

Liều “nhắc lại” là liều vắc xin được sử dụng cho những người đã hoàn thành đủ số mũi tiêm cơ bản theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin. Mục tiêu của liều nhắc lại này là khôi phục hiệu quả của vắc xin mà trước đó được coi là không còn đủ hiệu quả bảo vệ nữa.

– Đối tượng tiêm mũi “nhắc lại” là những người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung, hiện đang ưu tiên cho người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế.

– Loại vắc xin khi tiêm liều nhắc lại sẽ phụ thuộc vào các loại thuốc của mũi tiêm cơ bản: nếu các mũi tiêm cơ bản hoặc bổ sung cùng loại vắc xin thì tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc xin mRNA (như Pfizer hoặc Moderna);

Nếu các mũi tiêm cơ bản hoặc bổ sung khác nhau thì tiêm mũi nhắc lại bằng vắc xin mRNA. Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vắc xin của hãng Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc xin mRNA hoặc vắc xin véc tơ vi rút (tức vắc xin Astrazeneca).

– Thời điểm tiêm 01 mũi nhắc lại ít nhất 3 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản.

Có bắt buộc tiêm vắc xin mũi 3 không?

Trước đây Công ty Luật đã thực hiện video giải đáp về việc tiêm vắc xin Covid 19 là bắt buộc hay tự nguyện, các bạn có thể xem lại video theo đường link bên dưới:

Theo quy định của Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng có dịch BẮT BUỘC phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vắc xin, sinh phẩm y tế phòng bệnh.

Tuy nhiên, trong các quy định pháp luật đang có hiệu lực về Danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc do Bộ Y Tế ban hành thì bệnh covid19 chưa thuộc danh mục này.

Do đó, tính đến thời điểm thực hiện video này, việc tiêm vắc xin phòng covid19 vẫn chưa được “bắt buộc” thực hiện.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của ngành y tế trong thời gian qua, sau khi tỷ lệ bao phủ vắc xin được tăng lên thì đã có những dấu hiệu tích cực cho thấy tiêm vaccine đã có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khoẻ cho người được tiêm và giảm khả năng bị bệnh nặng hoặc tử vong khi bị nhiễm covid.

Hơn thế nữa, tiêm vaccine giúp bảo vệ những người xung quanh, bởi vì, người được tiêm vaccine đầy đủ ít có khả năng bị lây nhiễm covid và ít có khả năng trở thành người mang virus không triệu chứng, cho nên ít có khả năng lây lan cho người khác, đặc biệt người cao tuổi có mắc bệnh mạn tính, bệnh nền.

Công ty Luật đã thực hiện video giải đáp, các bạn có thể xem thêm tại đây:

CÔNG TY LUẬT CIS

109 Hoàng Sa, Phường Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
028 38257196 – 0938548101
Email: info@cis.vn