Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu không ngừng biến động do nhu cầu thị trường, sự phát triển của nền khoa học công nghệ, việc thay đổi cơ cấu và công nghệ trở thành yêu cầu sống còn của doanh nghiệp. Khi cơ cấu, công nghệ thay đổi, nhiều trường hợp doanh nghiệp phải sắp xếp lại lao động, theo đó, doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân sự.
Trong bài viết này, Công ty Luật CIS sẽ hướng dẫn cho doanh nghiệp quy trình “Chấm dứt hợp đồng lao động vì công ty thay đổi cơ cấu, công nghệ”.
1. Khi nào được coi là thay đổi công nghệ
Theo quy định của Bộ luật Lao động 2019, Những trường hợp sau đây được coi là thay đổi cơ cấu, công nghệ:
– Thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động.
– Thay đổi quy trình, công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất, kinh doanh gắn với ngành, nghề sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động.
– Thay đổi sản phẩm hoặc cơ cấu sản phẩm.
Như vậy nếu một Công ty thuộc một trong những trường hợp quy định trên thì mới được xem là thay đổi cơ cấu, công nghệ. Sau đây Công ty Luật sẽ thông tin đến bạn đọc một số ví dụ dưới đây về thay đổi cơ cấu, công nghệ, để bạn đọc có cái nhìn rõ hơn về thay đổi cơ cấu, công nghệ.
Ví dụ 1: Công ty X chuyển từ mô hình bán máy tính sang mô hình sản xuất phần mềm. Trường hợp này, công ty không còn nhu cầu sử dụng các nhân viên bán hàng, nhân viên kinh doanh, vậy nên phải cho những nhân viên này thôi việc.
Ví dụ 2: Công ty sản xuất thay đổi công nghệ từ bán tự động sang tự động, vậy nên, nhu cầu sử dụng lao động không cần nhiều. Do đó, công ty buộc phải cắt giảm lao động.
Ví dụ 3: Công ty Y sáp nhập vào công ty Z, theo đó, một số nhân sự của hai công ty bị trùng nhau hoặc thừa lao động, ví dụ, công ty Z sau khi sáp nhập chỉ cần 5 kế toán, nhưng nhân sự kế toán của cả 2 công ty trước khi sáp nhập là 7 người, vậy nên, công ty Z sau khi sáp nhập buộc phải cắt giảm 2 lao động kế toán.
2. Quy trình chấm dứt hợp đồng lao động do thay đổi cơ cấu, công nghệ
Nhiều trường hợp, việc thay đổi cơ cấu, công nghệ ảnh hưởng đến việc làm của (nhiều) người lao động, nghĩa là sau khi thay đổi cơ cấu, công nghệ, công ty không còn nhu cầu sử dụng lại một số lao động cũ, do họ không đáp ứng được yêu cầu công việc mới hoặc công ty không còn nhu cầu sử dụng những chuyên môn của lao động đó, chính vì thế, công ty buộc phải cắt giảm lao động, nghĩa là phải chấm dứt hợp đồng lao động với nhân viên. Trong trường hợp này, công ty phải thực hiện theo quy trình sau:
∗ Phương án sử dụng lao động:
Trường hợp công ty thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động thì công ty phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo những nội dung sau:
– Số lượng và danh sách người lao động được tiếp tục làm việc, người lao động được đào tạo lại, người lao động được chuyển sang làm việc không trọn thời gian;
– Danh sách người lao động nghỉ hưu;
– Danh sách người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động;
– Quyền và nghĩa vụ của công ty, người lao động và các bên liên quan trong việc thực hiện phương án sử dụng lao động;
– Biện pháp và nguồn tài chính bảo đảm thực hiện phương án.
Trường hợp công ty có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại người lao động cũ.
Khi xây dựng phương án sử dụng lao động, công ty phải trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
∗ Trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và thông báo trước 30 ngày cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cho người lao động.
Sau khi Công ty thông qua phương án lao động (công ty đã trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở), công ty phải thông báo công khai phương án sử dụng lao động cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được thông qua.
Như vừa đề cập ở trên, phương án sử dụng lao động có Danh sách người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động. Trong trường hợp do thay đổi cơ cấu, công nghệ mà công ty buộc phải cho người lao động thôi việc, thì công phải thông báo trước 30 ngày cho UBND cấp tỉnh và cho người lao động.
∗ Quyết định chấm dứt hợp đồng
Sau khi đã có phương án sử dụng lao động, và phương án này đã trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện người lao động, công ty ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động đối với những người lao động bị cắt giảm.
∗ Trợ cấp mất việc làm
Người lao động bị cho thôi việc vì công ty thay đổi cơ cấu công nghệ được trả trợ cấp mất việc làm, theo đó. Công ty trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm, cứ mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương. Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho Công ty trừ thời gian người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp mất việc làm, trong đó cụ thể:
– Thời gian làm việc thực tế: tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế gồm: thời gian trực tiếp làm việc, thời gian thử việc, thời gian được người sử dụng lao động cử đi học, thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo quy định pháp luật, thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà được người sử dụng lao động trả lương theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao đông, thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định pháp luật mà được người sử dụng lao động trả lương, thời gian ngừng việc không do lỗi của người lao động, thời gian nghỉ hằng tuần, thời gian thực hiện nghiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động và thời gian bị tạm đình chỉ công việc
– Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp: thời gian người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian người lao động thuộc diện không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp nhưng được người sử dụng lao động chi trả cùng với tiền lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động
– Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm của người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng). Trường hợp ít tháng hơn hoặc bằng 06 tháng thì tính là ½ năm, trên 06 tháng được tính bằng 01 năm làm việc
Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động mất việc.
3. Thông tin liên hệ
Trên đây là các hướng dẫn chi tiết về Chấm dứt hợp đồng lao động vì công ty thay đổi cơ cấu, công nghệ. Nếu bạn có vướng mắc về Chấm dứt hợp đồng lao động hay bạn có nội dung nào chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý, hãy liên hệ ngay với Luật sư của Công ty Luật CIS theo thông tin sau:
PHÒNG PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP – CIS LAW FIRM
109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 3911 8581 – 3911 8582 Hotline: 0916568101
Email: info@cis.vn