Hướng dẫn thủ tục đăng ký bảo hộ chương trình máy tính mới nhất năm 2023

Trong thời đại công nghệ số phát triển, chương trình máy tính hay còn gọi là phần mềm máy tính đã trở thành một yếu tố quan trọng không thể thiếu trong mọi lĩnh vực. Từ ứng dụng di động cho đến hệ thống quản lý doanh nghiệp. Phần mềm đóng vai trò tạo nên sự tiện lợi, hiệu quả và sự phát triển bền vững của nhân loại. Tuy nhiên, với sự phổ biến và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc bảo vệ quyền tác giả cho phần mềm trở thành một yếu tố quan trọng không thể bỏ qua.

Trong bài viết này, Công ty Luật CIS sẽ hướng dẫn chi tiết cho bạn đọc về Thủ tục đăng ký bảo hộ chương trình máy tính mới nhất năm 2023 để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho các nhà phát triển phần mềm.

1. Bản quyền là gì?

Bản quyền (hay còn gọi là quyền tác giả) là thuật ngữ pháp lý về nói về quyền tác giả đối với tác phẩm do mình trực tiếp sáng tạo ra hoặc quyền của tổ chức, cá nhân sở hữu tác phẩm đó.

Theo quy định Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 và 2022), các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả bao gồm:

Điều 14. Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả

1. Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:

a) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;

b) Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;

c) Tác phẩm báo chí;

d) Tác phẩm âm nhạc;

đ) Tác phẩm sân khấu;

e) Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);

g) Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;

h) Tác phẩm nhiếp ảnh;

i) Tác phẩm kiến trúc;

k) Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc,công trình khoa học;

l) Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;

m) Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.

2. Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ theo quy định tại khoản 1 Điều này nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.

3. Tác phẩm được bảo hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác.

4. Chính phủ hướng dẫn cụ thể về các loại hình tác phẩm quy định tại khoản 1 Điều này

dang-ky-bao-ho-chuong-trinh-mya-tinh

2. Bảo hộ chương trình máy tính là gì?

Chương trình máy tính được định nghĩa theo Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 và 2022) là:

Chương trình máy tính là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng lệnh, mã, lược đồ hoặc dạng khác, khi gắn vào một phương tiện, thiết bị được vận hành bằng ngôn ngữ lập trình máy tính thì có khả năng làm cho máy tính hoặc thiết bị thực hiện được công việc hoặc đạt được kết quả cụ thể

Chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy.

(Điều 22 – Quyền tác giả đối với chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu)

Như vậy, chương trình máy tính là đối tượng được bảo hộ dưới hình thức bản quyền tác giả. Do đó, khi một chương trình máy tính được sáng tạo ra thì được tự động bảo hộ theo quy định của pháp luật mà không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, đã đăng ký hay chưa đăng ký

Pháp luật bản quyền tại Việt Nam không bắt buộc tác giả hay chủ sở hữu chương trình máy tính phải thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ quyền tác giả đối với chương trình máy tính. Tuy nhiên, nếu tác giả hoặc chủ sở hữu chương trình máy tính tiến hành đăng ký quyền tác giả tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả. Đây chính là cơ sở pháp lý có thể bảo vệ cho tác giả và chủ sở hữu trước những tranh chấp xảy ra.

Pháp luật bản quyền bảo hộ chương trình máy tính cho 2 chủ thể, đó là: Tác giả (là người viết lệnh, mã, lược đồ hoặc dạng khác của chương trình máy tính) và chủ sở hữu chương trình máy tính (là người sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình để sáng tạo ra phần mềm máy tính; hay tổ chức, cá nhân giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng với tác giả để tạo ra phần mềm máy tính; hay người thừa kế, người được chuyển giao phầm mềm máy tính [mua bán]). Theo đó, pháp luật bảo hộ chương trình máy tính bằng cách trao cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả các độc quyền sau:

∗ Đối với tác giả

Tác giả có các quyền nhân thân gồm:

– Đặt tên cho tác phẩm.

– Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;

– Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

∗ Đối với chủ sở hữu quyền tác giả

Chủ sở hữu quyền tác giả có các quyền tài sản bao gồm:

– Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;

– Làm tác phẩm phái sinh;

– Biểu diễn tác phẩm trước công chúng trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các bản ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào tại địa điểm mà công chúng có thể tiếp cận được nhưng công chúng không thể tự do lựa chọn thời gian và từng phần tác phẩm;

– Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào;

– Phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng thông qua bán hoặc hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác đối với bản gốc, bản sao tác phẩm dưới dạng hữu hình;

– Phát sóng, truyền đạt đến công chúng tác phẩm bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác, bao gồm cả việc cung cấp tác phẩm đến công chúng theo cách mà công chúng có thể tiếp cận được tại địa điểm và thời gian do họ lựa chọn;

– Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính, trừ trường hợp chương trình máy tính đó không phải là đối tượng chính của việc cho thuê.

