Hiện nay khi kinh tế phát triển, nền y học cũng phát triển thì tuổi thọ con người ngày càng tăng cao. Ngày càng nhiều người lao động tuy đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn còn đủ sức khỏe và tinh thần, và vì nhiều lý do, họ muốn tiếp tục làm việc. Vậy nếu công ty muốn tiếp tục ký hợp đồng lao động với họ thì như thế nào? Có phải đóng bảo hiểm xã hội không? Có phải đóng thuế thu nhập cá nhân không?
Bài viết dưới đây của Công ty Luật CIS sẽ cung cấp cho bạn đọc các thông tin về Hợp đồng lao động đối với người đã nghỉ hưu nhằm giải đáp thắc mắc của quý bạn đọc, chi tiết mời theo dõi nội dung bài viết sau.
MỤC LỤC BÀI VIẾT
- 1. Người lao động đã nghỉ hưu là gì?
- 2. Công ty có được ký hợp đồng lao động với người đã nghỉ hưu?
- 3. Công ty có phải đóng BHXH đối với hợp đồng lao động đối với người nghỉ hưu không?
- 4. Người đang hưởng lương hưu đi làm có phải đóng BHYT không?
- 5. Người đã nghỉ hưu đi làm có được cấp mã số thuế thu nhập cá nhân không?
- 6. Nộp thuế cho người lao động đã nghỉ hưu như thế nào?
- 7. Chủ tịch, Giám đốc, Chủ tịch công ty, Chủ tịch HĐQT hết tuổi lao động có được tiếp tục điều hành công ty không?
1. Người lao động đã nghỉ hưu là gì?
Người lao động đã nghỉ hưu là người lao động có độ tuổi mà theo quy định của pháp luật được nghỉ hưu, theo đó, luật quy định, tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường như sau:
Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ. |
Cụ thể, bạn đọc có thể theo dõi lộ trình điều chỉnh chi tiết tuổi nghỉ hưu của người lao động quy định tại Nghị định 135/2020/NĐ-CP quy định về tuổi nghỉ hưu theo bảng dưới đây:
Như vậy, đến thời điểm hiện tại là năm 2024 thì tuổi nghỉ hưu theo quy định của người lao động nam là 61 tuổi và lao động nữ là 56 tuổi 04 tháng.
Khi đến tuổi nghỉ hưu, thông thường có một số trường hợp như sau:
– Người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng lương hưu;
– Người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ năm đóng BHXH (20 năm) để được hưởng lương hưu, theo đó, họ xin hưởng BHXH một lần.
Mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính từ 1,5 tháng đến 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
– Người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ năm đóng BHXH (20 năm) để được hưởng lương hưu, theo đó, họ tham gia BHXH tự nguyện để khi đủ điều kiện sẽ được hưởng lương hưu, nghĩa là họ sẽ tham gia BHXH tự nguyện cho đủ số năm tham gia BHXH còn thiếu để hưởng lương hưu, theo đó, Người lao động được lựa chọn mức tham gia và đóng BHXH tự nguyện theo hình thức:
+ Đóng 3 tháng, 6 tháng hoặc đóng theo năm.
+ Đóng BHXH một lần cho những năm còn thiếu để được hưởng lương hưu.
– Người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ năm đóng BHXH (20 năm) để được hưởng lương hưu, theo đó, họ tiếp tục làm việc (ở công ty hiện tại hoặc công ty khác) cho đến đủ thời gian tham gia BHXH, tuổi nghỉ hưu thực tế không quá 05 tuổi (5 năm) so với người lao động làm việc ở điều kiện lao động bình thường.
Trong bài viết này, Công ty Luật CIS sẽ giới thiệu về trường hợp người lao động đã nghỉ hưu tiếp tục làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
2. Công ty có được ký hợp đồng lao động với người đã nghỉ hưu?
Người lao động đã đến tuổi nghỉ hưu theo Mục 1 nếu không nghỉ hưu mà tiếp tục làm việc được gọi là người lao động cao tuổi (Khoản 1 Điều 148 Bộ luật Lao động năm 2019).
Theo quy định, Công ty có quyền ký hợp đồng lao động với người lao động cao tuổi, hay nói cách khác, người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu có thể tiếp tục làm việc và ký hợp đồng lao động với công ty nếu công ty đồng ý.
Khi ký hợp đồng lao động với người đủ tuổi nghỉ hưu, công ty phải tuân thủ các quy định và điều kiện sau:
– Phải đảm bảo các quyền lợi của người lao động đã nghỉ hưu theo quy định của pháp luật về lao động;
– Không được sử dụng người lao động đã nghỉ hưu làm những nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người lao động, trừ trường hợp bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn;
– Có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khỏe của người lao động đã nghỉ hưu tại nơi làm việc.
Đối với người lao động đã nghỉ hưu, công ty có thể ký hợp đồng lao động xác định thời hạn nhiều lần, cụ thể hợp đồng lao động xác định thời hạn được hiểu như sau:
Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. (Khoản 1 Điều 13 Bộ luật Lao động năm 2019).
Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng. (Điểm Khoản 1, Điều 20 Bộ luật Lao động năm 2019). |
Như vậy, công ty có thể ký hợp đồng lao động có thời hạn tối đa 3 năm và có thể thoả thuận với người lao động đã nghỉ hưu ký nhiều lần nếu sau khi kết thúc mỗi hợp đồng này vẫn có nhu cầu tiếp tục tuyển dụng hoặc làm việc.
