Hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm – Quy định của pháp luật và cách xử lý

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin trong thời đại hiện nay đặt ra thách thức lớn cho các đơn vị sản xuất phần mềm, khi mà các sản phẩm phần mềm của họ bị xâm phạm bản quyền ngày càng nhiều.

Vậy, nếu phát hiện ra bản quyền phần mềm đang bị xâm phạm, bạn cần làm gì? Cách thức xử lý như thế nào?

Mời bạn cùng xem hướng dẫn chi tiết trong bài viết dưới đây.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

1. Bản quyền phần mềm là gì?

Bản quyền phần mềm là việc bảo vệ quyền cho nhà phát triển phần mềm, chủ sở hữu phần mềm độc quyền để ngăn chặn việc sao chép trái phép phần mềm của họ.

Theo quy định tại Điều 14 và Điều 22 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019, bản quyền phần mềm được bảo hộ dưới hình thức quyền tác giả chương trình máy tính, cụ thể như sau:

Điều 14. Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả

 1. Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:

m) Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu. 

Điều 22. Quyền tác giả đối với chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu

1. Chương trình máy tính là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác, khi gắn vào một phương tiện mà máy tính đọc được, có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể.

Chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy.

2. Hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm là gì?

Hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm là các hành vi sử dụng, sao chép, sửa chữa, xuyên tạc trái phép phần mềm của người khác.

Một số vụ việc điển hình liên quan đến xâm phạm bản quyền phần mềm có thể kể đến như:

  • Oracle kiện Google với cáo buộc vi phạm bản quyền Java;
  • Apple kiện Microsoft cáo buộc về hành vi xâm phạm bản quyền MAC;
  • Công ty tin học Lạc Việt và Công ty Microsoft Việt Nam khởi kiện Công ty TNHH Quốc tế Gold Long John Đồng Nai Việt Nam vì cho rằng có hành vi sử dụng phần mềm bất hợp pháp.

3. Quy định của pháp luật về hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm

– Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019;

– Nghị định 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ;

– Nghị định 119/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ;

– Nghị định 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan;

– Nghị định 28/2017/NĐ-CP ngày 20/3/2017 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

4. Một số hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm phổ biến.

Hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm hiện nay diễn ra rất phổ biến và vô cùng tinh vi.

Một số hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm thường gặp như: tải về và sử dụng phần mềm crack (bẻ khóa), phần mềm lậu, cài đặt phần mềm và đăng tải phần mềm lên các trang web để bán, …

5. Liên minh phần mềm BSA là gì và họ hoạt động như thế nào?

Liên minh phần mềm (BSA) là tổ chức chuyên thúc đẩy sử dụng phần mềm hợp pháp, ủng hộ các chính sách thúc đẩy đổi mới công nghệ và tăng trưởng trong nền kinh tế kỹ thuật số. Một số thành viên tiêu biểu của BSA như Adobe, Autodesk, Apple, Amazon Web Services, Microsoft, Oracle, IBM, Cisco, Symantec…

BSA hỗ trợ các doanh nghiệp phần mềm trong việc phát hiện các công ty đang sử dụng phần mềm không bản quyền; phối hợp xử lý xâm phạm bản quyền phần mềm; tuyên truyền, thúc đẩy việc sử dụng phần mềm bản quyền.

6. Dấu hiệu nhận biết hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm là gì?

Các hành vi sau đây được xem là hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm:

Điều 28. Hành vi xâm phạm quyền tác giả (Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019)

1. Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học.

2. Mạo danh tác giả.

3. Công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả.

4. Công bố, phân phối tác phẩm có đồng tác giả mà không được phép của đồng tác giả đó.

5. Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

6. Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật này.

7. Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 của Luật này.

8. Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật này.

9. Cho thuê tác phẩm mà không trả tiền nhuận bút, thù lao và quyền lợi vật chất khác cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả.

10. Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

11. Xuất bản tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

12. Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.