3. Thủ tục đăng ký bảo hộ chương trình máy tính năm 2023 như thế nào?

Thủ tục đăng ký bảo hộ chương trình máy tính năm 2023 được thực hiện qua các bước sau:

♦ Bước 1: Chuẩn bị bộ hồ sơ được đề cập tại Mục 4.

♦ Bước 2: Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, Người nộp đơn nộp hồ sơ đến một trong các cơ quan sau:

– Cục Bản quyền tác tại Hà Nội, địa chỉ: Số 33 Ngõ 294/2 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội, TP. Hà Nội

– Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại Thành phố Hồ Chí Minh, địa chỉ: Số 170 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 6, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh.

– Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại Thành phố Đà Nẵng, địa chỉ: Số 58 Phan Chu Trinh, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

♦ Bước 3: Sau khi tiếp nhận đơn, Cục Bản quyền tác giả sẽ rà soát, phân loại, xem xét tính hợp lệ của hồ sơ:

– Cục Bản quyền tác giả sẽ thực hiện công việc rà soát, phân loại, xem xét tính hợp lệ của hồ sơ trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ.

– Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cục Bản quyền tác giả sẽ thông báo yêu cầu người nộp đơn sửa đổi, bổ sung hồ sơ. Người nộp đơn có thời hạn tối đa 01 tháng kể từ ngày nhận được thông báo để sửa đổi, bổ sung hồ sơ, trừ trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của pháp luật.

– Trường hợp Người nộp đơn không sửa đổi, bổ sung hồ sơ hoặc đã sửa đổi, bổ sung mà hồ sơ vẫn chưa hợp lệ thì Cục Bản quyền tác giả trả lại hồ sơ cho người nộp đơn.

♦ Bước 4: Cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả

Cục Bản quyền tác giả sẽ cấp Giấy chứng nhận cho người nộp đơn trong thời gian 15 ngày kể từ ngày hồ sơ hợp lệ ở Bước 3.

dich-vu-lam-the-apec

4. Hồ sơ đăng ký bảo hộ chương trình máy tính năm 2023 có gì mới?

Hồ sơ đăng ký bảo hộ chương trình máy tính theo luật mới nhất gồm các giấy tờ, tài liệu sau:

1) Tờ khai đăng ký bản quyền tác giả (Tải mẫu)

– Tờ khai phải làm bằng tiếng Việt, được chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả ký tên hoặc điểm chỉ ghi đầy đủ các thông tin như sau:

+ Người nộp đơn (tác giả/đồng tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả …);

+ Thông tin về tác phẩm: loại hình tác phẩm, tên tác phẩm, nội dung tác phẩm, …;

+ Thông tin về tác giả: họ và tên, quốc tịch, bút danh, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, số CMND/CCCD, …;

– Thông tin về chủ sở hữu quyền tác giả:

+ Cá nhân: họ và tên, quốc tịch, ngày tháng năm sinh, số CMND/CCCD, địa chỉ;

+ Tổ chức: tên tổ chức, Số GCNĐKKD, địa chỉ;

– Cơ sở phát sinh quyền sở hữu quyền tác giả;

– Thông tin bên được ủy quyền nộp hồ sơ.

2) 02 bản sao tác phẩm: Bản sao chương trình máy tính bao gồm đĩa CD có chứa chương trình máy tính đó và bản in trên khổ giấy A4 chứa toàn bộ giao diện và mã code của chương trình máy tính đó;

3) Văn bản ủy quyền nếu người nộp hồ sơ là người được tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả ủy quyền theo quy định;

4) Tài liệu chứng minh là chủ sở hữu quyền:

– Tài liệu chứng minh nhân thân đối với cá nhân: 01 bản sao Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu;

– Tài liệu chứng minh tư cách pháp lý đối với tổ chức: 01 bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy phép thành lập hoặc Quyết định thành lập;

– Tài liệu chứng minh chủ sở hữu quyền do giao nhiệm vụ sáng tạo là quyết định giao nhiệm vụ hoặc xác nhận giao nhiệm vụ cho cá nhân thuộc đơn vị, tổ chức đó;

– Tài liệu chứng minh chủ sở hữu quyền do giao kết hợp đồng sáng tạo là hợp đồng, thể lệ, quy chế tổ chức cuộc thi;

5) Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;

6) Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung;

7) Trường hợp trong tác phẩm có sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của người đó theo quy định của pháp luật.

5. Chương trình máy tính được bảo hộ bao nhiêu năm?

Quyền tác giả đối với chương trình máy tính bao gồm quyền nhân thânquyền tài sản.

Các Quyền nhân thân gồm: Đặt tên cho tác phẩm; Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; Được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, thì thời hạn bảo hộ là: vô thời hạn.

Quyền nhân thân về “Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả” và Quyền tài sản có thời hạn bảo hộ suốt đời tác giả50 năm tiếp theo năm tác giả chết.

