Hướng dẫn cấp lại thẻ bảo hiểm y tế mới nhất theo hình thức nộp trực tiếp

Đối với đại đa số người dân, thẻ Bảo hiểm y tế là loại giấy tờ đặc biệt quan trọng. Việc vô tình làm mất thẻ BHYT khiến người dân không thể hưởng được các quyền lợi ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân khi trong quá trình tham gia khám, chữa bệnh.

Vì vậy, trong bài viết này, Công ty Luật CIS sẽ hướng dẫn chi tiết liên quan đến thủ tục để được cấp lại thẻ bảo hiểm y tế theo hình thức nộp trực tiếp.

1. Thẻ Bảo hiểm y tế là gì?

Thẻ Bảo hiểm y tế là một giấy tờ do Bảo hiểm xã hội Việt Nam cấp, ghi nhận một người nào đó đang tham gia bảo hiểm y tế, theo đó, Bảo hiểm y tế là một hình thức bảo hiểm do Nhà nước tổ chức thực hiện, phục vụ mục đích chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận.

Theo quy định tại Điều 16 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định người tham gia BHYT được cấp thẻ BHYT và thẻ này là căn cứ để được hưởng các quyền lợi về bảo hiểm y tế.

huong-dan-cap-lai-the-bhyt-nop-truc-tiep
Hình ảnh: Thẻ Bảo hiểm y tế
Điều 16. Thẻ bảo hiểm y tế

1. Thẻ bảo hiểm y tế được cấp cho người tham gia bảo hiểm y tế và làm căn cứ để được hưởng các quyền lợi về bảo hiểm y tế theo quy định của Luật này.

2. Mỗi người chỉ được cấp một thẻ bảo hiểm y tế.

3.[21] Thời điểm thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng được quy định như sau:

a) Đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 12 của Luật này tham gia bảo hiểm y tế lần đầu, thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng kể từ ngày đóng bảo hiểm y tế;

b) Người tham gia bảo hiểm y tế liên tục kể từ lần thứ hai trở đi thì thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng nối tiếp với ngày hết hạn sử dụng của thẻ lần trước;

c) Đối tượng quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 12 của Luật này tham gia bảo hiểm y tế từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành hoặc tham gia không liên tục từ 3 tháng trở lên trong năm tài chính thì thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng sau 30 ngày, kể từ ngày đóng bảo hiểm y tế;

d) Đối với trẻ em dưới 6 tuổi thì thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng đến ngày trẻ đủ 72 tháng tuổi. Trường hợp trẻ đủ 72 tháng tuổi mà chưa đến kỳ nhập học thì thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng đến ngày 30 tháng 9 của năm đó.

4. Thẻ bảo hiểm y tế không có giá trị sử dụng trong các trường hợp sau đây:

a) Thẻ đã hết thời hạn sử dụng;

b) Thẻ bị sửa chữa, tẩy xóa;

c) Người có tên trong thẻ không tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế.

5.[22] Tổ chức bảo hiểm y tế ban hành mẫu thẻ bảo hiểm y tế sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Y tế.

Từ các quy định này, có thể hiểu thẻ BHYT là giấy tờ minh chứng cho việc tham gia chế độ bảo hiểm y tế và sẽ làm căn cứ để người tham gia có thể được hưởng các quyền lợi về BHYT mà mình tham gia.

dich-vu-lam-the-apec

2. Trường hợp nào được cấp lại thẻ BHYT?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 18 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định về trường hợp được cấp lại thẻ BHYT:

Điều 18. Cấp lại thẻ bảo hiểm y tế

1. Thẻ bảo hiểm y tế được cấp lại trong trường hợp bị mất.

2. Người bị mất thẻ bảo hiểm y tế phải có đơn đề nghị cấp lại thẻ.

3. Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị cấp lại thẻ, tổ chức bảo hiểm y tế phải cấp lại thẻ cho người tham gia bảo hiểm y tế. Trong thời gian chờ cấp lại thẻ, người tham gia bảo hiểm y tế vẫn được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế.

Ngoài ra, trường hợp thẻ BHYT bị lỗi do tổ chức BHYT hoặc do cơ quan lập danh sách cũng có thể được cấp lại thẻ BHYT, lúc này người tham gia bảo hiểm sẽ thực hiện thủ tục đổi thẻ bảo hiểm y tế.

3. Nộp đơn đề nghị cấp lại thẻ BHYT ở đâu?

Theo quy định, người tham gia BHYT phải nộp đơn đề nghị cấp lại thẻ BHYT ở cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi mình cư trú để đề nghị xem xét cấp lại thẻ BHYT.

4. Phí cấp lại thẻ BHYT là bao nhiêu?

Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2017, Luật Phí và lệ phí 2015 bắt đầu có hiệu lực, trong đó tại Điểm d Khoản 2 Điều 23 quy định việc bãi bỏ khoản 4 Điều 18 của Luật bảo hiểm y tế năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định về nộp phí, mức phí như sau:

Điều 18. Cấp lại thẻ bảo hiểm y tế

4. (bãi bỏ) Người được cấp lại thẻ bảo hiểm y tế phải nộp phí. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức phí cấp lại thẻ bảo hiểm y tế. Trường hợp lỗi do tổ chức bảo hiểm y tế hoặc cơ quan lập danh sách thì người được cấp lại thẻ bảo hiểm y tế không phải nộp phí.

dich-vu-dang-ky-ban-quyen-thuong-hieu

Như vậy, có thể hiểu việc bãi bỏ quy định về nộp phí, mức phí cấp lại thẻ bảo hiểm y tế đồng nghĩa với việc người thực hiện thủ tục xin cấp lại thẻ BHYT sẽ không bị thu bất kỳ khoản phí nào.

Trên đây là hướng dẫn chi tiết về thủ tục cấp lại thẻ bảo hiểm y tế theo hình thức nộp trực tiếp. Về các thủ tục cấp lại thẻ BHYT trực tuyến thông qua cổng dịch vụ công quốc gia và qua ứng dụng BHXH số VssiD, các bạn có thể tiếp tục theo dõi ở các bài viết pháp lý tiếp theo của Công ty Luật.

Luật sư – Công ty Luật CIS – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3911.8581 – 3911.8582             Hotline: 0916.568.101
Email: info@cis.vn