Chồng vay nợ, vợ có phải trả thay không? – Luật sư trả lời

Từ ngàn xưa, vợ chồng được ví như đũa có đôi, không có sự phân biệt sang hèn, thậm chí sinh tử còn luôn có nhau, huống chi là lúc khó khăn, thiếu thốn, nợ nần.

Nhưng trên thực tế, điều này thường chỉ thấy ở các cặp vợ chồng còn tình cảm mặn nồng, còn khi đã cơm không lành, canh không ngọt, hay có sự xuất hiện của “tiểu tam” thì mọi thứ không còn như xưa được.

Các khoản nợ của vợ, chồng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: vay mượn để kinh doanh hay chi dùng cho gia đình, cũng có khi là vay để đầu tư, mua nhà đất, chơi hụi; có nhiều trường hợp, vợ, chồng vay để cá độ, bài bạc, mua sắm, làm đẹp, thậm chí là để nuôi “tiểu tam” v.v… Nhiều trường hợp, việc vay của vợ hoặc chồng, thì người còn lại hoàn toàn không biết. Đôi khi khoản nợ cũng là nguyên nhân dẫn đến ly hôn.

Vậy, vợ hoặc chồng có phải trả những khoản nợ mà người còn lại vay không? Hay có được ly hôn khi chưa giải quyết xong khoản nợ? Mời các bạn cùng xem giải đáp sau đây của Luật sư Hoàng Trung Kiên – Luật sư của Công ty Luật CIS.

1. Xin Luật sư cho biết, nợ của vợ chồng phải được hiểu như thế nào?

Luật sư: Các khoản nợ của vợ hoặc chồng được chia làm 2 loại: Nợ chungnợ riêng.

Nợ chung là những khoản nợ phát sinh trong thời kỳ hôn nhân và những khoản nợ này phát sinh từ giao dịch hằng ngày do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, hay nghĩa vụ bồi thường thiệt hại vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm, hoặc nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.

Luật hiện hành quy định 6 trường hợp được xem là nợ chung của vợ chồng:

– Thứ nhất, khoản nợ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận hay nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

– Thứ hai, khoản nợ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

– Thứ ba, khoản nợ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

– Thứ tư, nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;

– Thứ năm, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường; và

– Thứ sáu, nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.

chong-vay-no-vo-co-phai-tra-thay-khong

* 6 trường hợp trên được quy định tại Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:

Điều 37. Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng (Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014)

Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:

1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;

5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;

6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.

Nợ riêng là khoản nợ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của vợ, chồng; hoặc khoản nợ của mỗi bên vợ, chồng có trước khi kết hôn; hoặc khoản nợ phát sinh từ giao dịch do một bên thực hiện mà không vì nhu cầu của gia đình; hoặc khoản nợ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng.

Nợ riêng thì người nợ phải tự chịu trách nhiệm riêng, còn nợ chung thì vợ chồng sẽ liên đới chịu trách nhiệm cho việc trả nợ.

* Các trường hợp được xem là nợ riêng nêu trên được quy định tại Điều 45 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:

Điều 45. Nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, chồng (Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014)

Vợ, chồng có các nghĩa vụ riêng về tài sản sau đây:

1. Nghĩa vụ của mỗi bên vợ, chồng có trước khi kết hôn;

2. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp nghĩa vụ phát sinh trong việc bảo quản, duy trì, tu sửa tài sản riêng của vợ, chồng theo quy định tại khoản 4 Điều 44 hoặc quy định tại khoản 4 Điều 37 của Luật này;

3. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình;

4. Nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của vợ, chồng.

dich-vu-lam-the-apec

2. Chồng vay nợ không cho vợ biết thì vợ có phải cùng liên đới trả nợ không ?

Luật sư: Việc Chồng vay nợ không cho vợ biết hay ngược lại thì chưa đủ kết luận đây là nợ riêng hay nợ chung.

Để đánh giá, nợ mà người chồng vay là nợ chung hay nợ riêng, thì phải xem khoản nợ đó phát sinh trong trường hợp nào, và khoản nợ đó đã được sử dụng vào mục đích gì. Nếu khoản nợ người chồng vay được dùng để phục vụ nhu cầu thiết yếu của gia đình hoặc để bồi thường thiệt hại mà vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm thì đó là khoản nợ chung. Nếu khoản nợ người chồng vay không phục vụ cho nhu cầu gia đình, v.v…, thì đây là khoản nợ riêng, như trình bày nêu trên.

