Ngày nay với sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, cơ cấu lao động của nước ta cũng vì thế mà ngày càng có thêm sự góp mặt của lao động nước ngoài, trong đó không thể không kể đến lao động kỹ thuật nước ngoài. Theo như Bộ luật Lao động hiện hành thì người nước ngoài muốn làm viêc ở nước ta cần phải có giấy phép lao động.
Để biết thủ tục xin giấy phép lao động cho lao động kỹ thuật nước ngoài cần đáp ứng điều kiện gì, hồ sơ cần chuẩn bị như thế nào? Bài viết dưới đây Công ty Luật CIS sẽ hướng dẫn chi tiết về thủ tục này.
MỤC LỤC BÀI VIẾT
- 1. Giấy phép lao động là gì?
- 2. Thời hạn của giấy phép lao động
- 3. Lao động kỹ thuật nước ngoài được làm việc tại Việt Nam là những ai?
- 4. Điều kiện làm giấy phép lao động cho lao động kỹ thuật nước ngoài
- 5. Quy trình làm giấy phép lao động cho lao động kỹ thuật nước ngoài
- 6. Hồ sơ làm giấy phép lao động cho lao động kỹ thuật nước ngoài
- 7. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ làm giấy phép lao động cho lao động kỹ thuật nước ngoài
- 8. Thời gian giải quyết hồ sơ là bao lâu
- 9. Dịch vụ làm giấy phép lao động của Công ty luật CIS
1. Giấy phép lao động là gì?
Giấy phép lao động là một loại giấy phép do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người lao động nước ngoài để cho phép, xác nhận họ được làm việc hợp pháp tại Việt Nam khi họ đáp ứng các điều kiện theo luật định.
Nội dung trên giấy phép lao động sẽ bao gồm: họ tên, số hộ chiếu, ngày tháng năm sinh, quốc tịch của Người lao động nước ngoài; tên và địa chỉ của tổ chức nơi làm việc, vị trí làm việc; Thời hạn của giấy phép lao động …
2. Thời hạn của giấy phép lao động
Điều 155 Bộ Luật Lao động 2019 quy định về giấy phép lao động, thời hạn làm việc của lao động kỹ thuật nước ngoài trên Giấy phép lao động có thời hạn tối đa là 02 năm, trường hợp người lao động kỹ thuật nước ngoài vẫn tiếp tục làm việc tại công ty, doanh nghiệp cũ thì được gia hạn một lần với thời hạn tối đa là 02 năm. Sau lần gia hạn này, nếu họ vẫn tiếp tục làm việc tại công ty, thì phải làm thủ tục cấp mới Giấy phép lao động.
3. Lao động kỹ thuật nước ngoài được làm việc tại Việt Nam là những ai?
Theo quy định tại khoản 6 Điều 3 Nghị định 152/2020 ban hành ngày 30/12/2020 quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam thì lao động kỹ thuật là người nước ngoài thuộc một trong các trường hợp dưới đây thuộc đối tượng được cấp Giấy phép lao động:
Thứ nhất: Người lao động nước ngoài được đào tạo chuyên ngành kỹ thuật hoặc chuyên ngành khác ít nhất 01 năm và làm việc ít nhất 03 năm trong chuyên ngành được đào tạo;
Thứ hai: Người lao động nước ngoài có ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm công việc phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam.
Hiện nay, một số lĩnh vực đặc biệt có nhiều người lao động kỹ thuật nước ngoài đang làm việc có thể kể đến như: công nghiệp điện; công nghệ tự động; công nghệ máy móc; công nghệ thực phẩm; …
4. Điều kiện làm giấy phép lao động cho lao động kỹ thuật nước ngoài
Để được cấp Giấy phép lao động cho người lao động kỹ thuật nước ngoài thì người nước ngoài cần đáp ứng các điều kiện sau:
– Đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
– Người lao động nước ngoài có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, kinh nghiệm làm việc; có đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
– Người lao động kỹ thuật nước ngoài không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc pháp luật Việt Nam;
– Visa Việt Nam của Người lao động kỹ thuật nước ngoài phải còn hạn trong thời gian làm việc tại Việt Nam và phải do chính công ty/doanh nghiệp nơi người lao động nước ngoài làm việc bảo lãnh;
– Người lao động nước ngoài phải thuộc trường hợp được quy định tại Mục 3 đã nêu trên.
5. Quy trình làm giấy phép lao động cho lao động kỹ thuật nước ngoài
Quy trình làm giấy phép lao động cho lao động kỹ thuật nước ngoài được quy định tại:
– Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động việt nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam;
– Nghị định số 70/2023/NĐ-CP ngày 18/9/2023 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 152/2020/NĐ-CP.
Cụ thể thủ tục làm giấy phép lao động trải qua 2 giai đoạn như sau:
Giai đoạn 1: Trước ít nhất 15 ngày, Công ty/doanh nghiệp dự kiến tuyển người lao động kỹ thuật nước ngoài phải làm văn bản giải trình nhu cầu sử dụng lao động kỹ thuật nước ngoài gửi đến Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi công ty/doanh nghiệp đặt trụ sở.
Giai đoạn 2: Sau khi công ty/doanh được được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chấp thuận vị trí công việc cho người lao động nước ngoài thì công ty/doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động.
6. Hồ sơ làm giấy phép lao động cho lao động kỹ thuật nước ngoài
Như đã trình bày ở Mục 5, quy trình làm Giấy phép lao động cho lao động kỹ thuật nước ngoài trải qua 2 giai đoạn, theo đó, hồ sơ từng giai đoạn cũng khác nhau, cụ thể:
Hồ sơ Giai đoạn 1: Công ty/ doanh nghiệp xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng soạn thảo văn bản giải trình về nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài (Tải về).
