Nên thành lập công ty hay hộ kinh doanh?

Khi chuẩn bị tiến hành hoạt động kinh doanh, nhiều người băn khoăn không biết nên thành lập công ty hay hộ kinh doanh, cũng như ưu nhược điểm của từng loại hình.

Bài viết hôm nay sẽ giải đáp thắc mắc này.

1. Công ty và hộ kinh doanh là gì?

Để trả lời câu hỏi nên thành lập công ty hay hộ kinh doanh, trước hết chúng ta cần hiểu hộ kinh doanh và công ty là gì.

Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh.

Công ty được hiểu là tổ chức kinh doanh có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh. Công ty bao gồm công ty TNHH, công ty cổ phần và công ty hợp danh

2. Khác biệt giữa hộ kinh doanh và công ty

Thứ nhất, hộ kinh doanh là do 1 cá nhân hoặc hộ gia đình thành lập, còn công ty thì có thể do 1 cá nhân, tổ chức hoặc 1 nhóm cá nhân, tổ chức thành lập, nghĩa là nếu một số cá nhân muốn cùng kinh doanh thì không thể đăng ký kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh. Trường hợp này bạn cần thành lập công ty. Ngoài ra, Cá nhân, hộ gia đình chỉ được đăng ký một hộ kinh doanh trong phạm vi toàn quốc. Trong khi đó, mỗi người có thể tham gia thành lập nhiều công ty khác nhau.

Thứ hai, một điểm khác biệt quan trọng tiếp theo là hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân, nghĩa là cá nhân hoặc hộ gia đình thành lập hộ kinh doanh chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình. Ví dụ: chị A lập hộ kinh doanh X với số vốn đăng ký là 300 triệu đồng, trong quá trình kinh doanh, hộ kinh doanh X thua lỗ hết vốn và nợ 500 triệu đồng. Trong trường hợp này, chị A sẽ phải chịu trách nhiệm đối với khoản nợ 500 triệu bằng toàn bộ tài sản của mình. Tức là ngoài 300 triệu vốn góp ban đầu, chị A phải bỏ thêm tiền của mình để trả khoản nợ 500 triệu.

Khác với hộ kinh doanh, các thành viên công ty chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn về các nghĩa vụ và khoản nợ của công ty trong phạm vi vốn góp, trừ thành viên hợp danh. Ví dụ: anh B góp 1 tỷ đồng để thành lập công ty TNHH MTV ABC, thì anh B chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty TNHH MTV ABC trong phạm vi số vốn 1 tỷ mà anh B đăng ký góp vào công ty. Nếu công ty ABC kinh doanh thua lỗ và anh B đã góp đủ 1 tỷ đồng như đã đăng ký thì anh B chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã góp, anh B không phải bỏ thêm tiền để chịu trách nhiệm về khoản nợ của công ty với bên thứ ba.

Thứ ba là Công ty có khả năng huy động vốn cao hơn so với hộ kinh doanh thông qua việc tiếp nhận thêm thành viên mới hoặc phát hành cổ phiếu, trái phiếu, tiếp cận vốn vay ngân hàng … Trong khi đó, Hộ kinh doanh do có quy mô nhỏ nên bị hạn chế khả năng huy động vốn từ bên ngoài hoặc trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh so với công ty.

Thứ tư, Hộ kinh doanh thường có quy mô hoạt động và số vốn không lớn, số lượng nhân viên không nhiều. Do đó, việc thành lập, quản lý sẽ đơn giản, phù hợp với người có nhu cầu kinh doanh nhỏ. Trong khi đó, Công ty có quy mô lớn hơn hộ kinh doanh nên việc thành lập, quản lý, điều hành và giải thể sẽ phức tạp hơn.

Thứ năm là Công ty được khấu trừ chi phí khi tính thuế Thu nhập doanh nghiệp nếu có khoản chi phí thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh và có hóa đơn, chứng từ hợp pháp. Bên cạnh đó, nếu công ty áp dụng phương pháp tính thuế GTGT là phương pháp khấu trừ, công ty sẽ được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.

Ngược lại, hộ kinh doanh không được khấu trừ thuế đầu vào khi tính thuế GTGT và khấu trừ chi phí hoạt động kinh doanh khi tính thuế thu nhập cá nhân.

Về việc kê khai thuế thì Thủ tục kê khai thuế của công ty phức tạp hơn so với hộ kinh doanh. Việc kê khai, nộp thuế của hộ kinh doanh theo phương pháp khai thuế khoán nên đơn giản hơn so với công ty.

Thứ sáu là Công ty có con dấu và có thể xuất hóa đơn giá trị gia tăng hay còn gọi là hóa đơn đỏ hoặc xuất hóa đơn bán hàng tùy theo nhu cầu. Còn Hộ kinh doanh không được xuất hóa đơn đỏ, thay vào đó, hộ kinh doanh được xuất hóa đơn mua từ cơ quan thuế.

3. Nên thành lập công ty hay hộ kinh doanh?

Câu trả lời là: Tùy thuộc vào NHU CẦU, MỤC ĐÍCH, QUY MÔ KINH DOANH VÀ KHẢ NĂNG TÀI CHÍNH mà các bạn có thể cân nhắc để lựa chọn loại hình phù hợp với mục tiêu kinh doanh của mình.

Ví dụ, đối với những bạn chỉ có nhu cầu KINH DOANH NHỎ LẺ, NGUỒN VỐN KHÔNG NHIỀU thì các bạn có thể lựa chọn đăng ký thành lập hộ kinh doanh.

Trong trường hợp bạn muốn sản xuất, kinh doanh với QUY MÔ LỚN, SỬ DỤNG NHIỀU LAO ĐỘNG, KINH DOANH NHIỀU NGÀNH NGHỀ ĐA DẠNG, NHIỀU NGƯỜI CÙNG GÓP VỐN, MUỐN HUY ĐỘNG VỐN LINH HOẠT thì các bạn có thể lựa chọn thành lập công ty.

Để được tư vấn chi tiết về các vấn đề khi thành lập công ty, hãy liên hệ ngay với Luật sư của Công ty Luật CIS theo thông tin sau:

Xem thêm Video tại đây:

PHÒNG PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 3911 8581  – 3911 8580
Email: info@cis.vn