Như vậy, bản quyền chương trình máy tính được bảo hộ trong thời gian tương đối dài, đảm bảo được quyền lợi của tác giả cũng như chủ sở hữu.

dich-vu-dang-ky-ban-quyen-thuong-hieu

6. Kinh nghiệm đăng ký bảo hộ chương trình máy tính năm 2023

Sau khi Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung ngày 01/01/2023, vào ngày 26/04/2023 Chính phủ đã cho ban hành Nghị định 17/2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan, đồng thời ngày 02/06/2023 Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng đã cho ban hành Thông tư 08/2023/TT-BVHTTDL quy định các mẫu trong hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan. Mặc dù đã có Nghị định và Thông tư hướng dẫn cho những quy định mới, tuy nhiên, thực tế khi tiến hành thủ tục đăng ký sẽ gặp không ít khó khăn cho người nộp đơn khi chuẩn bị hồ sơ.

Công ty Luật sẽ chia sẻ đến bạn đọc một số kinh nghiệm khi chuẩn bị hồ sơ đăng ký quyền tác giả nói chung và đăng ký quyền tác giả đối với chương trình máy tính nói riêng.

6.1 Tác phẩm đăng ký

– Hồ sơ mà người nộp đơn cần chuẩn bị để đăng ký quyền tác giả đã được đề cập đầy đủ tại Mục 4 trong bài viết này, trong đó có yêu cầu về tác phẩm đăng ký, cụ thể “02 bản sao tác phẩm: Bản sao chương trình máy tính bao gồm đĩa CD có chứa chương trình máy tính đó và bản in trên khổ giấy A4 chứa toàn bộ giao diện và mã code của chương trình máy tính đó;”

– Như vậy, tác phẩm đăng ký đối với chương trình máy tính sẽ bao gồm:

+ Đĩa CD có chứa toàn bộ chương trình máy tính, lưu ý 1 mặt đĩa CD dán giấy trắng ghi tên chương trình máy tính, thông tin tác giả và thông tin của chủ sở hữu quyền tác giả.

+ Bản in trên khổ giấy A4 chứa toàn bộ giao diện của chương trình máy tính và mã code của chương trình máy tính đó. Lưu ý: bản in phần mã code chương trình máy tính nếu có từ 100 trang trở lên thì in 25 trang đầu, 25 trang giữa và 25 trang cuối của phần mã code.

Thực tế đã có rất nhiều trường hợp bị kéo dài thời gian xử lý hồ sơ, thậm chí là từ chối hồ sơ khi người nộp đơn không cung cấp được tác phẩm đăng ký theo yêu cầu.

Do đó, bạn đọc cần lưu ý trường hợp này để tránh gặp rắc rối khi tự mình nộp hồ sơ mà không thông qua Tổ chức dịch vụ tư vấn quyền tác giả như Công ty Luật CIS.

6.2 Tác phẩm đăng ký có sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác.

– “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình” được quy định tại điều 32 Bộ Luật Dân sự 2015. Theo đó, khi bất kỳ ai sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác phải được sự cho phép của người đó.

– Đối với tác phẩm chương trình máy tính thông thường sẽ xuất hiện một số hình ảnh cá nhân của người khác. Việc sử dụng như vậy là vi phạm pháp luật. Do đó, để sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác vào tác phẩm của mình (kể cả trường hợp minh họa) thì cũng phải có văn bản đồng ý của người đó, bổ trợ vào bộ hồ sơ đăng ký.

Thực tế có rất nhiều chương trình máy tính đăng ký có sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác và đã bị Cục Bản quyền tác giả trả hồ sơ vì không có Văn bản đồng ý của cá nhân đó.

Do đó, nếu không có sự tham vấn từ Tổ chức dịch vụ tư vấn quyền tác giả thì người nộp đơn cần lưu ý vấn đề này để tránh bị ảnh hưởng hồ sơ đăng ký.

7. Dịch vụ đăng ký bảo hộ chương trình máy tính của Công ty Luật CIS

Với kinh nghiệm hoạt động lâu dài, các Luật sư và chuyên viên của Công ty Luật CIS đã được đào tạo chuyên sâu về bản quyền tác giả và Sở hữu trí tuệ từ Cục Bản quyền tác giả và Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), chúng tôi có đủ năng lực và kinh nghiệm để hỗ trợ bạn:

– Tư vấn đăng ký bản quyền chương trình máy tính.

– Hoàn thiện hồ sơ, theo dõi đơn đăng ký bản quyền phần mềm máy tính và phúc đáp với cơ quan đăng ký (nếu có).

– Tiếp nhận Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả chương trình máy tính.

– Khiếu nại các quyết định liên quan đến cấp giấy chứng nhận bản quyền tác giả phần mềm máy tính.

Trên đây là Hướng dẫn thủ tục đăng ký bảo hộ chương trình máy tính năm 2023. Nếu bạn muốn tư vấn hoặc muốn đăng ký bảo hộ bản quyền tác giả, Bạn vui lòng liên hệ thông tin bên dưới đây:

PHÒNG SỞ HỮU TRÍ TUỆ – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 028 3911 8580 – 091 911 8580

Email: info@cis.vn – sohuutritue@cis.vn