Top 5 lỗi vi phạm thường gặp mùa Tết bị phạt nặng!

Trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt, tết Nguyên Đán là một trong những dịp lễ quan trọng nhất hàng năm, là dịp để mọi người đoàn viên, sum vầy sau một năm làm việc vất vả.

Tuy nhiên, dịp Tết cũng là dịp rất dễ phát sinh những tệ nạn, hay các hành vi vi phạm pháp luật do vô tình hoặc cố ý khi chưa biết rõ đầy đủ quy định pháp luật với các chế tài rất nặng, có những hành vi vi phạm tưởng chừng rất nhỏ, nhưng sẽ bị xử phạt đến vài chục triệu, hay thậm chí là bị truy cứu trách nhiệm hình sự!

Trong bài viết này, Công ty Luật sẽ điểm qua “Top 5 lỗi vi phạm thường gặp trong mùa Tết” để các bạn tham khảo để tránh vi phạm trong mùa Tết này và tận hưởng cái Tết an lành, vui vẻ, hợp pháp.

1. Đốt pháo

Theo truyền thống văn hóa Á Đông, trong đó có Việt Nam, pháo là một phương tiện lợi hại để xua đuổi tà ác và điềm xấu. Chính vì thế, đốt pháo được xem như một hình thức chào tạm biệt năm cũ và xua đuổi những điều không may để chào đón một năm mới tốt đẹp của người Việt.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, nếu cho, tặng, trao đổi, sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép thì sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Ngoài ra, hành vi vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo thì sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng.

5-loi-vi-pham-thuong-gap-mua-tet

Điều 11. Vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm (Nghị định 144/2021/NĐ-CP)

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

i) Sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép;

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

e) Vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo;

Đặc biệt, nếu sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển pháo nổ từ 6 kg trở lên, tùy vào mức độ vi phạm mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù.

Điều 190. Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017)

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 244, 246, 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

 

c) Sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam;

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

g) Pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:

c) Pháo nổ 120 kilôgam trở lên;

Hiện nay, Nhà Nước đã cho phép người dân được sử dụng pháo trong giới hạn, tức là chỉ được sử dụng một số loại pháo nhất định và phải mua ở nơi được cấp phép, quản lý bởi Bộ Quốc Phòng.

Các bạn có thể xem lại video Công ty Luật đã đăng tải trước đây để biết người dân được sử dụng loại pháo nào và mua ở đâu để sử dụng pháo đúng luật:

2. Hát karaoke ồn ào

Hát karaoke là một hình thức giải trí khá phổ biến tại Việt Nam, karaoke giúp cho con người có tinh thần thoải mái, lạc quan, đem lại không khí sôi động cho các buổi lễ tết, giúp mọi người gần gũi nhau hơn.

Tuy nhiên có thể nhiều người chưa biết rằng, hát karaoke đã vô tình trở thành hành vi gây mất trật tự công cộng vì đã gây ồn ào, ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng những người xung quanh và bị xử phạt.

Cụ thể: hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng, theo điểm a khoản 1 điều 8 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Điều 8. Vi phạm quy định về bảo đảm sự yên tĩnh chung (Nghị định 144/2021/NĐ-CP)

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau;

Ngoài ra, nếu gây tiếng ồn quá lớn, vượt quy chuẩn kỹ thuật thì sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP về hành vi “Vi phạm các quy định về tiếng ồn” với mức phạt tiền tối đa đến 160.000.000 đồng nếu là cá nhân, hộ gia đình vi phạm.

2. QUY ĐỊNH KỸ THUẬT (QCVN 26:2010/BTNMT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn.)

2.1. Các nguồn gây ra tiếng ồn do hoạt động sản xuất, xây dựng, thương mại, dịch vụ và sinh hoạt không được vượt quá giá trị quy định tại Bảng 1.

Bảng 1 – Giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn

(theo mức âm tương đương), dBA

TT Khu vực Từ 6 giờ đến 21 giờ Từ 21 giờ đến 6 giờ
1 Khu vực đặc biệt 55 45
2 Khu vực thông thường 70 55
Điều 8. Vi phạm quy định về bảo đảm sự yên tĩnh chung (Nghị định số 45/2022/NĐ-CP)

1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 02 dBA.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 02 dBA đến dưới 05 dBA.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 05 dBA đến dưới 10 dBA.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 10 dBA đến dưới 15 dBA.

5. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 15 dBA đến dưới 20 dBA.

6. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 20 dBA đến dưới 25 dBA.

7. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 25 dBA đến dưới 30 dBA.

8. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 30 dBA đến dưới 35 dBA.

9. Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 35 dBA đến dưới 40 dBA.

10. Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 40 dBA trở lên.

11. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn của cơ sở từ 03 tháng đến 06 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại các khoản 4, 5, 6 và 7 Điều này;

b) Đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 06 tháng đến 12 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại các khoản 8, 9 và 10 Điều này.

12. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn đạt quy chuẩn kỹ thuật trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này gây ra;

b) Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm tiếng ồn theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm quy định tại Điều này.

dich-vu-lam-the-apec

3. Đánh bài

Đánh bài là một “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong các dịp lễ tết.

Nhiều người có suy nghĩ rằng, chơi đánh bài vào ngày Tết là điều đương nhiên được làm, vì một năm mới có một lần, chơi ăn tiền chút đỉnh cho vui vì mục đích giải trí chứ không phải mục đích chính là để kiếm tiền.