Lưu ý: nợ chung của vợ chồng phát sinh không nhất thiết phải cần hai bên cùng thỏa thuận xác lập, mà có thể do một bên thực hiện thì vẫn được xem là nợ chung của vợ chồng như 6 trường hợp nêu trên.

3. Chồng hoặc vợ vay nợ để kinh doanh, thì khoản nợ này người vợ có trách nhiệm liên đới không?

Để xác định nợ chung và riêng thì sẽ có hai trường hợp như sau:

Trường hợp 1: Khoản nợ mà người chồng vay nhưng có trực tiếp hoặc gián tiếp phục vụ nhu cầu của gia đình, như người chồng có dùng lợi nhuận công ty để phục vụ các nhu cầu của gia đình như mua sắm, sinh hoạt phí, chi tiêu cho các con v.v… thì trường hợp này, khoản nợ mà người chồng đã vay là khoản nợ chung của vợ, chồng.

Trường hợp 2: Ngược lại với trường hợp trên, nếu khoản nợ của người chồng được sử dụng vào việc kinh doanh riêng, không sử dụng số tiền nợ hay lợi nhuận kinh doanh để phục vụ nhu cầu gia đình, thì khoản nợ này sẽ được coi là nợ riêng của người chồng và người vợ không có nghĩa vụ đối với khoản nợ đó.

4. Có một trường hợp không phải hiếm gặp, là Chồng hoặc vợ vay tiền để cờ bạc, vậy người còn lại có phải trả không?

Luật sư: Trường hợp này khá rõ ràng, việc vay nợ để cờ bạc do người chồng hoặc người vợ vay với mục đích cá nhân thì đây là nợ riêng và khi đã là nợ riêng thì người còn lại không phải chịu trách nhiệm và cũng không liên đới trả nợ. Tuy nhiên, nếu cả hai vợ chồng cùng thỏa thuận, hoặc đồng thuận về khoản vay này, thì hai vợ chồng phải chịu trách nhiệm.

5. Nếu chưa trả hết nợ chung, thì vợ chồng có được ly hôn không?

Luật sư: Việc vợ, chồng có khoản nợ chung hay nợ riêng không ảnh hưởng đến quyền yêu cầu Tòa án giải quyết cho ly hôn, vì theo quy định hiện hành, vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn. Tòa án chỉ không giải quyết yêu cầu ly hôn khi chồng đơn phương xin ly hôn mà vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Pháp luật về hôn nhân và gia đình không bắt buộc vợ, chồng phải trả hết các khoản nợ mới được xem xét cho ly hôn.

Khi yêu cầu Tòa án giải quyết cho ly hôn, vợ hoặc chồng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết phân chia các khoản nợ, theo đó, xác định nợ chung, nợ riêng của vợ chồng và trách nhiệm trả nợ sau khi ly hôn.

Trường hợp khi ly hôn mà vợ hoặc chồng không yêu cầu Tòa án giải quyết về phân chia tài sản và nghĩa vụ trả nợ, thì sau ly hôn, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba vẫn sẽ có hiệu lực.

dich-vu-dang-ky-ban-quyen-thuong-hieu

Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn (Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014)

1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Điều 60. Giải quyết quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba khi ly hôn (Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014)

1. Quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba vẫn có hiệu lực sau khi ly hôn, trừ trường hợp vợ chồng và người thứ ba có thỏa thuận khác.

2. Trong trường hợp có tranh chấp về quyền, nghĩa vụ tài sản thì áp dụng quy định tại các điều 27, 37 và 45 của Luật này và quy định của Bộ luật dân sự để giải quyết.

Như vậy, qua giải đáp nêu trên của Luật sư, để xác định khoản nợ là nợ chung hay nợ riêng của vợ chồng nhằm xác định vợ hoặc chồng có trách nhiệm liên đới trả nợ hay không, thì cần dựa vào mục đích mượn nợ để làm gì, từ đó mới xác định được nghĩa vụ trả nợ. Ngoài ra, vợ, chồng có khoản nợ chung hay nợ riêng không ảnh hưởng đến quyền yêu cầu Tòa án giải quyết cho ly hôn.

Nếu có nội dung nào chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý, bạn hãy liên hệ ngay với Luật sư Công ty Luật CIS theo thông tin sau:

Luật sư, Công ty Luật CIS – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3911.8581 – 3911.8582             Hotline: 0916.568.101
Email: info@cis.vn