Hết hạn sang tên xe nhiều đời chủ, xe không giấy tờ – Từ 01/01/2022 đi xe không chính chủ bị xử lý như thế nào?

Trong bài viết “Thủ tục SANG TÊN xe không giấy tờ, xe không chính chủ HỢP PHÁP” mà công ty Luật đã đăng tải trước đó, theo quy định tại Thông tư số 58/TT-BCA ngày 16/6/2020 của Bộ Công An, việc giải quyết cho sang tên xe không có giấy tờ, xe nhiều đời chủ sẽ chấm dứt vào ngày 31/12/2021.

Công ty Luật nhận được rất nhiều câu hỏi của bạn đọc hỏi rằng: Từ ngày 01/01/2022, đi xe chưa sang tên hay còn gọi là xe không chính chủ thì bị phạt như thế nào?

Mời các bạn xem câu trả lời trong bài viết dưới đây.

1. Quy định về sang tên xe không có giấy tờ

Thông tư số 58/TT-BCA ngày 16/6/2020 của Bộ Công An đã giúp người dân tháo gỡ được khó khăn khi mua xe bằng giấy tay; xe mua bán qua nhiều đời chủ, xe không có giấy tờ, cụ thể Khoản 3 Điều 26 Thông tư 58/TT-BCA quy định như sau:

Điều 26. Hiệu lực thi hành

3. Xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người nhưng thiếu hoặc không có giấy tờ chuyển quyền sở hữu được giải quyết đăng ký, sang tên theo quy định tại Điều 19 Thông tư này đến hết ngày 31/12/2021.

Như vậy, người dân được phép sang tên xe khi xe đó đã qua nhiều đời chủ, kể cả khi không có giấy tờ chuyển quyền sở hữu (như mua bán, tặng cho hợp pháp…), được đăng ký sang tên đến hết ngày 31/12/2021.

Chi tiết về trình tự, thủ tục sang tên xe trong trường hợp này, các bạn quan tâm có thể xem lại bài viết tại đây.

2. Không sang tên xe có bị phạt tiền không?

Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe thì:

– Nếu là xe máy và các loại xe mô tô thì sẽ bị phạt tiền 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với cá nhân, hoặc từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với tổ chức/doanh nghiệp;

Điều 30. Xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ (Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019)

4. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với cá nhân, từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô;

– Nếu là xe ô tô, xe máy kéo và các loại xe ô tô thì sẽ bị từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức/doanh nghiệp.

Điều 30. Xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ (Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019)

7. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

l) Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng, các loại xe tương tự xe ô tô;

Người bị phạt là người đã mua, được cho, được tặng xe…, tức là người đang sử dụng xe.

Điều 80. Thủ tục xử phạt đối với chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ, đường sắt (Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019)

6. Chủ phương tiện bị xử phạt theo quy định tại Nghị định này là một trong các đối tượng sau đây:

e) Đối với phương tiện chưa làm thủ tục đăng ký xe hoặc đăng ký sang tên xe theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản thì cá nhân, tổ chức đã mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là đối tượng để áp dụng xử phạt như chủ phương tiện;

Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 10 Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, việc xác minh để phát hiện xử lý hành vi không sang tên xe chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông hoặc qua thủ tục đăng ký xe. Do đó, không phải lúc nào khi đang chạy xe trên đường, không gây tai nạn mà bạn sẽ bị cơ quan chức năng kiểm tra và xử phạt về lỗi không sang tên xe này.

Điều 80. Thủ tục xử phạt đối với chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ, đường sắt (Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019)

10. Việc xác minh để phát hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 4, điểm l khoản 7 Điều 30 Nghị định này chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông; qua công tác đăng ký xe.

3. Không sang tên xe có bị giữ xe không? Có bị tước giấy phép lái xe hay không?

Việc sang tên xe là điều cần thiết để xác định chủ sở hữu phương tiện khi tham gia giao thông, ngoài việc xác định quyền sở hữu tài sản cho bản thân người sở hữu để có thể thực hiện các giao dịch dân sự như cầm cố, chuyển nhượng, cho thuê, để lại di sản thừa kế… thì còn giúp hỗ trợ cho lực lượng chức năng xác định thông tin của chủ xe trong trường hợp gây tai nạn, bị mất cắp, hoặc các vụ việc liên quan nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên.

Nếu không làm thủ tục sang tên xe thì theo các quy định hiện hành, đối với lỗi không sang tên xe thì người điểu khiển xe chưa bị áp dụng hình thức tạm giữ xe hay tước quyền sử dụng bằng lái, trừ trường hợp người điều khiển xe vi phạm các lỗi khác có quy định biện pháp xử phạt bổ sung hoặc biện pháp bảo đảm thi hành quyết định xử phạt hành chính.

Do đó, tốt nhất các bạn nên lưu ý để hoàn tất thủ tục sang tên xe theo đúng quy định.

Xem thêm video:

PHÒNG PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP – CÔNG TY LUẬT CIS

109 Hoàng Sa, Phường Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
028 38257196 – 0938 548 101
Email: 
info@cis.vn