Việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp mang lại nhiều lợi ích cho người lao động, đơn cử như: trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Thông qua bài viết dưới đây, Công ty Luật CIS sẽ giải đáp thắc mắc của bạn đọc về việc nhân viên tự ý nghỉ việc có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không?
MỤC LỤC BÀI VIẾT
1. Tự ý nghỉ việc là gì?
Tự ý nghỉ việc là việc người lao động tự mình, đơn phương chấm dứt công việc mình đang thực hiện mà không thông báo trước cho công ty.
Theo quy định, khi muốn nghỉ việc, Người lao động phải báo trước cho công ty như sau:
- Báo trước ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
- Báo trước ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
- Báo trước ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;
Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ. Ví dụ: Người quản lý doanh nghiệp khi muốn nghỉ việc phải báo trước cho công ty ít nhất 120 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên.
Bộ luật Lao động quy định, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần lý do, nhưng phải báo trước như quy định vừa nêu, trừ một số trường hợp không cần phải báo trước khi thuộc một trong các trường hợp sau:
|
Nếu người lao động nghỉ việc mà không báo trước cho công ty và không thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì được xem là hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật hay còn gọi là tự ý nghỉ việc.
2. Trợ cấp thất nghiệp là gì?
Trợ cấp thất nghiệp là một trong nhiều chính sách an sinh xã hội do Nhà nước ban hành, theo đó, người lao động được hưởng một khoản tiền do Cơ quan BHXH cấp sau khi chấp dứt hợp đồng lao động với công ty.
Để được hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
1) Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
2) Đã đóng BHTN từ đủ:
+ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với các trường hợp: Hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc có xác định và không xác định thời hạn
+ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với các trường hợp: Ký hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng
3) Đã đăng ký thất nghiệp và nộp hồ sơ hưởng trợ cấp tại Trung tâm dịch vụ việc làm.
4) Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN, trừ các trường hợp sau đây:
+ Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
+ Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
+ Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
+ Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
+ Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
+ Chết.
3. Nhân viên tự ý nghỉ việc, có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không?
Theo quy định của Luật Việc làm, người lao động sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong các trường hợp sau đây:
– Không đáp ứng đủ các điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp như đã nêu ở Mục 2.
– Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trái pháp luật.
– Người lao động nghỉ việc hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
Vậy theo quy định trên, người lao động hay nhân viên tự ý nghỉ việc sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
4. Tự ý thôi việc có được bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp không?
Theo quy định, trường hợp người lao động không hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc hưởng không hết thời gian quy định, thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ được bảo lưu để tính cho lần hưởng trợ cấp tiếp theo khi đủ điều kiện, gọi là bảo lưu bảo hiểm thất nghiệp.
Tham khảo giải đáp của Cơ quan BHXH về “bảo lưu thất nghiệp”: Tại Đây
Như vừa nêu ở Mục 3, người lao động tự ý nghỉ việc sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp (không đáp ứng đủ điều kiện để được hưởng trợ cấp), do đó, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được bảo lưu, cộng dồn làm căn cứ giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần hưởng tiếp theo.
5. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định như thế nào?
Về mức hưởng trợ cấp thất nghệp, Công ty Luật sẽ đề cập đến hai nội dung: mức hưởng và thời gian hưởng, theo đó:
– Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định như sau:
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo tỷ lệ 60% mức lương bình quân của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động thực hiện theo chế độ tiền lương do DN quyết định.
– Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp:
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp phụ thuộc vào số tháng đóng bảo hiểm, tối đa là 12 tháng, cụ thể như sau:
+ Người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng tiền trợ cấp thất nghiệp.
+ Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
6. Thông tin liên hệ
Trợ cấp thất nghiệp là một trong những quyền lợi gắn với bảo hiểm thất nghiệp và thuộc sự quản lý của cơ quản Bảo hiểm xã hội. Do đó, khi có bất kì thắc mắc nào liên quan đến vấn đề trợ cấp thất nghiệp, bạn đọc nên liên hệ trực tiếp đến cơ quan Bảo hiểm xã hội để được giải đáp thắc mắc và hỗ trợ kịp thời.
Nếu công ty bạn có vướng mắc về vấn đề liên quan đến mối quan hệ lao động hay có nội dung nào chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý, hãy liên hệ ngay với Luật sư của Công ty Luật CIS theo thông tin sau:
PHÒNG PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP – CIS LAW FIRM
109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 3911 8581 – 3911 8582 Hotline: 0916568101
Email: info@cis.vn