“Siêu Doanh Nghiệp” đăng ký vốn điều lệ nghìn tỷ và hậu quả khó lường!

Trong thời gian gần đây, cộng đồng doanh nghiệp đang xôn xao về thông tin một công ty mới được thành lập được mệnh danh là “siêu doanh nghiệp” vì vốn điều lệ đăng ký lên đến 144 nghìn tỷ đồng chỉ với ba cổ đông cá nhân người Việt Nam. Quy mô vốn đăng ký của công ty này thậm chí cao hơn cả Viettel và chỉ đứng sau hai tập đoàn Nhà nước là PVN và EVN. Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, vốn điều lệ đăng ký thành lập của công ty này chiếm gần 54% tổng vốn đăng ký lập mới cả nước trong tháng 01/2020, đồng thời cũng làm vốn đăng ký bình quân doanh nghiệp thành lập mới đã tăng đột biến 115%.

Vụ việc của công ty này làm nhiều người quan tâm đến các quy định của pháp luật có liên quan đến vốn điều lệ đăng ký của doanh nghiệp. Tổ chức, cá nhân có được tự do đăng ký vốn điều lệ hay không? Thành viên, cổ đông của doanh nghiệp phải góp vốn dưới hình thức gì và chứng minh đã góp đủ vốn ra sao? Hậu quả nếu đăng ký “vốn khống” như thế nào? Bài viết này sẽ cung cấp tổng quát về vấn đề này.

1. Tổ chức, cá nhân có thể góp vốn bằng những tài sản nào?

Theo Luật Doanh nghiệp 2014, tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.

Trong đó, nếu góp vốn bằng tiền thì tổ chức phải tuân thủ hình thức góp vốn quy định tại Nghị định 222/2013/NĐ-CP và Thông tư 09/2015/TT-BTC về thanh toán bằng tiền mặt. Theo đó, các doanh nghiệp không sử dụng tiền mặt để thanh toán khi thực hiện các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác mà phải sử dụng các hình thức như: Thanh toán bằng Séc; Thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền; Các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác theo quy định hiện hành.

Còn đối với thành viên/cổ đông cá nhân, do không có quy định hình thức góp vốn nên không bắt buộc qua tài khoản ngân hàng mà có thể góp vốn bằng tiền mặt hoặc các cách khác.

Như vậy, việc góp vốn bằng tiền đối với cá nhân được quy định khá mở. Điều này dẫn đến chứng minh đã góp đủ vốn đối cá nhân trở nên lỏng lẻo và không minh bạch như việc góp vốn của tổ chức.

2. Tổ chức, cá nhân có phải chứng minh năng lực tài chính khi đăng ký góp vốn vào doanh nghiệp không?

Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định về việc tổ chức, cá nhân phải chứng minh năng lực tài chính khi đăng ký góp vốn vào doanh nghiệp. Tổ chức, cá nhân chỉ phải bảo đảm phải góp vốn cho doanh nghiệp đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Các quy định này có sự khác biệt so với quy định về đầu tư, đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện dự án đầu tư phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thực hiện dự án. Trong đó, nhà đầu tư phải xuất trình tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư theo mức vốn đăng ký góp.

3. Pháp luật có quy định về quy mô vốn điều lệ không?

Luật Doanh nghiệp không quy định mức tối thiểu hay tối đa đối với vốn điều lệ ngoại trừ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện quy định doanh nghiệp phải có mức vốn tối thiểu hay còn gọi là vốn pháp định, theo đó, vốn điều lệ phải tối thiểu bằng vốn pháp định.

Ví dụ: Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải có vốn pháp định ít nhất 20 tỷ đồng; Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe phải có vốn pháp định 300 tỷ đồng; Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe vốn pháp định 600 tỷ đồng…

Như vậy, trừ các trường hợp pháp luật quy định vốn pháp định, doanh nghiệp được tự quyết định vốn điều lệ của mình phù hợp với quy mô hoạt động, kinh doanh, sản xuất và năng lực tài chính của mình.

4. Hậu quả khi không góp đủ vốn điều lệ đã đăng ký?

sieu-doanh-nghiep-von-nghin-ty– Theo Luật Doanh nghiệp, sau thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng đăng ký thành lập doanh nghiệp, thành viên, cổ đông của công ty:

  • không góp vốn như đã đăng ký thì đương nhiên không còn là thành viên, cổ đông của công ty;
  • góp chưa đủ vốn điều lệ đã đăng ký thì có quyền tương ứng với phần vốn thực góp, Tuy nhiên thành viên, cổ đông công ty phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn điều lệ đã đăng ký đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước khi công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ.

