Bài phỏng vấn Luật sư Phương Hảo về vụ kiện giữa RIAV và NOKIA Việt Nam

Đăng trên báo Thể Thao và Văn hóa

(TT&VH) – Sau khi Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm VN họp báo và tuyên bố sẽ kiện Nokia ra tòa vì Hiệp hội cho rằng Nokia đã vi phạm quyền liên quan đối với những sản phẩm ghi âm của họ. Thực tế Nokia đã mua những thẻ cào của nhacSo (thuộc FPT) để tặng cho khách hàng của mình chứ không trực tiếp tổ chức khai thác. Để hiểu rõ hơn vấn đề, TT&VH đã phỏng vấn luật sư Nguyễn Thị Phương Hảo, luật sư Văn phòng Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam.

* Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam (RIAV) cho rằng Nokia sử dụng sản phẩm thuộc quyền liên quan của mình nhưng không trả tiền, những tư liệu, chứng cứ mà RIAV thu thập được để kiện Nokia, chính là những chứng cứ về các sản phẩm mà nhacSo đang kinh doanh. Điều này có nghĩa là RIAV cũng đủ những chứng cứ để kiện nhacSo?

Điện thoại Nokia N express, thẻ chứa mã số khuyến mại, các thông tin liên quan và chi tiết tất cả các bản ghi có trên website Nokia Music là những chứng cứ mà RIAV thu thập để làm việc với Nokia cũng như cung cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng nếu hai bên không đạt được thỏa thuận hợp lý và chứng cứ này chỉ là bằng chứng chứng minh cho vụ kiện đó, nếu có.

Những vấn đề liên quan đến việc sử dụng bản ghi của nhacSo là một quan hệ khác, độc lập với mối quan hệ giữa RIAV và Nokia. Việc thu thập chứng cứ cũng như việc kiện FPT Online do Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam quyết định. Bản thân tôi chỉ là cá nhân, hơn thế tôi là luật sư tư vấn nên sẽ không thể có những tuyên bố hay khẳng định về vụ kiện FPT Online tại thời điểm này.

* Và nếu giả sử nhacSo sở hữu hợp pháp các sản phẩm ghi âm này thì cũng đồng nghĩa với việc Nokia không vi phạm bản quyền những sản phẩm ghi âm?

Với giả định đó, nếu FPT Online là chủ sở hữu quyền liên quan đối với tất cả các bản ghi âm, ghi hình trên nhacSo và website Nokia Music thì Nokia không vi phạm, vì đơn giản, chủ sở hữu có quyền được hưởng tiền bản quyền khi tổ chức, cá nhân khác khai thác, kinh doanh thương mại bản ghi và giữa họ đã có thỏa thuận được ghi nhận bằng hợp đồng.

Tuy nhiên, đây chỉ là giả định, và thực tế, tôi không cho rằng nhacSo là người “sở hữu hợp pháp” các bản ghi âm này.

Nokia đang khai thác kinh doanh thương mại bản ghi thuộc quyền quản lý quyền liên quan của RIAV, và theo quy định của Pháp luật quyền tác giả hiện hành, họ phải có nghĩa vụ thanh toán tiền cho chủ sở hữu quyền. RIAV sẽ bảo vệ quyền của những nhà sản xuất bản ghi đã ủy thác trước những tổ chức, các nhân trực tiếp xâm phạm.

Trong trường hợp Nokia được cung cấp bản ghi bởi một bên thứ ba thì bên thứ ba đó, nếu có, theo quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng sẽ trở thành bên có quyền, nghĩa vụ liên quan.

* Với tư cách là một luật sư của Văn phòng RIAV, theo bà, nhacSo đã hoạt động rất lâu nhưng tại sao đến bây giờ RIAV vẫn không đòi tiền hoặc kiện họ ra tòa mà lại kiện Nokia?

RIAV và FPT đã có một quá trình làm việc dài về việc sử dụng bản ghi thuộc quyền quản lý quyền của RIAV trên nhacSo, tuy nhiên đến nay các bên cũng chưa có bất cứ một sự thỏa thuận chính thức nào.

Trong các công văn của RIAV gửi đến các đơn vị sử dụng nói chung và FPT Online nói riêng, RIAV đều có khuyến cáo việc tôn trọng quyền và nếu các tổ chức, cá nhân sử dụng không tôn trọng và xâm phạm quyền thì RIAV có thể áp dụng các biện pháp hành chính, dân sự để bảo vệ quyền lợi của các hội viên.

* Nếu hãng sản xuất băng đĩa A bán sỉ một lượng sản phẩm (do mình quản lý quyền liên quan) cho một đại lý cấp 1, đại lý này bán lại cho đại lý cấp 2, rồi đại lý cấp 2 bán lại cho người tiêu dùng, trong quá trình này, đại lý cấp 2 không phải trả phí bản quyền thuộc quyền liên quan cho hãng sản xuất. Nếu nhacSo sở hữu quyền khai thác quyền liên quan, nhacSo bán sỉ cho Nokia để Nokia bán lại cho khách hàng (trong trường hợp hiện nay là tặng nhưng thực chất đây cũng là việc mua – bán) điều này cũng tương tự như trên có nghĩa là Nokia không phải thực hiện quyền liên quan thêm một lần nữa. Bà có ý kiến gì về vấn đề này?

Quyền tác giả – một trong những đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ là một loại tài sản, nhưng không giống những tài sản thông thường. Quyền tác giả được điều chỉnh bởi một văn bản riêng, phù hợp với đặc thù của nó. Nếu lấy tác phẩm âm nhạc hay bản ghi để minh họa cho hình ảnh bán sỉ cho đại lý cấp 1, cấp 2… có lẽ sẽ không đúng.

Nguyên tắc của quyền tác giả là nguyên tắc “người sử dụng cuối”. Tôi xin lấy một ví dụ để dễ hình dung: nếu bạn ra cửa hàng mua 1 đĩa CD gồm 10 ca khúc (bản gốc), thì không có nghĩa là bạn đương nhiên có quyền sao chép vào máy tính cá nhân và tặng những người khác hoặc sử dụng bản ghi đó trong quán cà phê mà bạn là chủ, bạn chỉ có thể sử dụng cho mục đích cá nhân. Vì việc bạn mở nhạc phục vụ cho khách hàng là hành vi khai thác kinh doanh, thương mại bản ghi và bạn phải trả tiền cho hoạt động kinh doanh đó.

* Nếu Nokia dùng những sản phẩm ghi âm phát trên loa tại các cửa hàng của họ để phục vụ cho kinh doanh và việc Nokia tặng những bản nhạc này cho khách hàng từ việc mua thẻ sử dụng của nhacSo, down load nhạc từ nhacSo, theo bà hai việc này có khác nhau không? Tại sao?

Câu trả lời chính xác nhất cho câu hỏi này nằm tại Điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ và Điều 35 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP ngày 21/9/2006:

Điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ: Tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã được công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo thỏa thuận cho nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình; và Điều 35 nghị định số 100/2006/NĐ-CP: Sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã được công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại là việc tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã được công bố để sử dụng tại nhà hàng, khách sạn, cửa hàng, siêu thị; cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ bưu chính, viễn thông, môi trường kỹ thuật số; trong các hoạt động du lịch, hàng không, giao thông công cộng và các hoạt động kinh doanh, thương mại khác.

Theo quy định của pháp luật, các hành vi này phải trả tiền bản quyền và quy định đã quá cụ thể.

* Xin cám ơn luật sư.

Bình Minh (thực hiện)