3. Công ty có phải đóng BHXH đối với hợp đồng lao động đối với người nghỉ hưu không?
Khi công ty tiếp tục gia hạn hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên hoặc hợp đồng lao động không xác định thời hạn với người lao động cao tuổi (người đủ tuổi nghỉ hưu), thì tùy trường hợp mà công ty phải đóng BHXH hoặc không, cụ thể:
– Trường hợp người đã nghỉ hưu và đang hưởng lương hưu mà tiếp tục ký hợp đồng lao động với công ty thì công ty không phải đóng BHXH bắt buộc (Khoản 9 Điều 123 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014). Trong trường hợp này, công ty phải trả thêm cho người đã nghỉ hưu đi làm một khoản tiền tương đương với mức đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp khi trả lương định kỳ theo quy định tại khoản 3 Điều 168 Bộ luật Lao động năm 2019:
Điều 168. Tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp
3. Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. |
– Trường hợp người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ năm đóng BHXH (20 năm) để được hưởng lương hưu và Công ty tiếp tục gia hạn hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên hoặc hợp đồng lao động không xác định thời hạn thì vẫn thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHTN theo quy định.
4. Người đang hưởng lương hưu đi làm có phải đóng BHYT không?
Người đang hưởng lương hưu không phải đóng BHYT mà sẽ được Nhà nước đóng cho hàng tháng, số tiền này được trích từ nguồn chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH của Quỹ Bảo hiểm xã hội. (Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung năm 2021, 2022, 2023).
5. Người đã nghỉ hưu đi làm có được cấp mã số thuế thu nhập cá nhân không?
Người đủ tuổi nghỉ hưu mà đi làm vẫn phải chịu (nộp) thuế thu nhập cá nhân đối với khoản tiền lương, tiền công (không phải lương hưu), các khoản phụ cấp, trợ cấp còn lại sau khi trừ đi các khoản giảm trừ (ví dụ như giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học), nghĩa là số tiền còn lại sau khi giảm trừ nếu lớn hơn 0 thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC sửa đổi, bổ sung năm 2015, thu nhập từ tiền lương, tiền công được hiểu là:
Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:
Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền. Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ đi 11 khoản phụ cấp, trợ cấp không tính vào thu nhập chịu thuế do Nhà nước quy định. |
Ngoài ra, mỗi cá nhân chỉ có duy nhất một mã số thuế thu nhập cá nhân. Do đó, người đã nghỉ hưu đi làm nếu trước đó đã có mã số thuế thu nhập cá nhân thì sử dụng tiếp mã số đó, nếu chưa có thì sẽ được cơ quan thuế cấp theo diện cấp lần đầu khi đóng khoản thuế thu nhập cá nhân đầu tiên.
6. Nộp thuế cho người lao động đã nghỉ hưu như thế nào?
Đối với phần tiền lương, tiền công có được từ việc làm của người lao động đã nghỉ hưu thì phải thực hiện nộp thuế thu nhập cá nhân. Như vậy, việc nộp thuế thu nhập cá nhân cho người lao động đã nghỉ hưu được thực hiện thế nào?
Công ty Luật CIS gửi tới bạn đọc thành phần hồ sơ và quy trình thực hiện nộp thuế như sau:
∗ Hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân đối với người đã nghỉ hưu
– 01 bản chính Tờ khai thuế thu nhập cá nhân (đối với người sử dụng lao động);
– 01 bản chính và 01 bản sao Phụ lục bảng kê chi tiết cá nhân thuộc diện tính thuế theo biểu luỹ tiến từng phần;
– 01 bản chính và 01 bản sao phụ lục bảng kê chi tiết cá nhân thuộc diện tính thuế theo thuế suất toàn phần;
– 01 bản chính và 01 bản sao phụ lục bảng kê chi tiết người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh (nếu có).
∗ Quy trình thực hiện khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân
7. Chủ tịch, Giám đốc, Chủ tịch công ty, Chủ tịch HĐQT hết tuổi lao động có được tiếp tục điều hành công ty không?
Chủ tịch, Giám đốc, Chủ tịch công ty, Chủ tịch HĐQT hết tuổi lao động, thì tùy trường hợp mà vẫn có thể tiếp tục điều hành công ty hoặc không, cụ thể:
– Trường hợp Chủ tịch, Giám đốc, Chủ tịch công ty, Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp nhà nước:
Việc Chủ tịch, Giám đốc, Chủ tịch công ty, Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp nhà nước hết tuổi lao động có được tiếp tục điều hành công ty không phụ thuộc vào các quy định của Luật doanh nghiệp và điều lệ của doanh nghiệp nhà nước đó quy định.
– Trường hợp Chủ tịch, Giám đốc, Chủ tịch công ty, Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp có tính chất tư nhân (không phải doanh nghiệp nhà nước):
Việc Chủ tịch, Giám đốc, Chủ tịch công ty, Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp có tính chất tư nhân (không phải doanh nghiệp nhà nước) hết tuổi lao động có được tiếp tục điều hành công ty không phụ thuộc vào các quy định của điều lệ của doanh nghiệp đó.
Trên đây là các hướng dẫn chi tiết về Hợp đồng lao động đối với người đã nghỉ hưu. Nếu bạn có vướng mắc về Hợp đồng lao động hay bạn có nội dung nào chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý, hãy liên hệ ngay với Luật sư của Công ty Luật CIS theo thông tin sau:
PHÒNG PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP – CIS LAW FIRM
109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 3911 8581 Hotline: 0916568101
Email: info@cis.vn