Từ tháng 11/2020 triển khai thẻ CĂN CƯỚC CÔNG DÂN gắn CHIP

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1368/QĐ-TTg đồng ý với chủ trương đầu tư dự án sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân gắn chip; tổng vốn đầu tư gần 2.700 tỷ đồng. Dự kiến việc cấp Căn cước công dân (thẻ CCCD) có gắn chip sẽ được triển khai trong tháng 11/2020 tới đây.

the-can-cuoc-cong-dan-gan-chip-estonia
Thẻ CCCD của Estonia – Quốc gia đầu tiên sử dụng thẻ CCCD gắn chip

I. Vậy thẻ CCCD có gắn chip điện tử là gì?

Thẻ căn cước gắn chip, còn gọi là thẻ căn cước điện tử (e-ID), đang được nhiều quốc gia sử dụng, có thể đóng vai trò thiết bị nhận diện, xác thực danh tính và chìa khóa truy cập thông tin công dân trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.

Theo Dự thảo thông tư của Bộ Công an quy định về mẫu thẻ CCCD:

Thẻ CCCD được sản xuất bằng chất liệu nhựa. Về nội dung, ngoài ngôn ngữ Tiếng Việt, Bộ Công an sẽ sử dụng thêm ngôn ngữ Tiếng Anh trong các trường thông tin của công dân trên thẻ căn cước.

Trên thẻ cũng sẽ có dòng mã ICAO (mã của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế) và mã QR code (mã phản hồi nhanh hay mã vạch hai chiều).

Thẻ còn có phôi bảo an được gắn ở mặt trước và mặt sau của thẻ CCCD sẽ có gắn Chip điện tử lưu trữ thông tin cơ bản của công dân.

hinh-minh-hoa-cccd-gan-chip
Hình minh họa

II. 05 điểm lưu ý về thẻ CCCD gắn chip người dân cần biết.

1. Lợi ích của thẻ CCCD gắn chip:

Theo thông tin từ Bộ Công An, thẻ CCCD sử dụng chip điện tử có nhiều ưu điểm hơn so với mã vạch:

Một là, có thể lưu trữ được nhiều trường thông tin hơn, tích hợp đầy đủ các thông tin, liên thông với các thông tin khác về bảo hiểm y tế, bằng lái xe, thuế… Người dân đi giao dịch và làm các thủ tục sẽ không phải mang nhiều loại giấy tờ, mà chỉ cần dùng thẻ CCCD có gắn chip thì sẽ thực hiện được các giao dịch. Đồng thời, cũng không còn tốn kém thời gian, chi phí công chứng, chứng thực giấy tờ như trước đây.

Hai là, thẻ CCCD gắn chip có mức độ bảo mật cao nên thông tin định danh của công dân được lưu trên CCCD gắn chip là không thể thay đổi và không thể giả mạo, đảm bảo độ tin cậy trong thực hiện các giao dịch.

Ba là, dữ liệu trên chip có thể được truy cập ngay lập tức mà không bị phụ thuộc vào kết nối mạng thông qua các thiết bị cho phép đọc thông tin trên chip giúp cho việc xác thực danh tính được thực hiện ngay, hạn chế tối đa việc giả mạo danh tính.

2. Ai phải đổi sang thẻ CCCD gắn chip?

Không phải tất cả mọi công dân đều phải đồng loạt đi đổi sang thẻ CCCD có gắn chip. Công dân đang sử dụng chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân mã vạch còn thời hạn sử dụng thì vẫn được tiếp tục sử dụng. Khi hết thời hạn sử dụng, hoặc khi bị mất, hỏng… thì được cấp đổi sang thẻ CCCD có gắn chip. Hoặc trường hợp công dân có yêu cầu đổi sang CCCD gắn chip thì được đổi theo yêu cầu.

Trường hợp người dân đang sử dụng CMND được khuyến cáo có thể chờ để cấp thẻ CCCD theo mẫu mới có gắn chip điện tử.

3. Đổi sang thẻ CCCD gắn chip có cần làm lại các giấy tờ khác không?

Đây là thắc mắc của khá nhiều người. Tin vui là CCCD gắn chip vẫn giữ nguyên số như CCCD mã vạch. Do đó, việc đổi sang mẫu có gắn chip không gây ảnh hưởng gì tới các loại giấy tờ đang dùng số CCCD mã vạch trước đó, công dân không phải đi đổi lại các giấy tờ. Đồng thời, các giao dịch của công dân đã sử dụng số CCCD trước đây vẫn được thực hiện bình thường mà không có bất cứ phiền phức nào.

4. Thẻ CCCD gắn chip có kiểm soát các hoạt động của cá nhân hay không?

Về vấn đề này, đại diện Bộ Công an khẳng định chip được gắn trên thẻ CCCD là để lưu trữ các thông tin của công dân trên thẻ CCCD với mục tiêu là tạo điều kiện thuận tiện cho công dân thực hiện các giao dịch hành chính, đi lại, nâng cao hiệu quả của chính phủ điện tử, chính phủ số.

Do đó, chip gắn trên thẻ CCCD không có chức năng định vị, theo dõi để xác định vị trí của công dân. Việc tích hợp, sử dụng thông tin trên chip tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin.

5. Mất thẻ CCCD gắn chip có sao không?

Thẻ CCCD gắn chip tích hợp rất nhiều thông tin cá nhân của công dân. Theo đó, nhiều công dân bày tỏ sự lo ngại nếu như đánh mất thẻ và rơi vào tay kẻ trộm, liệu có vấn đề gì không.

Cũng theo Bộ Công an, mức độ bảo mật của chip rất cao nên thông tin định danh của công dân trên thẻ là không thể thay đổi, không thể giả mạo được. Chỉ có chủ sở hữu thẻ mới sử dụng được, nếu có bị trộm cắp cũng không bị ảnh hưởng gì.

Việc sử dụng thẻ CCCD gắn chip là xu hướng tất yếu trong việc phát triển xã hội hiện nay. Hiện đã có khoảng 70 quốc gia trên thế giới sử dụng thẻ căn cước có gắn chip, trong đó có những quốc gia sử dụng từ những năm 1990.

Thủ tướng đã giao Bộ Công an chủ trì hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương rà soát, tổng hợp nhu cầu tích hợp các dịch vụ, ứng dụng thuộc lĩnh vực công tác, quản lý của mình vào chip điện tử trong thẻ CCCD.

Các Bộ, ngành và UBND cấp tỉnh phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an chủ động triển khai tích hợp ứng dụng, sử dụng thông tin trên thẻ CCCD trong các lĩnh vực công tác.

PHÒNG PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP – CÔNG TY LUẬT CIS

109 Hoàng Sa, Phường Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
028 3825 7196 – 0938 548 101
Email: info@cis.vn