13. Cố ý xóa, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử có trong tác phẩm.

14. Sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị đó làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.

15. Làm và bán tác phẩm mà chữ ký của tác giả bị giả mạo.

16. Xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối bản sao tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

7. Làm gì khi phát hiện có hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm?

Khi phát hiện hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm, bạn có thể gửi thông báo bằng văn bản (như Thư khuyến cáo) đến Bên có hành vi xâm phạm để yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm, nội dung văn bản này phải có căn cứ phát sinh quyền đối với bản quyền phần mềm của bạn, Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, phạm vi bảo hộ và đưa ra thời hạn hợp lý để Bên xâm phạm chấm dứt hành vi xâm phạm.

dang-ky-ban-quyen-phan-mem
Hình ảnh: Đăng ký bản quyền phần mềm

Điều này được quy định cụ thể tại Khoản 3 Điều 21 Nghị định 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006

Điều 21. Thực hiện quyền tự bảo vệ

3. Việc yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 198 của Luật Sở hữu trí tuệ do chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thực hiện bằng cách thông báo bằng văn bản cho người xâm phạm. Trong văn bản thông báo phải có các thông tin chỉ dẫn về căn cứ phát sinh, Văn bằng bảo hộ, phạm vi, thời hạn bảo hộ và phải ấn định một thời hạn hợp lý để người xâm phạm chấm dứt hành vi xâm phạm.

Nếu quá thời hạn trên mà Bên xâm phạm vẫn tiếp tục hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm, bạn có thể gửi đơn yêu cầu xử lý bằng biện pháp hành chính (như hướng dẫn tại Mục 8), hoặc xử lý bằng biện pháp dân sự (như hướng dẫn tại Mục 9), phù hợp với các quyền tự bảo vệ Chủ sở hữu bản quyền phần mềm theo quy định, cụ thể như sau:

Điều 198. Quyền tự bảo vệ (Luật Sở hữu trí tuệ 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019)

1. Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình:

a) Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;

b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;

c) Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

d) Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Tuy nhiên, do việc xử lý xâm phạm bản quyền phần mềm vô cùng phức tạp và đòi hỏi có kiến thức, kinh nghiệm chuyên sâu, vì vậy, bạn nên hỏi ý kiến Luật sư có chuyên môn trong lĩnh vực xử lý xâm phạm bản quyền để tư vấn cụ thể cho bạn trong từng trường hợp.

8. Quy trình yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm bằng biện pháp hành chính.

♦ Xử lý hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm bằng biện pháp hành chính là gì?

Xử lý hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm bằng biện pháp hành chính là việc Chủ sở hữu bản quyền phần mềm yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm như lập biên bản vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính như phạt tiền, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả…

Quy định pháp luật về xử lý hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm bằng biện pháp hành chính cụ thể như sau:

Điều 211. Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt vi phạm hành chính (Luật Sở hữu trí tuệ 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019)

1. Tổ chức, cá nhân thực hiện một trong các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sau đây bị xử phạt vi phạm hành chính:

a) Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội;

b) Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 của Luật này hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này;

c) Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ tem, nhãn hoặc vật phẩm khác mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý giả mạo hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này.

2. Chính phủ quy định cụ thể về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt vi phạm hành chính, hình thức, mức phạt và thủ tục xử phạt.

3. Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.

♦ Cơ quan có thẩm quyền xử lý xâm phạm bản quyền phần mềm

Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý xâm phạm bản quyền phần mềm gồm các cơ quan sau đây:

Điều 200. Thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Luật Sở hữu trí tuệ 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019)

1. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cơ quan Tòa án, Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

2. Việc áp dụng biện pháp dân sự, hình sự thuộc thẩm quyền của Tòa án. Trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.

3. Việc áp dụng biện pháp hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan Thanh tra, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Ủy ban nhân dân các cấp. Trong trường hợp cần thiết, các cơ quan này có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.

