Hướng dẫn kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng vốn

Hoạt động mua bán, giao dịch, chuyển nhượng vốn giữa các cá nhân và tổ chức là hoạt động phổ biến và cần phải thực hiện việc kê khai thuế đối với cơ quan quản lý thuế của nhà nước. Việc xác định và thủ tục thực hiện kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng vốn sẽ được Công ty Luật CIS trình bày ở bài viết dưới đây.

1. Thuế Thu nhập doanh nghiệp là gì?

Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là một loại thuế trực thu tính trên thu nhập chịu thuế của các doanh nghiệp (tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ).

Thuế TNDN đánh trên hầu hết các loại thu nhập của doanh nghiệp, trừ một số loại thu nhập được miễn thuế.

⇒Xem chi tiết: Các trường hợp không thu thuế, miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 2023

Thu nhập chịu thuế TNDN bao gồm:

– Thu nhập chịu thuế bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và thu nhập khác.

– Thu nhập khác bao gồm thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng quyền góp vốn; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản; thu nhập từ quyền sử dụng tài sản, quyền sở hữu tài sản, kể cả thu nhập từ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật; thu nhập từ chuyển nhượng, cho thuê, thanh lý tài sản, trong đó có các loại giấy tờ có giá; thu nhập từ lãi tiền gửi, cho vay vốn, bán ngoại tệ; khoản thu từ nợ khó đòi đã xoá nay đòi được; khoản thu từ nợ phải trả không xác định được chủ; khoản thu nhập từ kinh doanh của những năm trước bị bỏ sót và các khoản thu nhập khác, kể cả thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh ở ngoài Việt Nam.

ke-khai-nop-thue-thu-nhap-doanh-nghiep-chuyen-nhuong-von

2. Thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp khi chuyển nhượng vốn

Chuyển nhượng vốn là giao dịch trong đó bên sở hữu phần vốn góp trong công ty TNHH hoặc bên sở hữu cổ phần trong công ty cổ phần chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp hay cổ phần đó cho người khác.

Thu nhập từ chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp là thu nhập mà doanh nghiệp có được do chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp/ cổ phần của doanh nghiệp đã đầu tư trong một doanh nghiệp khác cho tổ chức, cá nhân khác.

Thời điểm xác định thu nhập từ chuyển nhượng vốn là thời điểm chuyển quyền sở hữu vốn.

Trường hợp doanh nghiệp bán toàn bộ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp đó làm chủ sở hữu dưới hình thức chuyển nhượng vốn có gắn với bất động sản thì kê khai và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo hoạt động chuyển nhượng bất động sản và kê khai theo tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trường hợp doanh nghiệp có chuyển nhượng vốn không nhận bằng tiền mà nhận bằng tài sản, lợi ích vật chất khác (cổ phiếu, chứng chỉ quỹ…) thì phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Giá trị tài sản, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ…được xác định theo giá bán của sản phẩm trên thị trường tại thời điểm nhận tài sản.

dich-vu-lam-the-apec

3. Cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp khi chuyển nhượng vốn

Cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp khi chuyển nhượng vốn được tính như sau:

Thuế thu nhập Doanh nghiệp = Thu nhập tính thuế x 20%

Trong đó:

Thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng vốn được xác định:

Thu nhập tính thuế = Giá chuyển nhượng Giá mua của phần vốn chuyển nhượng Chi phí chuyển nhượng

♦ Giá chuyển nhượng:

– Giá chuyển nhượng được xác định là tổng giá trị thực tế mà bên chuyển nhượng thu được theo hợp đồng chuyển nhượng.

– Trường hợp hợp đồng chuyển nhượng vốn quy định việc thanh toán theo hình thức trả góp, trả chậm thì doanh thu của hợp đồng chuyển nhượng không bao gồm lãi trả góp, lãi trả chậm theo thời hạn quy định trong hợp đồng.

– Trường hợp hợp đồng chuyển nhượng không quy định giá thanh toán hoặc cơ quan thuế có cơ sở để xác định giá thanh toán không phù hợp theo giá thị trường, cơ quan thuế có quyền kiểm tra và ấn định giá chuyển nhượng.

– Doanh nghiệp có chuyển nhượng một phần vốn góp trong doanh nghiệp mà giá chuyển nhượng đối với phần vốn góp này không phù hợp theo giá thị trường thì cơ quan thuế được ấn định lại toàn bộ giá trị của doanh nghiệp tại thời điểm chuyển nhượng để xác định lại giá chuyển nhượng tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp chuyển nhượng.

– Căn cứ ấn định giá chuyển nhượng dựa vào tài liệu điều tra của cơ quan thuế hoặc căn cứ giá chuyển nhượng vốn của các trường hợp khác ở cùng thời gian, cùng tổ chức kinh tế hoặc các hợp đồng chuyển nhượng tương tự tại thời điểm chuyển nhượng. Trường hợp việc ấn định giá chuyển nhượng của cơ quan thuế không phù hợp thì được căn cứ theo giá thẩm định của các tổ chức định giá chuyên nghiệp có thẩm quyền xác định giá chuyển nhượng tại thời điểm chuyển nhượng theo đúng quy định.

– Doanh nghiệp có hoạt động chuyển nhượng vốn cho tổ chức, cá nhân thì phần giá trị vốn chuyển nhượng theo hợp đồng chuyển nhượng có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Trường hợp việc chuyển nhượng vốn không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì cơ quan thuế có quyền ấn định giá chuyển nhượng.

