6 lỗi thường gặp và mức phạt khi áp dụng chỉ thị 16 về giãn cách xã hội

Trước tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch covid19, ngày càng nhiều địa phương đã áp dụng chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ để giãn cách xã hội, như: TP.HCM, Tây Ninh, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Đồng Nai, Bến Tre, Bình Thuận, Quảng Ngãi, v.v…

Theo đó, trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16, các hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu sẽ tạm dừng hoạt động, người dân được yêu cầu ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết. Để tăng cường thực thi Chỉ thị 16 và nâng cao ý thức người dân trong phòng chống dịch, nhiều địa phương đã tổ chức các đội tuần tra, giám sát, hoạt động 24/24, các trường hợp tập trung đông người và vi phạm công tác phòng, chống dịch đều bị xử lý nghiêm.

Trong bài viết này, Công ty Luật sẽ điểm qua 6 lỗi vi phạm phổ biến để mọi người cùng nắm, cần tránh vi phạm làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch và bị phạt nặng theo quy định tại Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

1. Ra đường thuộc trường hợp không “thật sự cần thiết”

Theo quy định tại chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ, người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa; các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn, tang lễ; làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và các cơ sở được phép hoạt động …

Nếu người dân đi ra ngoài, ngoài các trường hợp đã được chỉ thị 16 nêu rõ và hướng dẫn của chính quyền địa phương khi quyết định áp dụng chỉ thị 16, thì có thể bị coi là ra đường thuộc trường hợp không “thật sự cần thiết” và sẽ bị phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng (điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP)

2. Không đeo khẩu trang khi ra đường hoặc nơi làm việc

Chỉ thị 16 yêu cầu người dân ra khỏi nhà trong trường hợp thật sự cần thiết thì phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Tại các cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ được phép hoạt động phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư phòng, chống dịch theo quy định, khuyến cáo của cơ quan y tế.

Như vậy, nếu không đeo khẩu trang khi ra đường hay nơi làm việc, bạn có thể bị coi là “Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế” với mức phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng (điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP)

3. Không khai báo y tế hoặc khai báo gian dối

Đối với hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh của bản thân hoặc của người khác hoặc cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về tình trạng bệnh liên quan đến covid19 sẽ có mức xử phạt rất nặng, đó là từ 10 đến 20 triệu đồng (khoản 3 Điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-CP)

Ngoài ra, người không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối khiến lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người quy định tại Điều 240 Bộ Luật Hình sự. Theo đó, có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

4. Tụ tập ăn nhậu, đám tiệc trong mùa giãn cách

Chỉ thị của Chính phủ yêu cầu người dân không được tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

Như vậy, nếu tụ tập đông người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng để ăn nhậu hoặc tổ chức đám tiệc thì bạn có thể bị xử phạt với mức phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng cho hành vi Không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch” (điểm b khoản 5 Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP)

5. Mở cửa kinh doanh dịch vụ không thiết yếu

Chỉ thị của Chính phủ đã nêu rõ các hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu sẽ tạm dừng hoạt động. Như vậy, nếu cửa tiệm hoặc công ty của bạn không thuộc loại hình kinh doanh dịch vụ thiết yếu được phép tiếp tục hoạt động khi áp dụng giãn cách xã hội, mà vẫn cố tình mở cửa kinh doanh thì có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với cá nhân và từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm. (điểm c khoản 3 Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP)

6. Trốn cách ly tập trung hoặc đang cách ly tại nhà mà ra đường

Khi đã có quyết định cách ly y tế hoặc theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu bạn phải đi cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà do bệnh covid19 nhưng bạn cố tình trốn cách ly hoặc đang cách ly tại nhà mà bỏ đi nơi khác thì bạn có thể bị phạt tiền từ 15 đến 20 triệu đồng theo điểm b khoản 2 Điều 11 Nghị định 117/2020/NĐ-CP

Như vậy, Công ty Luật đã tổng hợp các lỗi thường mắc phải khi đang thực hiện giãn cách xã hội với các mức phạt tương ứng. Người dân nên lưu ý để tránh bị xử phạt vi phạm cũng như nâng cao công tác phòng, chống dịch, đảm bảo sức khoẻ cho bản thân và cộng đồng.

Mời bạn xem thêm thông tin theo video bên dưới:

CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 3911 8581 – 028 3911 8580
Email: info@cis.vn