Trong các trường hợp này, công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị vốn điều lệ thực góp và thay đổi thành viên/cổ đông sáng lập trong thời hạn 30 ngày (đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên là 60 ngày) kể từ ngày cuối cùng của thời hạn 90 ngày trên.

– Trường hợp công ty không thực hiện đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn Điều lệ như đã đăng ký thì sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo quy định tại Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Đồng thời, công ty cũng bị buộc phải đăng ký điều chỉnh vốn Điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông bằng số vốn đã thực góp.

– Mặt khác, cũng theo Nghị định này, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cũng có thể bị phạt tiền đối với hành vi kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Mức phạt tiền đối với tổ chức là từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng, mức phạt tiền đối với cá nhân bằng một nửa mức phạt tiền đối với tổ chức. Đồng thời buộc phải đăng ký thay đổi và thông báo lại các thông tin doanh nghiệp đã kê khai không trung thực, không chính xác.

Trở lại trường hợp “siêu doanh nghiệp” đăng ký vốn nghìn tỷ đã nêu, một trong các cổ đông của công ty này cho biết đã xin hủy đăng ký thành lập công ty với lý do các cổ đông công ty đã có sự nhầm lẫn khi đăng ký. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, do  doanh nghiệp này đã được thành lập, được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nên không thể hủy đăng ký thành lập công ty. Trường hợp cần chấm dứt, Công ty cần thực hiện thủ tục giải thể trên cơ sở quyết định của Đại hội đồng cổ đông để chấm dứt hoạt động doanh nghiệp.

Như vậy, tuy Luật Doanh nghiệp không có quy định về quy mô vốn công ty (trừ trường hợp vốn pháp định) nhưng có quy định về việc thành viên, cổ đông của doanh nghiệp phải góp đủ và đúng loại tài sản đã đăng ký. Đồng thời cũng có quy định về chế tài đối với việc góp không đủ vốn điều lệ trong các doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, đăng ký vốn điều lệ cao sẽ tạo được niềm tin với các đối tác, khách hàng trong việc thực hiện giao kết hợp đồng, thuận lợi cho việc tăng hạn mức vay từ các ngân hàng… Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần nhận thức được các rủi ro của việc tăng vốn khống này đối với doanh nghiệp của mình như: tăng mức độ chịu trách nhiệm của các thành viên trong doanh nghiệp không tương xứng với vốn thực góp; ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp khi không đủ khả năng tài chính để thực hiện hợp đồng với đối tác; ảnh hưởng đến hồ sơ sổ sách kế toán của doanh nghiệp và phải chịu các chế tài theo quy định pháp luật như trên. Bên cạnh đó, xét về mặt xã hội, việc đăng ký khống vốn điều lệ sẽ gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong việc đánh giá thông tin, thị trường và nghiêm trọng nhất là ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh do các doanh nghiệp không đánh giá được khả năng, năng lực tài chính thật sự của đối tác khi giao kết thực hiện hợp đồng, dẫn đến các tranh chấp, xung đột giữa các doanh nghiệp.

Do vậy, các cá nhân, tổ chức khi dự định thành lập công ty cần phải tìm hiểu kỹ quy định pháp luật, lên kế hoạch dự trù quy mô vốn doanh nghiệp hợp lý, tránh rơi vào các trường hợp đăng ký vốn quá lớn lại không góp đủ vốn, gây ảnh hưởng đến hoạt động của công ty và trật tự xã hội như trường hợp “siêu doanh nghiệp” như trên.

PHÒNG PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 028 3911 8580 – 3911 8581

Email: info@cis.vn

Dịch vụ đăng ký thành lập doanh nghiệp tại CIS LAW FIRM:

  • Tư vấn Mô hình tổ chức và Cơ cấu quản lý doanh nghiệp;
  • Tư vấn cách đặt Tên doanh nghiệp;
  • Tư vấn về Ngành nghề kinh doanh;
  • Tư vấn về mức vốn của công ty phù hợp với hoạt động kinh doanh của công ty;
  • Tư vấn Phương thức hoạt động và điều hành Công ty;
  • Tư vấn pháp lý về mối quan hệ giữa các chức danh quản lý;
  • Tư vấn Quyền và Nghĩa vụ của các thành viên/cổ đông;
  • Tư vấn về việc huy động vốn, định giá tài sản góp vốn và phương thức góp vốn;
  • Tư vấn Phương án chia lợi nhuận và xử lý nghĩa vụ phát sinh;
  • Tư vấn Các nội dung khác có liên quan.

(Tác giả: Trần Lê Gia Bảo – Phòng Pháp lý doanh nghiệp)