Lập hợp đồng trước khi cưới? Bạn có biết

Hợp đồng tiền hôn nhân không xa lạ đối với nhiều quốc gia trên thế giới.

Trong các bộ phim bạn xem trên màn ảnh hoặc các vụ ly hôn đình đám của những người nổi tiếng, hợp đồng tiền hôn nhân thường xuyên được nhắc tới. Tuy vậy, Ở Việt Nam, hợp đồng tiền hôn nhân còn khá xa lạ.

Hiện tại, đại dịch Covid 19 ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh trong đời sống, xã hội, kinh tế, văn hóa, vân vân- và tình yêu cũng không phải ngoại lệ.

Tỷ lệ ly hôn có xu hướng gia tăng và các tranh chấp về tài sản khi ly hôn luôn là vấn đề đau đầu của những người trong cuộc. Vì vậy, một hợp đồng, một thỏa thuận, một giao kết trước khi cưới để rạch ròi về TÀI SẢN là một vấn đề mà các cặp đôi chuẩn bị kết hôn nên quan tâm.

Vậy pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về hợp đồng tiền hôn nhân?

1. Quy định về Hợp đồng tiền hôn nhân trong pháp luật Việt Nam

Luật Hôn nhân và gia đình hiện nay không có khái niệm về hợp đồng tiền hôn nhân. Hợp đồng tiền hôn nhân hay còn gọi là hợp đồng trước khi cưới chỉ là cách gọi thông thường, mang tính chất quy ước của văn bản thỏa thuận về tài sản.

Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành cho phép vợ chồng được quyền lựa chọn một trong 2 hình thức sở hữu liên quan đến tài sản sau khi kết hôn, một là chế độ tài sản theo luật định và hai là chế độ tài sản theo thỏa thuận.

Chế độ tài sản theo thỏa thuận cho phép nam nữ thỏa thuận các vấn đề liên quan đến tài sản của vợ chồng sau khi kết hôn – theo đó, họ tự thỏa thuận để xác định tài sản nào là tài sản chung, tài sản nào là tài sản riêng sau khi kết hôn. Nghĩa là, nếu có thỏa thuận, thì vợ hoặc chồng vẫn có tài sản riêng, chứ không phải của chồng công vợ như trước đây. Đây chính là cách mà chúng ta hay gọi là Hợp đồng tiền hôn nhân.

2. Các nội dung cơ bản của một Hợp đồng tiền hôn nhân

Theo Luật Hôn nhân và gia đình, Hợp đồng tiền hôn nhân phải có đầy đủ 03 điều cơ bản sau:

– Thứ nhất, phải có nguyên tắc xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng.

Ví dụ: nguyên tắc là giữa vợ và chồng không có tài sản chung mà tất cả tài sản do vợ hoặc chồng có được sau khi kết hôn là tài sản riêng của người kiếm được; Hoặc nguyên tắc là vợ chồng vừa có tài sản chung, vừa có tài sản riêng, theo đó, tài sản như thế nào thì sẽ là tài sản chung, và tài sản như thế nào sẽ là tài sản riêng.

– Nội dung cơ bản thứ hai là phải thoả thuận về quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng; và phải thỏa thuận tài sản nào để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình;

– Nội dung cuối cùng là phải thoả thuận điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản.

hop-dong-tien-hon-nhan

3. Điều kiện để hợp đồng tiền hôn nhân có hiệu lực

Hợp đồng tiền hôn nhân phải được ký trước khi kết hônphải được công chứng hoặc chứng thực tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Nội dung hợp đồng phải phù hợp với các nguyên tắc, quy định về điều kiện có hiệu lực của Bộ luật Dân sự; không vi phạm các Điều 29, 30, 31, 32 Luật Hôn nhân và gia đình; không được vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình.

4. Có nên lập hợp đồng tiền hôn nhân?

Hợp đồng tiền hôn nhân khá phổ biến ở các quốc gia phát triển, tuy nhiên ở Việt Nam, phải đến năm 2015, thì nội dung này mới được pháp luật quy định và cho phép. Phần đông tâm lý, văn hoá người Việt Nam khi đang yêu nhau, khi kết hôn rất ngại đụng chạm, đề cập đến vấn đề tiền nong, tài sản nào của anh, của em và của chúng ta. Nhiều nghĩ rằng, điều này thể hiện sự tính toán, vật chất trong chuyện tình cảm. Và cũng có nhiều người còn xem việc lập hợp đồng tiền hôn nhân là một điềm gở cho việc ly hôn.

Về mặt pháp luật, ngày nay, việc cho phép vợ chồng được thoả thuận về tài sản là một quy định tiến bộ, phù hợp với cuộc sống hiện đại và xu thế chung.

Khi ký hợp đồng tiền hôn nhân, người vợ, người chồng có thể tự do hơn trong việc sử dụng, định đoạt tài sản cá nhân, đáp ứng tốt hơn những nhu cầu riêng của mỗi người và vẫn đảm bảo lợi ích chung của gia đình.

Điểm ưu việt nhất của hợp đồng tiền hôn nhân là sẽ giúp cho cả hai bên giảm thiểu tranh chấp tài sản nếu có xảy ra việc ly hôn. Khi đó, nếu vợ chồng yêu cầu chia tài sản thì Tòa án có thể giải quyết một cách nhanh chóng, công bằng dựa trên nội dung vợ chồng đã thỏa thuận về tài sản chung, tài sản riêng, quyền và nghĩa vụ của các bên…vân vân.

hop-dong-tien-hon-nhan

Hợp đồng tiền hôn nhân không phải chỉ đặt ra đối với các cặp đôi có nhiều tài sản, mà ngay cả những cặp đôi chưa có tài sản cũng có thể lập hợp đồng này bởi cho dù bước vào hôn nhân không có nhiều tiền nhưng theo thời gian thì người ta sẽ có thêm tiền nếu chăm chỉ làm ăn.

Nhiều người ví Hợp đồng hôn nhân trước khi cưới giống lối thoát hiểm trong nhà phố, nghe như điềm gở nhưng cháy nhà mới thấy cực kỳ quan trọng.

Bên cạnh đó, hợp đồng tiền hôn nhân giúp bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba – những người có liên quan về chế độ tài sản của vợ chồng. Khi vợ chồng tham gia vào những giao dịch dân sự với bên thứ ba, nhờ có thỏa thuận rõ ràng và cụ thể về tài sản của vợ chồng mà họ có thể đánh giá được mức độ rủi ro khi họ tiến hành hoạt động mua bán, tặng cho và cầm cố tài sản.

PHÒNG PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP – CÔNG TY LUẬT CIS

109 Hoàng Sa, Phường Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
028 38257196 – 0916 568 101
Email: info@cis.vn