Không đăng ký kết hôn, ly hôn như thế nào?

Trên thực tế, có nhiều cặp đôi nam nữ thường lựa chọn sống chung với nhau như vợ chồng, vì những vấn đề nào đó mà không thể hoặc không muốn tiến hành đăng ký kết hôn mặc dù trên thực tế đã tổ chức hôn lễ cưới, ra mắt hai bên nội ngoại và “góp gạo về thổi cơm chung”. Trong quá trình sinh sống xảy ra mâu thuẫn và không muốn sống cùng với nhau nữa nên quyết định chia tay, sẽ phát sinh nhiều rắc rối, nhất là trong việc tranh chấp tài sản mà cả hai đã tạo lập được trong quá trình chung sống. Vậy, pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về ly hôn khi không đăng ký kết hôn? Có cần phải nộp đơn ly hôn tại Tòa án không? Tài sản chung và con chung được giải quyết như thế nào?

Chúng tôi sẽ giải đáp trong bài viết dưới đây.

1. Quy định của pháp luật Việt Nam về nam, nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

Theo quy định tại Điều 9 của Luật Hôn nhân gia đình 2014 thì Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật HNGĐ và pháp luật về hộ tịch. Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.

Như vậy, nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà không tiến hành đăng ký kết hôn thì sẽ không được pháp luật công nhận là vợ chồng, kể cả trường hợp nam nữ đã tổ chức hôn lễ cưới và ra mắt hai bên gia đình.

Tuy nhiên, có một trường hợp ngoại lệ nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà ko đăng ký kết hôn vẫn được pháp luật Việt Nam công nhận là vợ chồng hợp pháp là trường hợp nam nữ đang sống chung với nhau từ trước ngày 03/01/1987. Trường hợp này còn được gọi là “hôn nhân thực tế”.

2. Nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn thì ly hôn như thế nào?

Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Như vậy, để được ly hôn thì phải có mối quan hệ vợ chồng được pháp luật công nhận thì mới có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết cho ly hôn.

Như đã nói, nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không được công nhận là vợ chồng hợp pháp nên sẽ không thể giải quyết theo thủ tục ly hôn được.

Theo đó, trường hợp không đăng ký kết hôn mà có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật HNGD; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.

Cụ thể:

Giải quyết quyền lợi của con khi ly hôn như sau: Nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng khi ly hôn vẫn có quyền, nghĩa vụ đối với con như trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con như vợ chồng hợp pháp sau khi ly hôn. Hai người có quyền tự thoả thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con. Nếu không thoả thuận được thì Toà án sẽ quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ bảy tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

Về tài sản, sẽ được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.

Như vậy đối với nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng, đủ điều kiện đăng ký kết hôn nhưng không đăng ký kết hôn thì không được công nhận là vợ chồng. Trong trường hợp có yêu cầu tòa án sẽ thụ lý và ra tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng. Các vấn đề về con chung và tài sản tùy từng trường hợp mà sẽ có những cách giải quyết khác nhau.

Nếu bạn muốn tư vấn cụ thể hơn về hôn nhân gia đình hãy liên hệ với Công ty Luật CIS theo thông tin sau:

PHÒNG PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3911.8581 – 3911.8582             Hotline: 0916.568.101
Email: info@cis.vn