Gần đây, vụ việc một quân nhân tử vong trong khi đang thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Tiểu đoàn 4, Đại đội 14, Trường Quân sự Quân khu 1, tỉnh Thái Nguyên, đang gây rúng động dư luận.
Vụ việc này như một “hồi chuông” để chúng ta quan tâm hơn về hoạt động đi nghĩa vụ quân sự mà con em, người thân mình đang thi hành nhiệm vụ theo tiếng gọi của Tổ quốc và trách nhiệm của một công dân Việt Nam.
Trong bài viết này, Luật sư sẽ giải đáp cho câu hỏi: Khi đang đi nghĩa vụ quân sự mà bị tử vong thì có được phong là “liệt sĩ” và gia đình có được hưởng chế độ liệt sĩ không? Mời các bạn đọc hết bài viết nhé!
* Dưới đây là phần trao đổi với Luật sư Trần Lê Khanh – Luật sư của Công ty Luật CIS.
Câu hỏi: Xin Luật sư có thể cho biết những trường hợp nào thì được xét công nhận “liệt sĩ” ạ?
Luật sư: Với câu hỏi trên, tôi giải đáp như sau:
Liệt sĩ là người đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của Nhà nước, của Nhân dân thì được cơ quan có thẩm quyền xem xét công nhận là liệt sĩ.
Căn cứ vào Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 (Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021 thì những người hy sinh trong 12 trường hợp sau đây có thể được xem xét xác nhận là liệt sĩ:
- Chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia;
- Làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong địa bàn địch chiếm đóng, địa bàn có chiến sự, địa bàn tiếp giáp vùng địch chiếm đóng;
- Trực tiếp đấu tranh chính trị, đấu tranh binh vận có tổ chức với địch;
- Hoạt động hoặc tham gia hoạt động cách mạng, kháng chiến bị địch bắt, tra tấn vẫn không chịu khuất phục, kiên quyết đấu tranh hoặc thực hiện chủ trương vượt tù, vượt ngục mà hy sinh;
- Làm nghĩa vụ quốc tế;
- Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh;
- Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, diễn tập hoặc làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm;
- Do ốm đau, tai nạn không thể cứu chữa kịp thời khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo có điều kiện đặc biệt khó khăn theo danh mục do Chính phủ quy định;
- Trực tiếp làm nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm;
- Đặc biệt dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của Nhân dân hoặc ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi phạm tội, là tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội;
- Do vết thương tái phát là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh theo quy định có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên, có bệnh án điều trị vết thương tái phát của bệnh viện tuyến huyện trở lên và biên bản kiểm thảo tử vong;
- Mất tích trong các trường hợp tôi vừa nêu và được cơ quan có thẩm quyền kết luận không phản bội; đầu hàng, chiêu hồi hay đào ngũ.
Câu hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về những chính sách, chế độ dành cho liệt sĩ và gia đình của liệt sĩ, thưa luật sư?
Luật sư: Theo quy định thì liệt sĩ sẽ được các chế độ như: được tổ chức báo tử, truy điệu, an táng và ghi danh tại công trình ghi công liệt sĩ; được truy tặng Bằng “Tổ quốc ghi công”; được tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính và an táng đối với hài cốt.
Bên cạnh đó, thân nhân của liệt sĩ cũng được rất nhiều chế độ ưu đãi như:
- Được nhận trợ cấp tuất một lần hoặc hàng tháng,
- Được hưởng BHYT, chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe 2 năm/lần, ưu tiên trong tuyển sinh, đào tạo, hỗ trợ cải thiện nhà ở, miễn giảm tiền sử dụng đất, vay vốn ưu đãi, miễn giảm thuế v… tùy vào đối tượng thân nhân và căn cứ vào công lao, hoàn cảnh của từng người.
Câu hỏi: Xin cảm ơn Luật sư, như vậy, với những chia sẻ của Luật sư thì việc một người đang đi nghĩa vụ quân sự mà tử vong thì có đủ điều kiện để được xác nhận là “liệt sĩ” hay không?
Luật sư: Để biết trường hợp tử vong nào được xem xét xác nhận là liệt sĩ thì cần phải xem xét, đánh giá cụ thể từng trường hợp, không phải cứ tử vong trong thời gian quân ngũ thì đương nhiên là “liệt sĩ”.
Ví dụ, như báo chí đưa tin trong thời gian qua, quân nhân NVQS tử vong trong tư thế treo cổ ở tỉnh Thái Nguyên, hiện các cơ quan chức năng vẫn đang trong quá trình điều tra, chưa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân cái chết, do đó, chưa thể kết luận được quân nhân đó có được xác nhận là “liệt sĩ” hay không.
Vâng xin cảm ơn những chia sẻ thật hữu ích từ Luật sư.
CIS LAW FIRM
109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 3911 8581 – 028 3911 8580
Email: info@cis.vn