Thủ tục đòi tiền cấp dưỡng nuôi con năm 2022

Khi ly hôn mà vợ chồng đã có con chung, vấn đề đặt ra bên cạnh việc phân chia tài sản đó chính là việc cấp dưỡng nuôi con. Vậy, người được giao nuôi con phải thực hiện những thủ tục gì để đòi tiền cấp dưỡng nuôi con từ người còn lại? Mức trợ cấp sẽ là bao nhiêu? Nếu người không trực tiếp nuôi con không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì có bị phạt không?

Bài viết “Thủ tục đòi tiền cấp dưỡng nuôi con năm 2022” dưới đây của Công ty Luật CIS sẽ giải đáp được các thắc mắc nói trên. Xin mời bạn đọc theo dõi!

1. Tiền cấp dưỡng cho con là gì?

Theo quy định tại Khoản 24 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014 giải thích:

Điều 3. Giải thích từ ngữ

24. Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân; huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên; người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn túng thiếu theo quy định của Luật này.

Như vậy, tiền cấp dưỡng cho con có thể được hiểu là số tiền mà người cha hoặc người mẹ khi ly hôn không trực tiếp nuôi con phải chu cấp cho con chưa đủ 18 tuổi hoặc con đã đủ 18 tuổi nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

thu-tuc-doi-tien-cap-duong-nuoi-con-2022
Hình ảnh: Tiền cấp dưỡng nuôi con

2. Nghĩa vụ cấp dưỡng cho con khi cha, mẹ ly hôn được pháp luật quy định như thế nào?

Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:

Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Bên cạnh đó, Khoản 1 Điều 83 Luật này cũng quy định rằng:

Điều 83. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.

Từ những quy định trên có thể thấy rằng, cấp dưỡng cho con là nghĩa vụ mà người không trực tiếp nuôi con phải thực hiện theo thỏa thuận giữa vợ chồng khi ly hôn hoặc theo Bản án/quyết định của Tòa án. Ngoài ra, cha/mẹ là người được giao quyền nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng của mình.

Đối tượng được cấp dưỡng theo quy định là:

– Con chưa thành niên: con chưa đủ 18 tuổi. Pháp luật quy định trường hợp cha, mẹ ly hôn khi con chưa đủ 18 tuổi, người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ phải chi trả tiền cấp dưỡng để đảm bảo quyền lợi cho con về tài sản cho đến khi con trưởng thành.

– Con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình: con chưa đủ 18 tuổi nhưng bị tâm thần, bị khiếm khuyết về thể chất không có khả năng lao động và đặc biệt phải kèm theo điều kiện là không có tài sản để tự nuôi mình.

3. Mức cấp dưỡng nuôi con

Theo quy định tại Điều 116 Luật hôn nhân và gia đình 2014 về mức cấp dưỡng nuôi con như sau:

Điều 116. Mức cấp dưỡng

1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”.

Như vậy, pháp luật không quy định một mức cố định đối với việc cấp dưỡng nuôi con. Mức cấp dưỡng cụ thể sẽ do vợ chồng thỏa thuận khi ly hôn căn cứ vào các yếu tố như: thu nhập, khả năng thực tế và nhu cầu thiết yếu của con. Nếu khi ly hôn, vợ chồng không thể thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Ngoài ra, pháp luật cũng quy định khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Người trực tiếp nuôi con có quyền đưa ra yêu cầu người cấp dưỡng tăng mức cấp dưỡng. Ngược lại, người cấp dưỡng cũng có thể đưa ra yêu cầu giảm mức cấp dưỡng. Trường hợp các bên không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

4. Trình tự, thủ tục đòi tiền cấp dưỡng cho con năm 2022 quy định như thế nào?

– Trường hợp 1: Không cấp dưỡng theo thỏa thuận khi ly hôn giữa vợ chồng

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 119 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì:

Điều 119. Người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng

1. Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.

Như vậy, nếu bên không trực tiếp nuôi dưỡng con trốn tránh không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng đã được các bên thỏa thuận trước đó, thì bên còn lại có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người có nghĩa vụ cấp dưỡng cư trú buộc người đó thực hiện nghĩa vụ này.

Hồ sơ khởi kiện bao gồm:

+Đơn khởi kiện về việc cấp dưỡng;

+Bản sao có chứng thực CMND/CCCD của người khởi kiện;

+Bản sao có chứng thực sổ hộ khẩu của người khởi kiện;

+Bản án/Quyết định ly hôn;

+Bản sao có chứng thực giấy khai sinh của con;

+Chứng cứ chứng minh thu nhập của người có nghĩa vụ cấp dưỡng.

– Trường hợp 2: Không cấp dưỡng theo Bản án/quyết định của Tòa án

Để yêu cầu thi hành án, người trực tiếp nuôi con/người giám hộ cho con phải nộp hồ sơ yêu cầu cấp dưỡng tại Chi cục thi hành án huyện hoặc Cục thi hành án tỉnh có trụ sở cùng địa bàn với Tòa án ra bản án, quyết định về cấp dưỡng.

