Đăng ký nhãn hiệu là thủ tục nhằm xác lập quyền sở hữu trí tuệ của cá nhân, tổ chức với nhãn hiệu, logo, thương hiệu.
Đăng ký nhãn hiệu đem lại rất nhiều ý nghĩa như:
- Ngăn chặn đối thủ cạnh tranh sao chép hoặc “nhái” lại nhãn hiệu;
- Giúp người tiêu dùng nhận diện hàng hóa/dịch vụ do các chủ thể cung cấp, từ đó có thể biết được chất lượng hàng hóa;
- Ngăn chặn nhãn hiệu bị cá nhân, tổ chức khác đăng ký độc quyền;
- Đem lại lợi nhuận cho chủ sở hữu khi cho phép cá nhân, tổ chức khác sử dụng nhãn hiệu;
Hàng năm, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (Cục SHTT) nhận được khoảng 40.000 – 50.000 đăng ký nhãn hiệu từ các chủ đơn trong và ngoài nước. Tuy nhiên, không phải nhãn hiệu nào khi nộp đơn đăng ký cũng được Cục SHTT chấp nhận bảo hộ. Một trong những lý do phổ biến nhất được Cục SHTT đưa ra để từ chối bảo hộ nhãn hiệu là dấu hiệu bị trùng, tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đối chứng.
Bài viết dưới đây giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về tính trùng, tương tự gây nhầm lẫn của dấu hiệu.
1. DẤU HIỆU TRÙNG
Dấu hiệu trùng với nhãn hiệu đối chứng: dấu hiệu bị coi là trùng với nhãn hiệu đối chứng nếu dấu hiệu đó giống hệt nhãn hiệu đối chứng về cấu trúc, nội dung, ý nghĩa và hình thức thể hiện. (Điểm b Khoản 39.8 Điều 39 Thông tư 01/2007)
Trong đó, nhãn hiệu đối chứng có thể hiểu là các nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ hoặc được thừa nhận bảo hộ tại Việt Nam (kể cả nhãn hiệu nổi tiếng); hoặc các đơn đăng ký nhãn hiệu đã nộp sớm hơn hoặc có ngày ưu tiên sớm hơn; hoặc các đơn đăng ký nhãn hiệu đã hết hiệu lực nhưng chưa quá năm năm (trừ trường hợp bị chấm dứt hiệu lực vì không sử dụng theo quy định của Luật SHTT).
Khi đơn đăng ký nhãn hiệu bị từ chối cục SHTT sẽ đưa ra bằng chứng là: Văn bằng bảo hộ/đơn đăng ký nhãn hiệu trước đó làm cơ sở từ chối cấp văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu dự định đăng ký (Nhãn hiệu đối chứng).
Ví dụ:
Nhãn hiệu “HWASUNG” đã được Công ty TNHH CN-TP đăng ký bảo hộ cho sản phẩm dây cáp điện và một số thiết bị điện thuộc nhóm 09, và được Cục SHTT cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu năm 2005. Đến năm 2006 công ty Cáp điện SV nộp đơn xin đăng ký nhãn hiệu “HWASUNG” cho các sản phẩm dây cáp điện và các thiết bị điện thuộc nhóm 09. Nhãn hiệu này đã bị Cục SHTT từ chối đăng ký với lý do trùng với nhãn hiệu “HWASUNG” đã được cấp cho Công ty TNHH CN-TP trước đó.
Nhãn hiệu đối chứng:
2. DẤU HIỆU TƯƠNG TỰ ĐẾN MỨC GÂY NHẦM LẪN
Dấu hiệu bị coi là tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đối chứng khi và chỉ khi đáp ứng đủ hai điều kiện sau:
Điều kiện thứ nhất, dấu hiệu đó gần giống với nhãn hiệu đối chứng về: cấu trúc hoặc/và nội dung hoặc/và cách phát âm hoặc/và ý nghĩa hoặc/và hình thức thể hiện; đồng thời sản phẩm, dịch vụ phải tương tự sản phẩm, dịch vụ đối chứng.
Điều kiện thứ hai, dấu hiệu gần giống đến mức làm cho người tiêu dùng tưởng lầm rằng hai đối tượng đó là một hoặc đối tượng này là biến thể của đối tượng kia hoặc hai đối tượng đó có cùng một nguồn gốc (Điểm c, Khoản 39.8 Thông tư 01/2007/TT-CP, sửa đổi bổ sung 2016)
Đối với nhãn hiệu nổi tiếng (Nhãn hiệu có uy tín, được sử dụng rộng rãi, lâu dài, được người tiêu dùng biết đến trên toàn lãnh thổ Việt Nam và đáp ứng đủ các tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ) quy định có phần đặc biệt hơn, theo đó dấu hiệu là bản phiên âm hoặc dịch nghĩa từ nhãn hiệu nổi tiếng vẫn có thể được xem là dấu hiệu tương tự.
