Thủ tục nhận con nuôi ở Việt Nam

Theo thống kê của Cục Con Nuôi (Bộ Tư Pháp), trung bình hàng năm có đến hơn 3,000 trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi có đăng ký tại cơ quan NN có thẩm quyền[1].

Tuy nhiên, thực tế số lượng trẻ em được nhận làm con nuôi là cao hơn rất nhiều do nhiều trường hợp nhận con nuôi theo dạng TỰ PHÁT, KHÔNG ĐĂNG KÝ, đặc biệt là cha mẹ nuôi là kiều bào ở nước ngoài, do đó tiềm ẩn rủi ro và hệ lụy xấu cho cả con nuôi và cha mẹ nuôi.

Như 1 trường hợp mới đây báo chí đã đưa tin, một ca sĩ nổi tiếng đã qua đời đột ngột, cô vừa có con ruột vừa có rất nhiều con nuôi, nhiều người đã đặt ra vấn đề: tài sản của cố ca sĩ này có chia thừa kế cho các con nuôi không? Giữa con nuôi và con đẻ thì có phân biệt gì khi nhận thừa kế không? Để bảo đảm quyền lợi của cha mẹ nuôi và con nuôi thì cần làm gì?

Chúng tôi sẽ giải đáp trong bài viết dưới đây.

1. Khi cha mẹ nuôi mất thì con nuôi có được hưởng thừa kế như con đẻ không?

Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015, những người thừa kế theo pháp luật trong hàng thừa kế thứ nhất gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Theo đó, những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

Ngoài ra Điều 653 Bộ luật dân sự 2015 cũng quy định rằng: Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định pháp luật.

Như vậy, căn cứ vào quy định này thì con nuôi và con đẻ đều thuộc hàng thừa kế thứ nhất, tức là con nuôi cũng được hưởng quyền thừa kế như con đẻ.

2. Muốn nhận con nuôi thì có cần làm thủ tục gì không?

Một số người cho rằng cứ gọi là con nuôi thì đương nhiên sẽ được hưởng quyền thừa kế. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật, để được công nhận là con nuôi hợp pháp, thì cả Người nhận con nuôi và Người được nhận nuôi đều phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật Nuôi con nuôi.

Cụ thể, theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Luật nuôi con nuôi 2010, đối với người nhận con nuôi thì người đó phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có tư cách đạo đức tốt; hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên và có đủ điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi; trừ trường hợp cha dượng nhận Con Riêng của vợ, mẹ kế nhận Con Riêng của chồng làm con nuôi, hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận Cháu làm con nuôi thì không áp dụng điều kiện này.

Một số trường hợp sẽ không được nhận nuôi con nuôi, như là: đang chấp hành hình phạt tù, chưa được xóa án tích về các tội như xâm phạm tính mạng, sức khỏe người khác, ngược đãi, hành hạ người thân, mua bán trẻ em…, quy định tại Khoản 2 Điều 14 Luật nuôi con nuôi 2010.

Còn đối với con nuôi thì cũng phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 8 Luật nuôi con nuôi 2010, đó là: phải dưới 16 tuổi; còn nếu đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì chỉ được nhận làm con nuôi nếu cha mẹ nuôi là: cha dượng, mẹ kế; hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột.

Cũng cần lưu ý thêm là chỉ được làm con nuôi của MỘT NGƯỜI ĐỘC THÂN hoặc của cả hai người là VỢ CHỒNG (theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 Luật nuôi con nuôi 2010). Tức là, nếu 2 vợ chồng đã kết hôn thì người chồng hoặc người vợ không được nhận nuôi con nuôi riêng mà phải cùng nhận nuôi thì mới được.

Trong trường hợp nhận nuôi có yếu tố nước ngoài, tức là cha mẹ nuôi hoặc con nuôi là người nước ngoài thì phải đáp ứng điều kiện như trên, đồng thời đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật nước nơi người nước ngoài đó thường trú (theo quy định tại Khoản 1 Điều 29 Luật nuôi con nuôi 2010).

Như vậy, trở lại với trường hợp đặt ra ở phần đầu bài viết, với giả thiết người mất có Quốc tịch Việt Nam, thì:

  • nếu có để lại di chúc thì việc chia di sản sẽ được thực hiện THEO DI CHÚC.
  • nếu không để lại di chúc thì việc chia di sản sẽ được thực hiện theo quy định pháp luật.

Theo đó, con nuôi sẽ ĐƯỢC QUYỀN hưởng thừa kế từ khối di sản của cha mẹ nuôi nếu trước đó đã hoàn tất thủ tục đăng ký nhận nuôi con nuôi theo quy định. Ngược lại, nếu không có đăng ký nhận con nuôi, thì con nuôi KHÔNG có quyền hưởng thừa kế từ cha mẹ nuôi.

3. Làm thế nào để đăng ký nhận nuôi con nuôi?

Tùy từng trường hợp mà sẽ cần thực hiện thủ tục đăng ký nhận nuôi con nuôi ở cấp có thẩm quyền khác nhau.

Đối với trường hợp xin nhận nuôi con nuôi trong nước, tức là giữa những người VN với nhau thì chỉ cần nộp hồ sơ ở UBND xã/phường/thị trấn nơi cha mẹ nuôi hoặc con nuôi ở.

Đối với nuôi con nuôi mà cha, mẹ nuôi, hoặc con nuôi là người nước ngoài thì sẽ nộp hồ sơ ở UBND cấp tỉnh/TP nơi thường trú của con nuôi; Sở Tư pháp tỉnh/TP đó sẽ thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi nước ngoài sau khi có quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/TP.

Khi được cơ quan đăng ký cấp Giấy chứng nhận nuôi con nuôi, quan hệ con nuôi với cha mẹ nuôi mới chính thức được xác lập. Khi cha mẹ nuôi chết, con nuôi mới được hưởng quyền thừa kế theo pháp luật như con đẻ.

4. Thủ tục đăng ký nuôi con nuôi có đơn giản không?

Thủ tục đăng ký nuôi con nuôi có rất nhiều trường hợp, như nuôi con nuôi trong nước, hay nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, tùy từng trường hợp sẽ có yêu cầu về hồ sơ khác nhau như trường hợp trẻ bị bỏ rơi, trẻ mồ côi, cha mẹ mất tích, cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự…

Nhiều trường hợp gia đình không đánh giá kĩ lưỡng các điều kiện nhận nuôi con nuôi hoặc chuẩn bị không đầy đủ hồ sơ đúng theo quy định đã bị cơ quan đăng ký TỪ CHỐI hồ sơ. Mất rất nhiều thời gian và công sức đặc biệt là cha mẹ nuôi ở nước ngoài, không dễ dàng về nước để làm thủ tục.

Việc đăng ký này đòi hỏi rất nhiều kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tế, vì vậy chúng tôi khuyên các bạn nên tìm các Luật sư có kinh nghiệm trong lĩnh vực này để việc đăng ký nuôi con nuôi có kết quả nhanh chóng và thành công.

Nếu bạn cần tư vấn về thủ tục đăng ký nhận nuôi con nuôi, hãy liên hệ ngay với Luật sư Công ty Luật CIS theo thông tin sau:

PHÒNG PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3911.8581 – 3911.8582             Hotline: 0916.568.101
Email: 
info@cis.vn


[1] http://www.molisa.gov.vn/Pages/tintuc/chitiet.aspx?tintucID=26023