Cách chứng minh thông tin cư trú không cần sử dụng giấy xác nhận cư trú

Từ ngày 01/01/2023, sổ hộ khẩu giấy hết giá trị sử dụng. Và theo quy định hiện hành, để chứng minh thông tin về cư trú, người dân không BẮT BUỘC phải xuất trình “giấy xác nhận thông tin cư trú”.

Tuy nhiên, trên thực tế, Giấy xác nhận cư trú vẫn bị cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp yêu cầu xuất trình khi người dân thực hiện các thủ tục liên quan đến việc: xin xác nhận độc thân, đăng ký kết hôn, cấp điện, nước, xin việc làm, giao dịch mua bán, tặng cho nhà đất,… Đặc biệt, nhu cầu cấp Giấy xác nhận cư trú trong những ngày qua càng nóng hơn, khi đang là mùa cao điểm mà phụ huynh đăng ký cho con em vào các lớp đầu cấp, vì được nhà trường yêu cầu.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, người dân sẽ không phải hoặc ít phải cung cấp giấy này.

Để biết thông tin chi tiết, mời bạn đọc xem tiếp bài viết bên dưới.

cach-chung-minh-thong-tin-cu-tru

1. Cách chứng minh thông tin cư trú

Theo quy định tại nghị định số 104/2022/NĐ-CP của Chính phủ năm 2022, thì từ ngày 01/01/2023, các cơ quan có thẩm quyền, các cán bộ, công chức, viên chức, và cá nhân được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công PHẢI khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong CSDL QUỐC GIA VỀ DÂN CƯ, và được thực hiện bằng một trong các phương thức sau đây:

Thứ nhất, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành tra cứu, khai thác thông tin cá nhân qua chức năng của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, mà hệ thống này đã được kết nối với CSDLQG về dân cư hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia;

Thứ hai, cán bộ, công chức, viên chức khi giải quyết các thủ tục cho người dân sẽ tra cứu thông tin cá nhân thông qua tài khoản định danh điện tử của công dân được hiển thị trong ứng dụng VNeID;

Thứ ba, cán bộ, công chức, viên chức khi giải quyết các thủ tục cho người dân sẽ sử dụng thiết bị đầu đọc đã được kết nối trực tuyến với CSDLQG về dân cư, bao gồm thiết bị đọc mã QRCode hoặc thiết bị đọc chíp trên thẻ CCCD gắn chíp;

Thứ tư là các phương thức khai thác khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Nghị định 104/2022/NĐ-CP của Chính phủ cũng nêu rõ: trường hợp không thể khai thác được thông tin cư trú của công dân theo các phương thức vừa nêu, thì cơ quan có thẩm quyền mới có thể yêu cầu công dân xuất trình và nộp bản sao 1 trong 5 giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú, bao gồm:

(i) Thẻ CCCD,

(ii) Chứng minh nhân dân,

(iii) Giấy xác nhận thông tin về cư trú,

(iv) Giấy thông báo số định danh cá nhân

(v) Thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Như vậy, người dân khi đi làm thủ tục hành chính, thì KHÔNG BẮT BUỘC phải xuất trình giấy xác nhận thông tin cư trú, mà có thể sử dụng các giấy tờ khác như: Thẻ CCCC có gắn chip; Giấy thông báo số định danh cá nhân; hoặc thông tin tài khoản định danh điện tử của công dân được hiển thị trong ứng dụng định danh điện tử quốc gia – VNeID.

2. Cách sử dụng VNeID để chứng minh thông tin cư trú

Theo quy định, người dân có tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trong ứng dụng VneID, thì có giá trị tương đương như việc xuất trình thẻ CCCD và Giấy xác nhận cư trú khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình thẻ CCCD và thông tin cư trú.

Để biết tài khoản của mình ở Mức 1 hay mức 2, các bạn mở ứng dụng VneID nếu đã cài trên điện thoại của mình và xem phần thông tin như hiển thị trên màn hình.

Nếu chưa có ứng dụng này, các bạn sử dụng điện thoại và vào Google Play hoặc App Store để tải ứng dụng VNeID về, sau đó đăng ký kích hoạt tài khoản để sử dụng.

tai-khoan-dinh-danh-dien-tu

Từ ngày 20/10/2022, khi đi làm CCCD gắn chip, người dân sẽ được cơ quan Công an cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cùng với cấp thẻ CCCD gắn chíp.

Và hiện nay, khi đi làm CCCD gắn chip, người dân sẽ nhận được tin nhắn thông báo kích hoạt tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VneID.

tin-nhan-thong-bao-kich-hoat

Trường hợp được cấp thẻ CCCD gắn chip trước ngày 20/10/2022, người dân cần liên hệ Công an xã, phường, thị trấn hoặc nơi làm thủ tục cấp thẻ CCCD để làm thủ tục đăng ký tài khoản định danh điện tử mức 2.

Như vậy, Công ty Luật vừa chia sẻ về những cách chứng minh thông tin cư trú, cũng như các loại giấy tờ có thể thay thế Giấy xác nhận thông tin cư trú, đặc biệt là sử dụng thông tin tài khoản định danh điện tử mức 2 trong ứng dụng VNEID. Có thể nói, ứng dụng VNEID vừa là “sổ hộ khẩu điện tử”, vừa là thẻ BHYT, vừa là giấy phép lái xe và nhiều thông tin khác.

Ngày 25/2 vừa qua, tại cuộc họp của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Thủ tướng chỉ đạo: không yêu cầu xác nhận cư trú trong giải quyết thủ tục hành chính. Do đó, trong thời gian tới, người dân sẽ không phải hoặc ít phải cung cấp giấy tờ chứng minh nơi cư trú.

Để biết thêm thông tin, các bạn có thể xem thêm video của Công ty Luật:

CÔNG TY LUẬT CIS

109 Hoàng Sa, Phường Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
028 38257196 – 0938 548 101
Email: info@cis.vn