4. Việc áp dụng biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ thuộc thẩm quyền của cơ quan hải quan.

♦ Quy trình yêu cầu xử lý xâm phạm bản quyền phần mềm bằng biện pháp hành chính;

Khi tiến hành nộp hồ sơ yêu cầu xử lý xâm phạm bản quyền phần mềm, Người yêu cầu phải chuẩn bị hồ sơ tài liệu như sau:

– Đơn yêu cầu xử lý xâm phạm, trong đó, nêu rõ tên, địa chỉ của người yêu cầu, cơ quan nhận yêu cầu, tên, địa chỉ bên xâm phạm, tóm tắt về hành vi xâm phạm, nội dung yêu cầu xử lý …

– Tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn như: tài liệu chứng minh chủ thể quyền, chứng cứ chứng minh có hành vi xâm phạm, bản sao thông báo văn bản đã gửi cho bên xâm phạm (như đã nêu ở Mục 5), chứng cứ chứng minh thiệt hại…

Các nội dung nêu trên được quy định tại Điều 22, 23, 24, 25, 26 và 27 Nghị định 105/2006/NĐ-CP.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 26 Nghị định 105/2006/NĐ-CP, Người yêu cầu xử lý xâm phạm bản quyền phần mềm phải đảm bảo và chịu trách nhiệm về sự trung thực của các thông tin, tài liệu mà mình cung cấp trong hồ sơ yêu cầu xử lý xâm phạm bản quyền phần mềm. Nếu lợi dụng quyền yêu cầu xử lý xâm phạm nhằm mục đích không lành mạnh, gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác thì phải bồi thường thiệt hại.

Điều 26. Trách nhiệm của người yêu cầu xử lý xâm phạm (Nghị định 105/2006/NĐ-CP)

1. Người yêu cầu xử lý xâm phạm phải bảo đảm và chịu trách nhiệm về sự trung thực của các thông tin, tài liệu, chứng cứ mà mình cung cấp.

2. Người yêu cầu xử lý xâm phạm lợi dụng quyền yêu cầu xử lý xâm phạm nhằm mục đích không lành mạnh, gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác thì phải bồi thường thiệt hại.

Quy trình yêu cầu xử lý xâm phạm bản quyền phần mềm được quy định tại Điều 27 Nghị định 105/2006/NĐ-CP quy định về như sau:

Điều 27. Nộp đơn và giải quyết đơn yêu cầu xử lý xâm phạm

1. Đơn yêu cầu xử lý xâm phạm được nộp cho cơ quan có thẩm quyền xử lý xâm phạm quy định tại Điều 200 của Luật Sở hữu trí tuệ (sau đây gọi là cơ quan xử lý xâm phạm).

2. Khi nhận được đơn yêu cầu xử lý xâm phạm, nếu thấy yêu cầu xử lý xâm phạm thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan khác, thì cơ quan nhận đơn hướng dẫn để người nộp đơn thực hiện việc nộp đơn tại cơ quan có thẩm quyền hoặc chuyển đơn cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết trong thời hạn mười ngày kể từ ngày nhận đơn.

3. Trong trường hợp đơn yêu cầu xử lý xâm phạm chưa đủ tài liệu, chứng cứ, hiện vật cần thiết, thì cơ quan xử lý xâm phạm yêu cầu người nộp đơn bổ sung tài liệu, chứng cứ và ấn định thời hạn hợp lý nhưng không quá ba mươi ngày để người yêu cầu xử lý xâm phạm bổ sung tài liệu, chứng cứ cần thiết.

4. Trong các trường hợp sau đây, cơ quan xử lý xâm phạm từ chối yêu cầu xử lý xâm phạm, có nêu rõ lý do từ chối:

a) Hết thời hạn ấn định quy định tại khoản 3 Điều này mà người yêu cầu xử lý xâm phạm không đáp ứng yêu cầu của cơ quan xử lý xâm phạm về việc bổ sung tài liệu, chứng cứ, hiện vật có liên quan;

b) Hết thời hiệu xử lý xâm phạm theo quy định pháp luật;

c) Kết quả xác minh của cơ quan xử lý xâm phạm hoặc cơ quan công an cho thấy không có xâm phạm như mô tả trong đơn yêu cầu xử lý xâm phạm;

d) Có văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc không đủ căn cứ xử lý xâm phạm.

5. Trong trường hợp có tranh chấp, khiếu nại về chủ thể quyền, khả năng bảo hộ, phạm vi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cơ quan đã nhận đơn yêu cầu xử lý xâm phạm hướng dẫn người nộp đơn tiến hành thủ tục yêu cầu giải quyết tranh chấp, khiếu nại tại cơ quan có thẩm quyền trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày phát sinh tranh chấp.

