Hội thảo đánh giá 10 năm thực hiện chiến lược phát triển nghề Luật sư đến năm 2020 và đề án 123

Sáng ngày 7/7, Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp đã có buổi hội thảo đánh giá 10 năm thực hiện chiến lược phát triển nghề luật sư (khu vực phía Nam). Hội thảo diễn ra tại Nhà khách Văn phòng Quốc hội số 165 Nam Kỳ Khởi Nghĩa Quận 3 TPHCM, với sự tham gia của nhiều cán bộ tư pháp, các luật sư của các công ty luật.

1/ Kết quả đã đạt được:

Đề án 123 với mục tiêu xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách đã tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho hoạt động hành nghề luật sư, bảo đảm tranh tụng và nâng cao vai trò của luật sư trong tố tụng.

Với chủ trương phát triển số lượng luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, tính từ thời điểm triển khai Chiến lược (tháng 7/2011) đến hết tháng 05/2020, đội ngũ luật sư đã tăng từ 6.250 lên hơn 14.000 luật sư. Số lượng tổ chức hành nghề luật sư trên toàn quốc cũng tăng từ 2.928 lên hơn 4.000 tổ chức, đặc biệt các tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế hiện nay khoảng 30 tổ chức, đạt mục tiêu cụ thể đặt ra trong Đề án 123.

Chất lượng của đội ngũ luật sư cũng được nâng cao và đáp ứng tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế, cụ thể:

  • Các luật sư đều có trình độ cử nhân luật, trên 700 luật sư có trình độ trên đại học, 1.000 luật sư, chuyên gia pháp luật chuyên sâu trong lĩnh vực thương mai quốc tế.
  • Một số luật sư trẻ được đào tạo ở nước ngoài như các nước Anh, Hoa Kỳ, Úc, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Kết quả của việc triển khai đề án điển hình là việc thành lập thí điểm được Trung Tâm Liên kết đào tạo luật sư thương mại quốc tế. Trung tâm đã có những hoạt đông như:

  • Ký Biên bản ghi nhớ với Trường Đại học New South Wales về việc đào tạo luật sư thương mại quốc tế.
  • Đàm phán với Trường Đại học Nottingham Trend xây dựng chương trình đào tạo
  • Nhận được cam kết hỗ trợ của Đại sứ quán các nước Hoa Kỳ, Úc, Ireland trong việc triển khai một số hoạt động của Trung tâm…

2/ Các tồn tại

Mặt khác, nghề luật sư vẫn còn tồn tại những hạn chế về mặt thực tiễn:

  • Số lượng luật sư tại các tỉnh vùng ven còn rất thấp, nghề luật sư vẫn chưa được công chúng hiểu rộng rãi và chưa được đánh giá đúng như Đảng và Nhà nước đánh giá
  • Phạm vi hành nghề luật sư còn hạn chế dẫn đến tình trạng hiện nay rất nhiều Luật sư vẫn chưa hoạt động đúng ngành nghề luật sư
  • Việc nâng cao trình độ ngoại ngữ cho các luật sư tại các tỉnh này vẫn còn gặp khó khăn

3/ Phương hướng giải quyết được đề xuất:

  • Cần tăng cường phối hợp, nâng cao nhận thức của cơ quan tố tụng về vai trò của Luật sư
  • Có những chính sách cụ thể để tăng cường chất lượng chuyên môn cũng như trình độ ngoại ngữ của luật sư
  • Tạo môi trường thuận lợi để các luật sư hành nghề.