Tuy nhiên, đánh bài, kể cả đá gà, chơi bầu cua cá cọp, lắc xí ngầu, hay bất kì hình thức ăn thua bằng tiền nào khác, miễn là có ăn tiền thì sẽ bị coi là hành vi “đánh bạc trái phép” và bị phạt từ 1.000.000 – 2.000.000 đồng.

Điều 28. Hành vi đánh bạc trái phép (Nghị định 144/2021/NĐ-CP)

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế, binh ấn độ 6 lá, binh xập xám 13 lá, tiến lên 13 lá, đá gà, tài xỉu hoặc các hình thức khác với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật;

b) Đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép;

c) Cá cược trái phép trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí hoặc các hoạt động khác.

Đặc biệt, nếu đánh bạc với số tiền từ 5.000.000 đồng trở lên, hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà tái phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc theo quy định Điều 321 Bộ luật Hình sự hiện hành với hình phạt tù cao nhất đến 7 năm tù.

Điều 321. Tội đánh bạc (Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017)

1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;

c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

4. Lái xe khi đã uống rượu, bia

Trong dịp tết, những ly rượu, cốc bia đi kèm những lời chúc tốt đẹp hình trở thành một nét văn hóa đặc trưng của người Việt. Chén rượu trong dịp Tết còn là cách để bà con láng giềng quây quần, họ hàng chia sẻ những niềm vui năm cũ, chúc nhau năm mới thịnh vượng, an khang.

Tuy nhiên, nếu uống rượu, bia mà điều khiển phương tiện giao thông không những gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của con người, mà còn là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử phạt rất nặng, từ 6.000.000 – 40.000.000 đồng đối với ô tô hoặc từ 2.000.000 – 8.000.000 đồng đối với xe mô tô, xe gắn máy. Ngoài ra lái xe còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, tạm giữ hoặc tịch thu phương tiện.

dang-ky-ban-quyen-thuong-hieu

Điều 5. Xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ (Nghị định 100/2019/NĐ-CP)

6. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

c) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

8. Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

c) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

10. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở;

Điều 6. Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ (Nghị định 100/2019/NĐ-CP)

6. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

c) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

7. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

c) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

8. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

e) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở;

5. Lấy tiền lì xì của con

Lì xì ngày Tết là phong tục không thể thiếu của người dân Việt Nam với ý nghĩa chúc may mắn đầu năm, nếu gặp trẻ nhỏ thì người lớn thường sẽ tặng các phong bao lì xì, gọi là “mừng tuổi”, đôi khi số tiền mừng tuổi tích cóp được sau một mùa Tết là rất lớn và người lớn thường lấy lí do con còn nhỏ, chưa biết xài tiền và cất giữ dùm.

Theo quy định pháp luật, tiền lì xì hay các khoản tiền được tặng cho riêng thì sẽ được coi là tài sản riêng của con trẻ.

Điều 76 Luật Hôn nhân và Gia đình có quy định về việc quản lý tài sản riêng của con như sau:

Điều 76. Quản lý tài sản riêng của con (Luật Hôn nhân và Gia đình 2014)

1. Con từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý.

2. Tài sản riêng của con dưới 15 tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự do cha mẹ quản lý. Cha mẹ có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con. Tài sản riêng của con do cha mẹ hoặc người khác quản lý được giao lại cho con khi con từ đủ 15 tuổi trở lên hoặc khi con khôi phục năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp cha mẹ và con có thỏa thuận khác.

3. Cha mẹ không quản lý tài sản riêng của con trong trường hợp con đang được người khác giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự; người tặng cho tài sản hoặc để lại tài sản thừa kế theo di chúc cho người con đã chỉ định người khác quản lý tài sản đó hoặc trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

4. Trong trường hợp cha mẹ đang quản lý tài sản riêng của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự mà con được giao cho người khác giám hộ thì tài sản riêng của con được giao lại cho người giám hộ quản lý theo quy định của Bộ luật dân sự.

Như vậy:

– Nếu con dưới 15 tuổi hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì tài sản của con sẽ do cha mẹ hoặc người khác được ủy quyền của cha mẹ quản lý cho đến khi đủ 15 tuổi hoặc khôi phục lại năng lực hành vi dân sự.

– Nếu con từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình quản lý hoặc nhờ cha mẹ quản lý.

Nếu chiếm giữ tài sản riêng của con vi phạm quy định nêu trên thì người lớn có thể sẽ bị xử lý về hành vi “chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình” theo Nghị định 144/2021 với mức phạt tiền tối đa đến 30 triệu đồng, cụ thể như sau:

Điều 58. Hành vi bạo lực về kinh tế (Nghị định 144/2021/NĐ-CP)

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

1. Chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình.

Tuy nhiên, trong thực tế thì trường hợp này rất hiếm khi xảy ra vì cha mẹ giữ hộ tiền lì xì cho con vì muốn tiết kiệm cho con, để tránh con tiêu xài hoang phí hoặc để dành mua những vật dụng cần thiết cho con như sách vở, đồ dùng học tập, …tất cả đều vì lợi ích tốt nhất cho con, rất hiếm trường hợp cha mẹ cố ý chiếm đoạt tiền lì xì của con mà vì mục đích riêng.

♦ Link Youtube

PHÒNG PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 3911 8581 – 3911 8582             Hotline: 0916 568 101
Email: info@cis.vn