♦ Hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm bị phạt bao nhiêu tiền?

Tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm và yêu cầu của Bên bị xâm phạm thì Bên có hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt như: phạt tiền, các hình thức phạt bổ sung, các biện pháp khắc phục hậu quả. Cụ thể quy định tại Điều 214 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019 và Điều 2 Nghị định 131/2013/NĐ-CP như sau:

Điều 214. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả (Luật Sở hữu trí tuệ 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019)

1. Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ quy định tại khoản 1 Điều 211 của Luật này bị buộc phải chấm dứt hành vi xâm phạm và bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền.

2. Tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Tịch thu hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ;

b) Đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đã xảy ra vi phạm.

3. Ngoài các hình thức xử phạt quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn có thể bị áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Buộc tiêu hủy hoặc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ;

b) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với hàng hóa quá cảnh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ, phương tiện, nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ sau khi đã loại bỏ các yếu tố vi phạm trên hàng hóa.

4. Mức phạt, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Điều 2. Quy định khung phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức (Nghị định 131/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013)

1. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đối với cá nhân là 250.000.000 đồng, đối với tổ chức là 500.000.000 đồng.

2. Khung phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là khung phạt tiền áp dụng đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 5; Khoản 1 và Điểm b Khoản 2 Điều 7 Nghị định này. Đối với cùng một hành vi vi phạm, khung phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần khung phạt tiền đối với cá nhân.

3. Thẩm quyền phạt tiền của các chức danh quy định tại Chương III Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với cá nhân. Thẩm quyền phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân.

9. Quy trình yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm bằng biện pháp dân sự.

♦ Xử lý hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm bằng biện pháp dân sự là gì?

Xử lý hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm bằng biện pháp dân sự là việc Bên bị vi phạm khởi kiện Bên bị nghi ngờ có hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm và yêu cầu áp dụng các biện pháp dân sự. Xử lý hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm bằng biện pháp dân sự được quy định cụ thể như sau:

Điều 202. Các biện pháp dân sự (Luật Sở hữu trí tuệ 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019)

Tòa án áp dụng các biện pháp dân sự sau đây để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ:

1. Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;

2. Buộc xin lỗi, cải chính công khai;

3. Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;

4. Buộc bồi thường thiệt hại;

5. Buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.

♦ Cơ quan có thẩm quyền xử lý xâm phạm bản quyền phần mềm

Theo quy định tại Điều 200 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019, cơ quan có thẩm quyền xử lý xâm phạm bản quyền phần mềm bằng biện pháp dân sự là Tòa án. Cụ thể quy định như sau:

Điều 200. Thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

2. Việc áp dụng biện pháp dân sự, hình sự thuộc thẩm quyền của Tòa án. Trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.

♦ Hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm phải bồi thường bao nhiêu tiền?

Theo quy định, số tiền bồi thường khi xâm phạm bản quyền phần mềm sẽ phụ thuộc vào tài liệu chứng minh, chứng cứ của Nguyên đơn (tức là bên bị xâm phạm), như: chứng minh tổng thiệt hại vật chất, thiệt hại về tinh thần, giá chuyển giao quyền sử dụng …

Trường hợp không thể xác định được mức bồi thường thiệt hại vật chất thì sẽ do Tòa án ấn định mức bồi thường thiệt hại, tùy thuộc vào mức độ thiệt hại, nhưng không quá 500.000.000 đồng.

Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần (nếu có) thì mức yêu cầu bồi thường là từ 5.000.000 – 50.000.000 đồng.

Ngoài ra, bạn cũng có quyền yêu cầu bên xâm phạm bản quyền phần mềm thanh toán chi phí hợp lý để thuê luật sư.

