Công ty nhỏ có tài sản trí tuệ gì không? Hỏi thực tế nhiều người

Tài sản sở hữu trí tuệ – một khái niệm tuy mới nhưng không mới, tuy xa mà gần, nhưng liệu chúng ta có biết được chúng ta đang có những tài sản trí tuệ nào không? Một doanh nghiệp hoặc một cơ sở sản xuất, kinh doanh thông thường sẽ có những tài sản trí tuệ gì? Loại tài sản sở hữu trí tuệ nào thì cần đăng ký để được công nhận quyền sở hữu? Nếu đăng ký thì người đăng ký cần phải lưu ý những vấn đề gì?

Hãy cùng xem qua những ý kiến thực tế của những các bạn sinh viên khoa Luật, các chuyên viên pháp lý và cả người ngoài ngành để xem họ có những suy nghĩ như thế nào và ý kiến của chuyên gia là gì các bạn nhé!

“Theo bạn, một doanh nghiệp hoặc một cơ sở sản xuất, kinh doanh thông thường sẽ có những tài sản trí tuệ gì?”

Thực tế qua khảo sát, có một số ý kiến cho rằng những tài sản trí tuệ của doanh nghiệp bao gồm: tên thương mại, bí mật kinh doanh, website, ngành nghề kinh doanh, kiểu dáng công nghiệp,… nhưng rõ ràng là cũng rất khó khăn để nêu hết được các tài sản trí tuệ thông thường mà một doanh nghiệp hay cơ sở sản xuất/kinh doanh thường hay có.

“Theo bạn, loại tài sản sở hữu trí tuệ nào thì cần đăng ký để được công nhận quyền sở hữu?”

Nhiều người cho rằng, tài sản sở hữu trí tuệ cần đăng ký để được công nhận quyền sở hữu là: tên thương mại, quyền tác giả, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu,…

Theo quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu trí tuệ theo Luật bao gồm:

  • Quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả
  • Quyền sở hữu công nghiệp (SHCN)
  • Quyền đối với giống cây trồng

Trong đó: quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả và quyền SHCN là 2 nhóm quyền phổ biến và thường gặp nhất.

– Nhóm quyền thứ nhất:

  1. Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu, bao gồm nhiều thể loại như văn học, khoa học, nghệ thuật, âm nhạc, mỹ thuật ứng dụng, nhiếp ảnh, kiến trúc, chương trình máy tính
  2. Quyền liên quan đến quyền tác giả là quyền của người biểu diễn, quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình và quyền của tổ chức phát sóng

Về cách thức xác lập quyền:

Đối với nhóm quyền tác giả thì quyền được xác lập kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện d­ưới một hình thức vật chất nhất định.

Đối với quyền liên quan thì quyền được xác lập kể từ khi cuộc biểu diễn, bản ghi và chương trình phát sóng đó được định hình mà không gây phương hại đến quyền tác giả.

Mặc dù việc đăng ký là không bắt buộc nhưng việc đăng ký sẽ giúp cho chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan có được chứng cứ có tính pháp lý rất cao để sử dụng khi có tranh chấp xảy ra sau này.

– Nhóm quyền thứ hai là quyền SHCN: Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.

Trong các đối tượng nêu trên thì sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý là những đối tượng cần phải đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì quyền của chủ sở hữu mới được công nhận xác lập.

Việc đăng ký các đối tượng SHCN sẽ giúp cho chủ sở hữu có được quyền độc quyền sử dụng, cho phép và ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng thuộc quyền của mình trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, trong tình hình hiện nay, việc đầu cơ trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ ngày càng phổ biến, rất nhiều trường hợp nhãn hiệu, kiểu dáng sản phẩm bị người không chính chủ đăng ký hòng chiếm đoạt và bán lại với giá cao chỉ vì người chủ thật sự không đăng ký hoặc chưa kịp đi đăng ký.

Để đăng ký thì người đăng ký cần phải lưu ý những vấn đề sau:

  • Thứ nhất, trước khi đăng ký nên tra cứu tình trạng và khả năng được bảo hộ một cách thật kĩ lưỡng, tốt nhất là nhờ đơn vị chuyên nghiệp thực hiện, vì không phải lúc nào các bạn nộp đơn cũng được chấp nhận, có rất nhiều điều kiện mà đối tượng đó cần đáp ứng và quan trọng nhất đó là chưa bị người khác đăng ký.
  • Thứ hai, một số đối tượng đăng ký đòi hỏi khắt khe về mặt hồ sơ (như sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp) nếu bạn chưa từng làm hồ sơ đăng ký bao giờ hoặc chưa có nhiều kinh nghiệm thì khả năng bị sửa, bổ sung hoặc trả lại hồ sơ là rất cao.
  • Thứ ba, sau khi nộp hồ sơ thì cần theo dõi xuyên suốt quá trình xử lý hồ sơ để kịp thời phản hồi cơ quan đăng ký đúng hạn, bởi vì, trong một số trường hợp, cơ quan đăng ký thông báo và ấn định một thời hạn cố định để người nộp đơn trả lời, nếu không trả lời đúng hạn hoặc trả lời không hợp lý, không thuyết phục thì hồ sơ đó có thể sẽ bị từ chối hoặc bị huỷ.
  • Thứ tư, khi kết thúc giai đoạn thẩm định, đối tượng đăng ký bị từ chối ban đầu (tức là trước khi bị cơ quan đăng ký ra Quyết định từ chối chính thức) vì lí do nào đó (ví dụ: nhãn hiệu bị tương tự gây nhầm lẫn hoặc có tính mô tả), chủ đơn sẽ cần nghiên cứu thật kĩ lý do từ chối và thực hiện giải trình nếu muốn có cơ hội được bảo hộ.
  • Thứ năm, nếu đã nhờ luật sư hoặc đơn vị dịch vụ thực hiện thủ tục, thì vì thủ tục về Sở hữu công nghiệp đòi hỏi chuyên môn rất sâu nên tốt nhất bạn nên lựa chọn những đơn vị uy tín, chuyên nghiệp, có nhiều kinh nghiệm để thực hiện, Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng chỉ có những đơn vị có giấy phép đại diện SHCN do Cục SHTT cấp thì mới được quyền cung cấp dịch vụ về SHCN, và việc uỷ quyền cho những đơn vị không phải đại diện SHCN có thể bị coi là vô hiệu và mọi rủi ro liên quan đến hồ sơ đăng ký có thể bạn sẽ tự chịu.

Vậy Theo bạn,  việc thực hiện thủ tục đăng ký các đối tượng SHCN (như nhãn hiệu, kiểu dáng sản phẩm, sáng chế/giải pháp hữu ích) có dễ dàng hay không?

Thực tế, thủ tục đăng ký thì rất dễ tuy nhiên dựa vào điều kiện bảo hộ và đánh giá, theo dõi, quản lý hồ sơ và thực hiện các nghiệp vụ liên quan thì không dễ dàng chút nào.

Chúc các bạn có được quyền sở hữu các tài sản trí tuệ cho riêng mình!

Công ty Luật HD Bản quyền Quốc tế (CIS Law Firm) là tổ chức Đại diện Sở hữu công nghiệp được chứng nhận bởi Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam. Để giải đáp thắc mắc về vấn đề bảo hộ nêu trên, Quý khách hàng xin vui lòng liên hệ thông tin bên dưới để được tư vấn và yêu cầu dịch vụ:

PHÒNG SỞ HỮU TRÍ TUỆ – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 3911 8580 – 3911 8581
Email: info@cis.vn