Hồ sơ Giai đoạn 2: Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động
Hồ sơ làm giấy phép lao động cho lao động kỹ thuật nước ngoài bao gồm:
– Văn bản đề nghị cấp giấy phép lao động (Tải về mẫu số 11);
– Giấy chứng nhận sức khỏe được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài hoặc ở Việt Nam theo đúng quy định của Bộ Y tế;
– Phiếu lý lịch tư pháp số 1 hoặc văn bản xác nhận Người lao động nước ngoài không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự được cấp không quá 06 tháng (nếu là văn bản của tổ chức nước ngoài thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự kèm bản dịch công chứng);
– Giấy tờ, văn bản xác nhận người lao động nước ngoài đã có 03 năm hoặc 05 năm kinh nghiệm làm việc tại nước ngoài cho vị trí lao động kỹ thuật;
– 02 ảnh thẻ kích thước 4x6cm, chụp chính diện, phông nền trắng, thời gian chụp không quá 06 tháng tính tới thời điểm nộp hồ sơ;
– Văn bản chấp thuận vị trí công việc cho phép sử dụng Người lao động nước ngoài (là kết quả của Giai đoạn 1);
– Hộ chiếu;
– Bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Quyết định thành lập của Cơ quan, tổ chức sử dụng người lao động kỹ thuật nước ngoài.
Lưu ý: Các giấy tờ của lao động kỹ thuật người nước ngoài cần phải được hợp pháp hóa lãnh sự, sau đó dịch sang tiếng Việt và công chứng, chứng thực trước khi nộp.
Xem thêm bài viết liên quan: Hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ của nước ngoài
7. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ làm giấy phép lao động cho lao động kỹ thuật nước ngoài
Sau khi chuẩn bị đủ hộ hồ sơ đã nêu tại Mục 6, công ty/doanh nghiệp nộp hồ sơ xin cấp giấy phép lao động đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương nơi công ty/doanh nghiệp đặt trụ sở.
Có một số điểm mới doanh nghiệp/ công ty cần lưu ý như sau:
– Từ ngày 18/09/2023, theo quy định tại Nghị định số 70/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 152/2020/NĐ-CP, Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế sẽ không thực thủ tục cấp giấy phép lao động đối với người nước ngoài làm việc trong khu công nghiệp, khu kinh tế như trước đây, mà các thủ tục sẽ được quy về một đầu mối là Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương nơi công ty/doanh nghiệp đặt trụ sở.
– Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2024, việc thông báo tuyển dụng người lao động Việt Nam vào các vị trí dự kiến tuyển dụng người lao động nước ngoài được thực hiện trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Cục Việc làm) hoặc Cổng thông tin điện tử của Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thành lập trong thời gian ít nhất 15 ngày kể từ ngày dự kiến báo cáo giải trình với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc.
8. Thời gian giải quyết hồ sơ là bao lâu
Điều 11 Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ đề nghị cấp giấy phép lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tiến hành cấp Giấy phép lao động theo đúng vị trí, chức danh, thời hạn làm việc của người lao động nước ngoài theo đúng công văn đã chấp thuận ở giai đoạn 1 hoặc ra thông báo, sửa đổi bổ sung hồ sơ nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định.
9. Dịch vụ làm giấy phép lao động của Công ty luật CIS
Với nội dung vừa nêu trên về thủ tục xin cấp Giấy phép lao động, có thể thấy thủ tục xin Giấy phép lao động phức tạp và mất thời gian. Nếu bạn chưa từng làm thủ tục này, khi thực hiện, bạn rất dễ bị yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ hoặc thậm chí bị từ chối hồ sơ. Do đó, bạn có thể tìm những công ty cung cấp dịch vụ xin Giấy phép lao động chuyên nghiệp để hỗ trợ bạn.
Với đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực làm Giấy phép lao động cho Người nước ngoài, Công ty Luật CIS đã hỗ trợ cho nhiều khách hàng sở hữu Giấy phép lao động. Luật sư sẽ trợ giúp bạn trong những việc sau:
– Tư vấn các thủ tục, điều kiện xin cấp Giấy phép lao động tại Việt Nam;
– Thẩm định, kiểm tra hồ sơ; – Tư vấn thủ tục, thực hiện hồ sơ xin cấp lý lịch tư pháp; – Tư vấn hồ sơ, thủ tục khám sức khỏe; – Dịch, công chứng tư pháp và hợp pháp hóa lãnh sự các tài liệu phục vụ cho việc cấp Giấy phép lao động; – Hoàn thiện hồ sơ cấp Giấy phép lao động tại Việt Nam cho khách hàng; – Thực hiện thủ tục xin cấp Giấy phép lao động tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền; – Tư vấn điều kiện thủ tục pháp lý ký hợp đồng lao động sau khi được cấp Giấy phép lao động tại Việt Nam; – Tư vấn thủ tục pháp lý về quản lý, báo cáo tình hình sử dụng lao động nước ngoài tại Việt Nam; – Gia hạn Giấy phép lao động; – Cấp đổi Giấy phép lao động; – Xin thẻ tạm trú. |
Trên đây là các hướng dẫn chi tiết về thủ tục làm Giấy phép lao động cho Lao động kỹ thuật nước ngoài năm 2023. Nếu bạn có vướng mắc, hãy liên hệ ngay với Luật sư của Công ty Luật CIS theo thông tin sau:
PHÒNG PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP – CIS LAW FIRM
109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 3911 8581 – 3911 8582 – Hotline: 0916568101
Email: info@cis.vn