Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2023

Khi thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp đều thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Đây là khoản thu quan trọng, giúp hình thành ngân sách Nhà nước và thông qua đó còn phản ánh tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Bài viết dưới đây của Công ty Luật CIS sẽ nêu chi tiết các quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp 2023, giúp doanh nghiệp tránh những rủi ro pháp lý.

1. Thuế thu nhập doanh nghiệp là gì?

Theo các quy định như Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN), các Thông tư, Nghị định hướng dẫn thi hành thì có thể hiểu thuế TNDN một cách đơn giản như sau:

Thuế TNDN là loại thuế trực thu đánh vào phần thu nhập của doanh nghiệp sau khi trừ đi các khoản chi phí hợp lý, hợp pháp liên quan đến thu nhập của doanh nghiệp. Đây là khoản thu bắt buộc do Nhà nước quy định.

Thuế TNDN đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm nguồn thu Ngân sách Nhà nước. Thuế TNDN còn có chức năng quản lý, điều tiết vĩ mô của Nhà nước đối với các hoạt động kinh tế, xã hội trong toàn bộ nền kinh tế như: thông qua các ưu đãi về thuế suất, miễn thuế, giảm thuế để khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào Việt Nam; Tạo sự công bằng cũng như môi trường hoạt động cho các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh…

thue-thu-nhap-doanh-nghiep-2023

2. Pháp luật quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2023 như thế nào?

a) Đối tượng nộp thuế TNDN năm 2023: Đối tượng có nghĩa vụ nộp thuế TNDN năm 2023 bao gồm:

– Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật các tổ chức tín dụng, Luật kinh doanh bảo hiểm, Luật chứng khoán, Luật dầu khí, Luật thương mại và quy định tại các văn bản pháp luật khác dưới các hình thức: Công ty cổ phần; công ty trách nhiệm hữu hạn; công ty hợp danh; doanh nghiệp tư nhân; các bên trong hợp đồng hợp tác kinh doanh; các bên trong hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí, xí nghiệp liên doanh dầu khí, công ty điều hành chung;

– Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài có cơ sở thường trú hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam;

– Các đơn vị sự nghiệp công lập, ngoài công lập sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế nêu tại mục 3.a;

– Các tổ chức được thành lập và hoạt động theo Luật hợp tác xã;

– Tổ chức khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập chịu thuế nêu tại mục 3.a.

Nhìn chung, tất cả các doanh nghiệp được thành lập và có trụ sở ở Việt Nam hoặc các doanh nghiệp nước ngoài có phát sinh thu nhập ở Việt Nam đều là đối tượng nộp thuế TNDN.

b) Công thức tính thuế TNDN năm 2023

Thuế TNDN = Thu nhập tính thuế x Thuế suất

– Thu nhập tính thuế trong kỳ tính thuế được xác định như sau:

Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – Thu nhập được miễn thuế – Các khoản lỗ được kết chuyển

– Thu nhập chịu thuế được xác định theo công thức

Thu nhập chịu thuế = (Doanh thu – Chi phí được trừ) + Các khoản thu nhập khác

c) Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2023

Tùy thuộc vào lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp mà thuế suất Thuế TNDN năm 2023 là khác nhau. Cụ thể:

Mức thuế suất 20%: Đây là mức thuế được áp cho hầu hết các doanh nghiệp theo quy định pháp luật Việt Nam.

Mức thuế suất từ 32% – 50%: Được áp dụng cho các doanh nghiệp hoạt đối với động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí tại Việt Nam.

Mức thế suất 50%: Thuế suất thuế TNDN đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác các mỏ tài nguyên quý hiếm ở Việt Nam (bao gồm: bạch kim, vàng, bạc, thiếc, wonfram, antimoan, đá quý, đất hiếm trừ dầu khí). Trường hợp các mỏ tài nguyên quý hiếm có từ 70% diện tích được giao trở lên ở địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn thuộc danh mục địa bàn ưu đãi thuế TNDN thì áp dụng thuế suất thuế TNDN 40%.

Mức thuế suất ưu đãi 10%: Được áp dụng đối với các doanh nghiệp có thu nhập hoạt động từ các ngành nghề, dịch vụ sau:

– Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại: địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, Khu kinh tế, Khu công nghệ cao kể cả khu công nghệ thông tin tập trung được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

– Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc các lĩnh vực: nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của Luật Công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên phát triển theo quy định của pháp luật về công nghệ cao; đầu tư xây dựng – kinh doanh cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đầu tư phát triển nhà máy nước, nhà máy điện, hệ thống cấp thoát nước; cầu, đường bộ, đường sắt; cảng hàng không, cảng biển, cảng sông; sân bay, nhà ga và công trình cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định; sản xuất sản phẩm phần mềm; sản xuất vật liệu composit, các loại vật liệu xây dựng nhẹ, vật liệu quý hiếm; sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải; phát triển công nghệ sinh học.

– Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, bao gồm: sản xuất thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường, thiết bị quan trắc và phân tích môi trường; xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường; thu gom, xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn; tái chế, tái sử dụng chất thải.

– Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định của Luật công nghệ cao.

– Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất (trừ dự án sản xuất mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, dự án khai thác khoáng sản) đáp ứng một trong hai tiêu chí sau:

+ Dự án có quy mô vốn đầu tư đăng ký lần đầu tối thiểu 6 (sáu) nghìn tỷ đồng, thực hiện giải ngân không quá 3 năm kể từ thời điểm được phép đầu tư lần đầu theo quy định của pháp luật đầu tư và có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10 (mười) nghìn tỷ đồng/năm chậm nhất sau 3 năm kể từ năm có doanh thu từ dự án đầu tư (chậm nhất năm thứ 4 kể từ năm có doanh thu doanh nghiệp phải đạt tổng doanh thu tối thiểu 10 (mười) nghìn tỷ đồng/năm).

+ Dự án có quy mô vốn đầu tư đăng ký lần đầu tối thiểu 6 (sáu) nghìn tỷ đồng, thực hiện giải ngân không quá 3 năm kể từ thời điểm được phép đầu tư lần đầu theo quy định của pháp luật đầu tư và sử dụng thường xuyên trên 3.000 lao động chậm nhất sau 3 năm kể từ năm có doanh thu từ dự án đầu tư (chậm nhất năm thứ 4 kể từ năm có doanh thu doanh nghiệp phải đạt điều kiện sử dụng số lao động thường xuyên bình quân năm trên 3.000 lao động).

– Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, trừ dự án sản xuất mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và dự án khai thác khoáng sản, có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 12 nghìn tỷ đồng, sử dụng công nghệ phải được thẩm định theo quy định của Luật công nghệ cao, Luật khoa học và công nghệ, thực hiện giải ngân tổng vốn đầu tư đăng ký không quá 5 năm kể từ thời ngày được phép đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.

– Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển đáp ứng một trong các tiêu chí sau:

+ Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao theo quy định của Luật công nghệ cao;

+ Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất sản phẩm các ngành: dệt – may; da – giầy; điện tử – tin học; sản xuất lắp ráp ô tô; cơ khí chế tạo mà các sản phẩm này tính đến ngày 01 tháng 01 năm 2015 trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng phải đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật của Liên minh Châu Âu (EU) hoặc tương đương.

Xem thêm chi tiết về các trường hợp ưu đãi thuế tại đây.

dich-vu-lam-the-apec

d) Kỳ tính thuế

– Kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp được xác định theo năm dương lịch hoặc năm tài chính.

– Trường hợp doanh nghiệp nước ngoài thì kỳ tính thuế TNDN theo từng lần phát sinh thu nhập được quy định như sau:

+ Doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam mà khoản thu nhập này không liên quan đến hoạt động của cơ sở thường trú;

+ Doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam.

3. Thu thập nào phải chịu thuế? Thu thập nào được miễn thuế?

a) Thu nhập chịu thuế năm 2023:

♦ Theo quy định của Luật Thuế TNDN năm 2023, các khoản thu nhập phải chịu thuế TNDN gồm:

– Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Đây là những thu nhập đến từ hàng hoá, dịch vụ mà doanh nghiệp cung ứng cho thị trường. Lưu ý hàng hoá, dịch vụ phải được đăng ký mã ngành nghề với cơ quan nhà nước và đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh (nếu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện).

– Các khoản thu nhập khác bao gồm:

+ Thu nhập từ chuyển nhượng vốn bao gồm thu nhập từ việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn đã đầu tư vào doanh nghiệp, kể cả trường hợp bán doanh nghiệp, chuyển nhượng chứng khoán, chuyển nhượng quyền góp vốn và các hình thức chuyển nhượng vốn khác theo quy định của pháp luật;

+ Thu nhập từ chuyển nhượng dự án đầu tư, thu nhập từ chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, thu nhập từ chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản theo quy định của pháp luật; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản;

+ Thu nhập từ quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản kể cả thu nhập từ quyền sở hữu trí tuệ, thu nhập từ chuyển giao công nghệ theo quy định của pháp luật;

+ Thu nhập từ chuyển nhượng, cho thuê, thanh lý tài sản (trừ bất động sản), trong đó có các loại giấy tờ có giá khác;

