Vì sao Tòa Án nhân dân không có quyền xét xử vụ án quân nhân tử vong khi đi NVQS

Gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ án quân nhân tử vong trong thời gian đang thực hiện nghĩa vụ quân sự và nguyên nhân tử vong vẫn còn đang được điều tra làm rõ.

Một vấn đề được nhiều người quan tâm như: cơ quan nào có thẩm quyền điều tra về nguyên nhân cái chết đối với người quân nhân đó, và khi có kết quả điều tra, cơ quan nào có thẩm quyền xét xử nếu cái chết đó không phải do nguyên nhân khách quan hoặc do tự tử?

Mời các bạn cùng tìm hiểu câu trả lời thông qua bài viết dưới đây nhé.

1. Cơ quan có thẩm quyền điều tra về nguyên nhân cái chết của quân nhân.

Theo đại diện Quân khu 1 của Bộ Quốc phòng: Có 4 đơn vị đang tham gia điều tra gồm

  • Phòng điều tra hình sự Quân khu 1;
  • Cục Điều tra hình sự – Bộ Quốc phòng;
  • Cục Bảo vệ an ninh – Bộ Quốc phòng, và
  • Công an tỉnh Thái Nguyên.

Các cơ quan tiến hành điều tra và sẽ kết luận về nguyên nhân dẫn tới quân nhân tử vong.

2. Trường hợp cái chết của Quân nhân không phải do nguyên nhân khách quan hoặc do tự tử, thì cơ quan nào có thẩm quyền xét xử?

Theo quy định tại Điều 272 BLTTHS 2015, Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử đối với:

Vụ án hình sự mà bị cáo là quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu; dân quân, tự vệ trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc phối thuộc với Quân đội nhân dân trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu; công dân được điều động, trưng tập hoặc hợp đồng vào phục vụ trong Quân đội nhân dân;

Vụ án hình sự mà bị cáo không thuộc đối tượng vừa nêu nhưng có liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu hoặc gây thiệt hại đến tài sản, danh dự, uy tín của Quân đội nhân dân hoặc phạm tội trong doanh trại quân đội hoặc khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ.

Ngoài ra, Tòa án quân sự còn có thẩm quyền xét xử tất cả tội phạm xảy ra trong địa bàn thiết quân luật. Luật Quốc phòng 2018 quy định “Thiết quân luật” là biện pháp quản lý nhà nước đặc biệt có thời hạn do quân đội thực hiện. Khi an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở một hoặc một số địa phương bị xâm phạm nghiêm trọng tới mức chính quyền ở đó không còn kiểm soát được tình hình thì Chủ tịch nước ra lệnh thiết quân luật theo đề nghị của Chính phủ.

Như vậy, vụ án quân nhân tử vong trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự sẽ thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự .

3. Các cấp tòa án quân sự

Các cấp tòa án quân sự gồm có:

  • Thứ nhất là tòa án quân sự trung ương;
  • Thứ hai là tòa án quân sự quân khu và tương đương;
  • Thứ ba là tòa án quân sự khu vực.

Khi xác định thẩm quyền theo vụ việc, tòa án quân sự giải quyết các vụ việc hình sự theo sự phân định thẩm quyền của BLTTHS. Theo đó:

  • Tòa án quân sự khu vực xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng, nghĩa là xét xử đối với tội phạm có khung hình phạt lên đến 15 năm tù, trừ một số tội phạm được quy định trong Bộ luật tố tục hình sự, theo đó, nếu là tội giết người, thì Tòa án quân sự khu vực không có thẩm quyền để xét sử tội phạm này.
  • Tòa án quân sự cấp quân khu xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về các tội phạm không thuộc thẩm quyền của Tòa án quân sự khu vực, điều đó có nghĩa nếu phạm tội giết người mà vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự, thì Tòa án quân sự cấp quân khu sẽ xét xử sơ thẩm.
  • Tòa án quân sự trung ương có chức năng phúc thẩm vụ án hình sự mà bản án, quyết định sơ thẩm của TAQS quân khu chưa có hiệu lực bị kháng cáo, kháng nghị.

PHÒNG PHÁP LÝ – CÔNG TY LUẬT CIS

109 Hoàng Sa, Phường Đa Kao, Quận 1, TPHCM
028 3825 7196 – 0938 548 101
Email: info@cis.vn