♦ Giá mua của phần vốn chuyển nhượng được xác định đối với từng trường hợp như sau:

– Nếu là chuyển nhượng vốn góp thành lập doanh nghiệp là giá trị phần vốn góp lũy kế đến thời điểm chuyển nhượng vốn trên cơ sở sổ sách, hồ sơ, chứng từ kế toán và được các bên tham gia đầu tư vốn hoặc tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh xác nhận, hoặc kết quả kiểm toán của công ty kiểm toán độc lập đối với doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

– Nếu là phần vốn do mua lại thì giá mua là giá trị vốn tại thời điểm mua. Giá mua được xác định căn cứ vào hợp đồng mua lại phần vốn góp, chứng từ thanh toán.

– Trường hợp doanh nghiệp đủ điều kiện hạch toán kế toán bằng đồng ngoại tệ và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về chế độ kế toán có chuyển nhượng vốn góp bằng ngoại tệ thì giá chuyển nhượng và giá mua của phần vốn chuyển nhượng được xác định bằng đồng ngoại tệ; Trường hợp doanh nghiệp hạch toán kế toán bằng đồng Việt Nam có chuyển nhượng vốn góp bằng ngoại tệ thì giá chuyển nhượng phải được xác định bằng đồng Việt Nam theo tỷ giá mua vào của Ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp mở tài khoản tại thời điểm chuyển nhượng.

♦ Chi phí chuyển nhượng là các khoản chi thực tế liên quan trực tiếp đến việc chuyển nhượng, có chứng từ, hóa đơn hợp pháp.

– Trường hợp chi phí chuyển nhượng phát sinh ở nước ngoài thì các chứng từ gốc đó phải được một cơ quan công chứng hoặc kiểm toán độc lập của nước có chi phí phát sinh xác nhận và chứng từ phải được dịch ra tiếng Việt (có xác nhận của đại diện có thẩm quyền).

– Chi phí chuyển nhượng bao gồm: chi phí để làm các thủ tục pháp lý cần thiết cho việc chuyển nhượng; các khoản phí và lệ phí phải nộp khi làm thủ tục chuyển nhượng; các chi phí giao dịch, đàm phán, ký kết hợp đồng chuyển nhượng và các chi phí khác có chứng từ chứng minh.

4. Hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp khi chuyển nhượng vốn

Có 03 trường hợp kê khai thuê TNDN từ chuyển nhượng vốn như sau:

♦ Trường hợp 1: Thu nhập từ chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp

Thu nhập từ chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp được coi là một khoản thu nhập khác, doanh nghiệp sẽ chỉ phải tạm nộp số thuế TNDN từ chuyển nhượng vốn theo quý và cuối năm sẽ xác định, kê khai vào tờ khai quyết toán thuế TNDN cuối năm. Số thuế đã tạm nộp theo quý sẽ được khấu trừ với số phải nộp theo quyết toán thuế năm.

Doanh nghiệp sẽ nộp hồ sơ khai thuế TNDN cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp của doanh nghiệp.

♦ Trường hợp 2: Bán toàn bộCông ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu dưới hình thức chuyển nhượng vốn có gắn với bất động sản

Trường hợp bán toàn bộ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu dưới hình thức chuyển nhượng vốn có gắn với bất động sản thì nộp thuế theo từng lần phát sinh, hồ sơ khai thuế gồm:

– Tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp theo mẫu 06/TNDN ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC (tải mẫu).

Doanh nghiệp sẽ nộp hồ sơ khai thuế TNDN cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp của doanh nghiệp.

♦ Trường hợp 3: Trường hợp nhà thầu nước ngoài chuyển nhượng vốn:

Thuế TNDN từ hoạt động chuyển nhượng vốn của nhà thầu nước ngoài được kê khai theo từng lần phát sinh, hồ sơ kê khai thuế bao gồm:

– Tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp theo mẫu 05/TNDN ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC (tải mẫu)

– Bản sao hợp đồng chuyển nhượng, Bản sao chứng nhận vốn góp, chứng từ gốc của các khoản chi phí (nếu có).

Hồ sơ khai thuế TNDN đối với hoạt động chuyển nhượng vốn của nhà thầu nước ngoài tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp doanh nghiệp nơi nhà thầu nước ngoài đầu tư vốn (bao gồm cả trường hợp tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng vốn khai thay cho nhà thầu nước ngoài và trường hợp tổ chức thành lập theo pháp luật Việt Nam nơi nhà thầu nước ngoài đầu tư vốn khai thay nếu tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng vốn cũng là nhà thầu nước ngoài).

dich-vu-dang-ky-ban-quyen-thuong-hieu

5. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp khi chuyển nhượng vốn

– Trường hợp chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp: Doanh nghiệp tạm nộp thuế TNDN theo quý và kê khai quyết toán thuế vào cuối năm.

⇒Xem chi tiết: Thủ tục quyết toán thuế TNDN năm 2023 tại đây.

– Trường hợp Bán toàn bộ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu dưới hình thức chuyển nhượng vốn có gắn với bất động sản và chuyển nhượng vốn của nhà thầu nước ngoài: Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với loại thuế khai và nộp theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế.

Trên đây là thông tin về Hướng dẫn kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng vốn. Nếu có bất kỳ thắc mắc hay vấn đề pháp lý nào giải đáp, bạn đọc vui lòng liên hệ với Luật sư của Công ty Luật CIS theo địa chỉ sau:

PHÒNG PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 028 3911 8580 – 3911 8581

Email: info@cis.vn