+ Thu nhập từ lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn, bán ngoại tệ bao gồm: Lãi tiền gửi tại các tổ chức tín dụng, lãi cho vay vốn dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật bao gồm cả tiền lãi trả chậm, lãi trả góp, phí bảo lãnh tín dụng và các khoản phí khác trong hợp đồng cho vay vốn; thu nhập từ bán ngoại tệ; khoản chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả có gốc ngoại tệ cuối năm tài chính; khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh trong kỳ (riêng chênh lệch tỷ giá phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản để hình thành tài sản cố định của doanh nghiệp mới thành lập mà tài sản cố định này chưa đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính). Đối với khoản nợ phải thu, khoản cho vay có gốc ngoại tệ phát sinh trong kỳ thì chênh lệch tỷ giá hối đoái của các khoản nợ phải thu, khoản cho vay này là khoản chênh lệch giữa tỷ giá hối đoái tại thời điểm thu hồi nợ với tỷ giá hối đoái tại thời điểm ghi nhận khoản nợ phải thu hoặc khoản cho vay ban đầu;

+ Các khoản trích trước vào chi phí nhưng không sử dụng hoặc sử dụng không hết theo kỳ hạn trích lập mà doanh nghiệp không hạch toán điều chỉnh giảm chi phí;

+ Khoản nợ khó đòi đã xóa nay đòi được;

+ Khoản nợ phải trả không xác định được chủ nợ;

+ Khoản thu nhập từ kinh doanh của những năm trước bị bỏ sót phát hiện ra;

+ Chênh lệch giữa thu về tiền phạt, tiền bồi thường do vi phạm hợp đồng kinh tế hoặc thưởng do thực hiện tốt cam kết theo hợp đồng (không bao gồm các khoản tiền phạt, tiền bồi thường được ghi giảm giá trị công trình trong giai đoạn đầu tư) trừ đi khoản bị phạt, trả bồi thường do vi phạm hợp đồng theo quy định của pháp luật;

+ Các khoản tài trợ bằng tiền hoặc hiện vật nhận được;

+ Chênh lệch do đánh giá lại tài sản theo quy định của pháp luật để góp vốn, điều chuyển khi chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, trừ trường hợp cổ phần hóa, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100 % vốn điều lệ;

+ Các khoản thu nhập khác.

♦ Trường hợp doanh nghiệp nước ngoài thì thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam năm 2023 là thu nhập nhận được có nguồn gốc từ Việt Nam từ hoạt động cung ứng dịch vụ, cung cấp và phân phối hàng hóa, cho vay vốn, tiền bản quyền cho tổ chức cá nhân Việt Nam hoặc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam hoặc từ chuyển nhượng vốn, dự án đầu tư, quyền góp vốn, quyền tham gia các dự án đầu tư, quyền thăm dò, khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản tại Việt Nam, không phụ thuộc vào địa điểm tiến hành kinh doanh. Thu nhập chịu thuế quy định tại khoản này không bao gồm thu nhập từ dịch vụ thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam như: Sửa chữa phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị ở nước ngoài; quảng cáo, tiếp thị, xúc tiến đầu tư và xúc tiến thương mại ở nước ngoài; môi giới bán hàng hóa, môi giới bán dịch vụ ở nước ngoài; đào tạo ở nước ngoài; chia cước dịch vụ bưu chính, viễn thông quốc tế cho phía nước ngoài.

b) Thu nhập được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2023

Các khoản thu nhập năm 2023 được miễn thuế của doanh nghiệp bao gồm:

– Thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản, sản xuất muối của hợp tác xã; thu nhập của hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp thực hiện ở địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; thu nhập của doanh nghiệp từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản ở địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; thu nhập từ hoạt động đánh bắt hải sản;

– Thu nhập từ việc thực hiện dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ nông nghiệp được miễn thuế gồm: Thu nhập từ dịch vụ tưới, tiêu nước; cày, bừa đất, nạo vét kênh, mương nội đồng; dịch vụ phòng trừ sâu, bệnh cho cây trồng, vật nuôi; dịch vụ thu hoạch sản phẩm nông nghiệp;

– Thu nhập từ việc thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ, được miễn thuế trong thời gian thực hiện hợp đồng và tối đa không quá 03 năm kể từ ngày bắt đầu có doanh thu từ thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; thu nhập từ bán sản phẩm làm ra từ công nghệ mới lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ được miễn thuế tối đa không quá 05 năm kể từ ngày có doanh thu từ bán sản phẩm; thu nhập từ bán sản phẩm sản xuất thử nghiệm trong thời gian sản xuất thử nghiệm theo quy định của pháp luật;

– Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp có từ 30% số lao động bình quân trong năm trở lên là người khuyết tật, người sau cai nghiện, người nhiễm HIV/AIDS;

– Thu nhập từ hoạt động dạy nghề dành riêng cho người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng tệ nạn xã hội, người đang cai nghiện, người sau cai nghiện, người nhiễm HIV/AIDS. Trường hợp cơ sở dạy nghề có cả các đối tượng khác thì phần thu nhập được miễn thuế được xác định theo tỷ lệ giữa số người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng tệ nạn xã hội, người đang cai nghiện, người sau cai nghiện, người nhiễm HIV/AIDS so với tổng số người học của cơ sở;

– Thu nhập được chia từ hoạt động góp vốn, mua cổ phần, liên doanh, liên kết kinh tế với doanh nghiệp trong nước, sau khi bên nhận góp vốn, phát hành cổ phiếu, liên doanh, liên kết đã nộp thuế theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp;

– Khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, văn hóa, nghệ thuật, từ thiện, nhân đạo và hoạt động xã hội khác tại Việt Nam;

– Thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải (CERs) lần đầu của doanh nghiệp được cấp chứng chỉ giảm phát thải; các lần chuyển nhượng tiếp theo nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định;

– Thu nhập từ thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao của Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong hoạt động tín dụng đầu tư phát triển, tín dụng xuất khẩu; thu nhập từ hoạt động tín dụng cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác của Ngân hàng Chính sách xã hội; thu nhập của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam; thu nhập từ hoạt động có thu do thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao của các quỹ tài chính Nhà nước: Quỹ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tổ chức Bảo hiểm tiền gửi, Quỹ Bảo hiểm Y tế, Quỹ hỗ trợ học nghề, Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Quỹ hỗ trợ nông dân, Quỹ trợ giúp pháp lý Việt Nam, Quỹ viễn thông công ích, Quỹ đầu tư phát triển địa phương, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã, Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo, Quỹ bảo hộ công dân và pháp nhân tại nước ngoài, Quỹ phát triển nhà, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của Bộ, ngành, địa phương được thành lập theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ, Quỹ trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm, thu nhập từ thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao của Quỹ phát triển đất và quỹ khác của Nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định hoặc quyết định được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật;

– Phần thu nhập không chia của cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, y tế và lĩnh vực xã hội hóa khác (bao gồm cả Văn phòng giám định tư pháp) để lại để đầu tư phát triển cơ sở đó theo quy định của luật chuyên ngành về giáo dục – đào tạo, y tế và về lĩnh vực xã hội hóa khác; phân thu nhập hình thành tài sản không chia của hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật hợp tác xã;

– Thu nhập từ chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên chuyển giao cho tổ chức, cá nhân ở địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn;

– Thu nhập của văn phòng thừa phát lại trong thời gian thực hiện thí điểm theo quy định của pháp luật.

dich-vu-dang-ky-ban-quyen-thuong-hieu

4. Quy trình nộp thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2023 như thế nào?

Bước 1: Người nộp thuế thuộc diện khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, lập hồ sơ và gửi đến cơ quan thuế tại nơi có trụ sở chính chậm nhất là ngày thứ 90, kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với trường hợp khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm; chậm nhất là ngày thứ 45, kể từ ngày có quyết định về việc doanh nghiệp thực hiện chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức sở hữu, giải thể, chấm dứt hoạt động đối với trường hợp chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức sở hữu, giải thể, chấm dứt hoạt động.

Bước 2: Cơ quan thuế tiếp nhận:

– Trường hợp hồ sơ được nộp trực tiếp tại cơ quan thuế, công chức thuế tiếp nhận và đóng dấu tiếp nhận hồ sơ, ghi thời gian nhận hồ sơ, ghi nhận sô lượng tài liệu trong hồ sơ và ghi vào sổ văn thư của cơ quan thuế.

– Trường hợp hồ sơ được gửi qua đường bưu chính, công chức thuế đóng dấu ghi ngày nhận hồ sơ và ghi vào số văn thư của cơ quan thuế.

– Trường hợp hồ sơ được nộp thông qua giao dịch điện tử, việc tiếp nhận, kiểm tra, chấp nhận hồ sơ khai thuế do cơ quan thuế thực hiện thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử.

Trên đây là hướng dẫn chi tiết về thuế thu nhập doanh nghiệp. Nếu bạn có vướng mắc hay có nội dung nào chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý, hãy liên hệ ngay với Luật sư Công ty Luật CIS theo thông tin sau:

PHÒNG PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 028.3911.8581 – 3911.8582             Hotline: 0916.568.101

Email: info@cis.vn