Quy định cụ thể tại Điều 205 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019 như sau:

Điều 205. Căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

1. Trong trường hợp nguyên đơn chứng minh được hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã gây thiệt hại về vật chất cho mình thì có quyền yêu cầu Tòa án quyết định mức bồi thường theo một trong các căn cứ sau đây:

a) Tổng thiệt hại vật chất tính bằng tiền cộng với khoản lợi nhuận mà bị đơn đã thu được do thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nếu khoản lợi nhuận bị giảm sút của nguyên đơn chưa được tính vào tổng thiệt hại vật chất;

b) Giá chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ với giả định bị đơn được nguyên đơn chuyển giao quyền sử dụng đối tượng đó theo hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ trong phạm vi tương ứng với hành vi xâm phạm đã thực hiện;

c) Thiệt hại vật chất theo các cách tính khác do chủ thể quyền sở hữu trí tuệ đưa ra phù hợp với quy định của pháp luật;

d) Trong trường hợp không thể xác định được mức bồi thường thiệt hại về vật chất theo các căn cứ quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì mức bồi thường thiệt hại về vật chất do Tòa án ấn định, tùy thuộc vào mức độ thiệt hại, nhưng không quá năm trăm triệu đồng.

2. Trong trường hợp nguyên đơn chứng minh được hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã gây thiệt hại về tinh thần cho mình thì có quyền yêu cầu Tòa án quyết định mức bồi thường trong giới hạn từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tùy thuộc vào mức độ thiệt hại.

3. Ngoài khoản bồi thường thiệt hại quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền yêu cầu Tòa án buộc tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải thanh toán chi phí hợp lý để thuê luật sư.

10. Kinh nghiệm xử lý hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm

Ngay khi phát hiện ra có hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm, khi gửi đơn yêu cầu xử lý xâm phạm bản quyền phần mềm hay gửi đơn kiện, bạn phải chứng minh với cơ quan chức năng rằng bạn là chủ sở hữu của bản quyền phần mềm đó.

Tài liệu thông thường được sử dụng để chứng minh chính là Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, và nếu muốn được cấp Giấy này thì bạn phải làm thủ tục đăng ký bản quyền phần mềm.

 

Mặc dù, đăng ký bản quyền phần mềm không phải là thủ tục bắt buộc, tuy nhiên, khi đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả thì bạn không phải chứng minh bản quyền phần mềm thuộc sở hữu của bạn, trừ khi có chứng cứ ngược lại. Điều này được quy định cụ thể tại Khoản 3 Điều 49 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019 như sau:

Điều 49. Đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan

3. Tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại.

Bên cạnh đó, trước khi tiến hành xử lý xâm phạm bản quyền phần mềm, bạn cần chuẩn bị thật kỹ các tài liệu chứng minh quyền, chứng cứ vi phạm, yêu cầu xử lý…, các tài liệu này phải được chuẩn bị một cách đầy đủ theo quy định cả về hình thức và nội dung. Việc này đòi hỏi kiến thức chuyên môn cũng như kỹ năng, kinh nghiệm thực tế thì mới có thể đánh giá và tiến hành xử lý được. Do vậy, chúng tôi khuyên bạn nên tìm một Công ty luật hoặc một Tổ chức chuyên nghiệp có nhiều kinh nghiệm để họ nghiên cứu, tư vấn cho bạn

11. Dịch vụ yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm của Công ty Luật CIS

Luật sư và chuyên viên của Công ty Luật CIS đã được đào tạo chuyên sâu về bản quyền và Sở hữu trí tuệ từ Cục Sở hữu trí tuệ và Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), Chúng tôi có đủ năng lực và kinh nghiệm để hỗ trợ bạn:

♦ Nghiên cứu, tư vấn tình trạng pháp lý và đề xuất giải pháp liên quan đến xử lý hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm;

♦ Tư vấn, đại diện thực hiện xử lý hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm bằng biện pháp hành chính;

♦ Tư vấn, đại diện thực hiện xử lý hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm bằng biện pháp dân sự (khởi kiện).

Nếu bạn muốn tư vấn về xử lý hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm, Bạn vui lòng liên hệ thông tin bên dưới đây:

PHÒNG SỞ HỮU TRÍ TUỆ – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 3911 8580 – 091 911 8580
Email: 
info@cis.vn – sohuutritue@cis.vn