Hồ sơ yêu cầu thi hành án bao gồm:

+Bản án hoặc quyết định của Tòa án có ghi nhận về cấp dưỡng

+Đơn yêu cầu thi hành án dân sự. Hoặc có thể trình bày bằng lời nói trực tiếp để cơ quan thi hành án lập biên bản

+Tài liệu chứng minh người có nghĩa vụ cấp dưỡng đang có tài sản để thi hành như: bảng lương; tài sản hiện hữu như nhà cửa hoặc xe hoặc tiền trong ngân hàng

5. Cưỡng chế thi hành cấp dưỡng cho con như thế nào?

Cưỡng chế thi hành cấp dưỡng cho con được quy định tại Điều 45, 46 78 của Luật Thi hành án dân sự 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014:

Điều 45. Thời hạn tự nguyện thi hành án

1. Thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án.

2. Trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản hoặc hành vi khác nhằm trốn tránh việc thi hành án thì Chấp hành viên áp dụng ngay biện pháp quy định tại Chương IV của Luật này.

Điều 46. Cưỡng chế thi hành án

1. Hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 45 của Luật này, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế.

2. Không tổ chức cưỡng chế thi hành án trong thời gian từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật và các trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định.

Điều 78. Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án

1. Thu nhập của người phải thi hành án gồm tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động và thu nhập hợp pháp khác.

2. Việc trừ vào thu nhập của người phải thi hành án được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Theo thỏa thuận của đương sự;

b) Bản án, quyết định ấn định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án;

c) Thi hành án cấp dưỡng, thi hành án theo định kỳ, khoản tiền phải thi hành án không lớn hoặc tài sản khác của người phải thi hành án không đủ để thi hành án.

3. Chấp hành viên ra quyết định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án. Mức cao nhất được trừ vào tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động là 30% tổng số tiền được nhận hàng tháng, trừ trường hợp đương sự có thỏa thuận khác. Đối với thu nhập khác thì mức khấu trừ căn cứ vào thu nhập thực tế của người phải thi hành án, nhưng phải đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu của người đó và người được nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật.

4. Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động, Bảo hiểm xã hội nơi người phải thi hành án nhận tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp và các thu nhập hợp pháp khác có trách nhiệm thực hiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Như vậy, người có nghĩa vụ cấp dưỡng có thời gian 10 ngày tự nguyện thi hành cấp dưỡng, kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án. Nếu hết thời hạn nói trên mà không tự nguyện thi hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành án bằng cách trừ vào thu nhập của người phải thi hành án (như tiền lương, tiền công,…v.v). Mức cao nhất được trừ vào tiền lương, tiền công, lương hưu, trợ cấp là 30% tổng số tiền được nhận hàng tháng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Thời gian thực hiện cưỡng chế thi hành án phụ thuộc vào phương thức cấp dưỡng (định kỳ hay một lần) và thu nhập của người có nghĩa vụ cấp dưỡng.

6. Cần lưu ý gì khi yêu cầu cấp dưỡng cho con?

Khi yêu cầu cấp dưỡng cho con, người trực tiếp nuôi con hoặc người giám hộ của con cần lưu ý về thời hiệu yêu cầu thi hành án:

– Thời hiệu yêu cầu thi hành án là 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.

– Nếu bản án, quyết định Tòa án ấn định thời hạn thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cụ thể thì thời hiệu yêu cầu thi hành án là 05 năm tính từ ngày nghĩa vụ cấp dưỡng đến hạn.

– Nếu bản án, quyết định ghi nhận việc cấp dưỡng thực hiện định kỳ (theo tháng, quý, năm,…) thì thời hiệu 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày đến hạn thực hiện cấp dưỡng.

Quá thời hạn nêu trên thì không còn quyền yêu cầu thi hành án cấp dưỡng.

7. Xử phạt khi cha, mẹ trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng cho con

Tùy thuộc vào mức độ vi phạm nghĩa vụ cấp dưỡng mà người không trực tiếp nuôi con sẽ đối mặt với các hình thức xử phạt sau:

– Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng khi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn (Theo quy định tại Điểm b) Khoản 1 Điều 57 Nghị định 144/2021/NĐ-CP);

– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với trường hợp đã có bản án, quyết định của Tòa án nhưng trì hoãn thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng trong trường hợp có điều kiện thi hành án (Theo quy định tại điểm c) Khoản 3 Điều 64 Nghị định 82/2020/NĐ-CP)

– Bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng quy định tại Điều 186 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) nếu có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng; sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo; phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

– Bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm nếu nghĩa vụ cấp dưỡng đã được thể hiện trong bản án; quyết định của Tòa án mà người cấp dưỡng không chấp hành bản án mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì. Ngoài ra; người trốn nghĩa vụ cấp dưỡng trong trường hợp này còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng (Quy định tại Điều 380 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017).

Trên đây là hướng dẫn chi tiết về thủ tục đòi tiền cấp dưỡng cho con năm 2022. Nếu bạn có nội dung nào chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý, hãy liên hệ ngay với Luật sư Công ty Luật CIS theo thông tin sau:

CÔNG TY LUẬT CIS – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3911.8581 – 3911.8582             Hotline: 0916.568.101
Email: 
info@cis.vn