Cách rút sổ bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc

Theo quy định hiện tại, người lao động tự bảo quản sổ Bảo hiểm xã hội (BHXH) của mình mà không phải nộp vào công ty. Tuy nhiên trên thực tế có nhiều công ty vẫn giữ sổ BHXH của người lao động để dễ quản lý. Vậy khi nghỉ việc, người lao động cần làm gì để nhận lại sổ BHXH của mình? Hoặc trường hợp công ty đã ngừng hoạt động thì người lao động sẽ nhận lại sổ BHXH ở đâu?

cach-rut-so-bhxh-khi-nghi-viec

1. Tại sao người lao động cần phải lấy lại sổ BHXH sau khi nghỉ việc?

Hiện nay, bạn có thể theo dõi quá trình tham gia BHXH cũng như các chế độ BHXH được hưởng bằng nhiều cách thức như ứng dụng VssID trên điện thoại di động hoặc tra cứu trên trang web của cơ quan BHXH. Tuy nhiên, đa số các thủ tục hành chính để hưởng các chế độ BHXH như hưởng BHXH 1 lần, trợ cấp thất nghiệp… đều có thành phần bắt buộc là sổ BHXH.

Ngoài ra, nếu trường hợp người lao động mỗi khi làm ở một công ty mới đều được cấp một sổ BHXH mới mà không tiếp tục tham gia theo mã số BHXH cũ sẽ dẫn đến tình trạng có nhiều hơn 1 sổ BHXH. Khi đó, người lao động lại phải thực hiện thủ tục gộp sổ BHXH thì mới được thực hiện các thủ tục BHXH khác.

Do đó, bạn cần lấy lại sổ BHXH khi nghỉ việc tại công ty cũ để đảm bảo quyền lợi cho mình và cũng để thuận tiện hơn cho bạn trong các thủ tục hành chính cần thiết.

2. Cách lấy lại sổ BHXH khi nghỉ việc

2.1 Trường hợp công ty còn hoạt động

Trường hợp công ty bạn còn hoạt động, bạn thực hiện thủ tục lấy sổ bảo hiểm như sau:

Bước 1: Người lao động yêu cầu chốt sổ BHXH

Trước khi nghỉ việc, bạn cần yêu cầu công ty hoàn thành các khoản đóng còn thiếu và chuẩn bị thủ tục chốt sổ BHXH.

Bước 2: Chờ công ty thực hiện chốt sổ BHXH

Theo quy định, công ty có trách nhiệm phải phối hợp với cơ quan BHXH tiến hành xác nhận thời gian đóng BHXH cho người lao động. Khi người lao động nghỉ việc, công ty phải lập danh sách báo giảm gửi cơ quan BHXH ngay trong tháng (tính đến ngày cuối cùng của tháng). Nếu báo giảm sau ngày cuối cùng của tháng thì được coi là báo giảm chậm và công ty phải chịu trách nhiệm theo quy định.

Bước 3: Nhận lại sổ BHXH tại công ty

Thời gian nhận lại sổ BHXH sẽ do người lao động và công ty thỏa thuận trước. Tuy nhiên, bạn cần phải theo dõi thông tin từ công ty cũ để nhận lại sổ sớm nhất để tiếp tục tham gia BHXH ở công ty mới hoặc nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp đúng thời hạn.

Thực tế, có khá nhiều trường hợp khi Người lao động nghỉ việc thì công ty không chốt sổ BHXH hoặc chốt sổ nhưng không chịu bàn giao cho NLĐ vì nhiều lý do khác nhau, điều này, gây không ít khó khăn cho NLĐ.

Vấn đề này, Công ty Luật sẽ có chia sẻ trong các video sau.

2.2 Trường hợp công ty không còn hoạt động như giải thể, phá sản

Trường hợp công ty giải thể, phá sản không còn hoạt động và không chốt sổ BHXH cho người lao động hoặc đã chốt sổ nhưng người lao động chưa đến nhận lại thì để lấy được sổ BHXH người lao động cần đến cơ quan BHXH nơi quản lý sổ BHXH của công ty cũ hoặc nơi người lao động đang tham gia BHXH đề nghị nhận lại sổ BHXH hoặc đề nghị xác nhận thời gian đóng BHXH ở công ty cũ. Khi đến, người lao động cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ tùy thân của mình và thông tin sổ BHXH, quá trình tham gia BHXH ở công ty cũ (nếu có).

PHÒNG PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP – CÔNG TY LUẬT CIS

109 Hoàng Sa, Phường Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
028 38257196 – 0916 568 101
Email: info@cis.vn