Một vài ví dụ sau đây sẽ giúp làm rõ hơn về dấu hiệu tương tự đến mức gây nhầm lẫn
Ví dụ 1: Tương tự về mặt cấu trúc
Nhãn hiệu “Viglacera HMĐ” cho sản phẩm gạch nung của Công ty TNHH TMDV HMĐ (gọi tắt là Công ty HMĐ) gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “Viglacera” cho các sản phẩm vật liệu xây dựng của Công ty TT & GXD đã được bảo hộ. Trong đó, nhãn hiệu “Viglacera HMĐ” có phần chữ “Viglacera” trùng với nhãn hiệu “Viglacera” đã được đăng ký trước đó.
Ví dụ 2: Tương tự về cấu trúc
Vụ việc tranh chấp giữa công ty ICI và công ty NPVN, công ty ICI đã đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm sơn “SUPER MAXILITE”, sau đó công ty NPVN đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm sơn “SUPER MAXILITEX”.
Có thể nhận thấy giữa hai nhãn hiệu có sự tương tự về cấu trúc, các chữ cái được sắp xếp theo đúng thứ tự, điểm khác nhau giữa hai nhãn hiệu là chữ “X”. Vì vậy nhãn hiệu “SUPER MAXILITEX” có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Ví dụ 3: Tương tự về mặt phát âm
Nhãn hiệu đối chứng: “kodi” /co-di/ đăng ký sản phẩm là chất tẩy rửa (nhóm 03) theo bảng phân loại hàng hóa, dịch vụ vào năm 2018. Nhãn hiệu dự định đăng ký “codi” /co-di/ đăng ký cho sản phẩm xà phòng (nhóm 03). Nhận thấy hai nhãn hiệu có cách viết khác nhau nhưng phát âm giống nhau /co-di/ nên có thể được xem là tương tự về phát âm làm cho người tiêu dùng nhẫm lẫn.
Ví dụ 4: Tương tự về ý nghĩa
Hai nhãn hiệu trên đều đăng kí cho sản phẩm thuộc nhóm 30. Nhận thấy hai nhãn hiệu “Red Sun” và “Mặt trời đỏ” có ý nghĩa giống nhau. Red Sun đã được cấp văn bằng bảo hộ vào năm 2006 còn “Mặt trời Đỏ” đăng kí sau và đã bị từ chối cấp văn bằng vào năm 2018.
Ví dụ 5: Tương tự về hình thức thể hiện
Sản phẩm nước tinh khiết gắn dấu hiệu “AQUALEADER & Hình” (nhãn hiệu dự định đăng ký) có thể sẽ bị từ chối cấp văn bằng, vì có cách trình kiểu chữ “AQUALEADER”, đặc biệt chữ đầu và cuối được trình bày nhô cao hơn phần ở giữa, giống cách trình bày kiểu chữ trong nhãn hiệu “AQUAFINA”; kết hợp màu sắc chữ “AQUALEADER” màu trắng trên nền nhãn hiệu xanh dương; đồng thời, hình ảnh phía trên chữ là hình ảnh mặt trời xuống núi cũng tương tự kết hợp màu sắc, hình ảnh của nhãn hiệu “AQUAFINA & Hình” đang được bảo hộ.
Ví dụ 6: Tương tự về hình thức thể hiện
Nhãn hiệu “RedBull” đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký bản quyền cho sản phẩn nước giải khát nhóm 32 vào năm 2005, sau đó nhãn hiệu “RedStar” được công ty A nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm nước giải khát nhóm 32. Nhận thấy hai nhãn hiệu trên gồm phần hình và chữ, có sự tương tự về hình thức thể hiện. Phần hình là hình ảnh hai con “bò” đang “húc” nhau màu đỏ. Phần hình kết hợp phần chữ trên nền màu vàng. Nhãn hiệu “RedStar” có thể gây nhẫm lẫn với nhãn hiệu “RedBull”.
Trên đây là những ví dụ mang tính chất minh họa để giúp bạn đọc có góc nhìn tổng quan về dấu hiệu trùng, tương tự gây nhẫm lẫn. Và việc nhãn hiệu có tương tự gây nhẫm lẫn hay không và có chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu hay không còn tuy thuộc vào cơ nhà nước có thẩm quyền ra quyết định cuối cùng.
Bạn đang muốn đăng ký thành công một nhãn hiệu cho chính mình, bạn đang gặp khó khăn về việc hoàn thành hồ sơ và lo lắng liệu rằng sau khi nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu thì có được bảo hộ hay không?
Để giúp cho hồ sơ đăng ký nhãn hiệu của bạn có tỉ lệ thành công cao hơn, hãy liên hệ với những tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp để được tư vấn và đưa ra giải pháp cho những khó khăn mà hồ sơ đăng ký nhãn hiệu của bạn mắc phải.
Công ty Luật HD Bản quyền Quốc tế (CIS Law Firm) là tổ chức Đại diện Sở hữu công nghiệp được chứng nhận bởi Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam. Để giải đáp thắc mắc về vấn đề bảo hộ nêu trên, Quý khách hàng xin vui lòng liên hệ thông tin bên dưới để được tư vấn và yêu cầu dịch vụ:
PHÒNG SỞ HỮU TRÍ TUỆ – CIS LAW FIRM
109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 3911 8580 – 3911 8581
Email: info@cis.vn
(Nhóm tác giả: Bùi Văn Hưng, Lê Thị Mỹ Lệ, Trương Mỹ Duyên, Vũ Thị Thanh Truyền – CIS)