Hộ kinh doanh khác gì với Doanh nghiệp tư nhân?

Có thể nói, Hộ kinh doanh và Doanh nghiệp tư nhân là hai loại hình kinh doanh khá đơn giản, dễ quản lý và khá phổ biến tại Việt Nam.

Hộ kinh doanh và doanh nghiệp tư nhân có gì giống và khác nhau, nên đăng ký hộ kinh doanh hay thành lập doanh nghiệp tư nhân. Hãy cùng tìm hiểu nội dung này qua bài viết dưới đây.

1. Hộ kinh doanh

Hộ kinh doanh là một hình thức kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên của một hộ gia đình thành lập và tiến hành đăng ký kinh doanh theo trình tự, thủ tục luật định để tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hộ kinh doanh được quy định tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp:

Điều 79. Hộ kinh doanh

1. Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ.

Cá nhân hoặc thành viên hộ gia đình muốn đăng ký hộ kinh phải là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Chủ hộ kinh doanh là cá nhân đăng ký hộ kinh doanh hoặc người được các thành viên Hộ gia đình ủy quyền làm đại diện Hộ kinh doanh trong trường hợp Hộ kinh doanh do Hộ gia đình làm chủ.

Đặc điểm của Hộ kinh doanh:

– Hộ kinh doanh không có tài sản riêng, tài sản của cá nhân/thành viên Hộ gia đình thành lập Hộ kinh doanh không tách bạch với tài sản của Hộ kinh doanh.

– Hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân, không có con dấu, không được mở văn phòng đại diện, chi nhánh.

– Cá nhân/ Thành viên Hộ kinh doanh phải chịu trách nhiệm vô hạn (bằng tài sản của mình) đối với các nghĩa vụ, hoạt động của Hộ kinh doanh.

– Hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân.

Hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp.

2. Doanh nghiệp tư nhân

Doanh nghiệp tư nhân là một tổ chức kinh doanh do một cá nhân thành lập và tiến hành đăng ký kinh doanh theo trình tự, thủ tục luật định để tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp tư nhân được quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020:

Điều 188. Doanh nghiệp tư nhân

1. Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

Đặc điểm của doanh nghiệp tư nhân:

Doanh nghiệp tư nhân là một loại hình doanh nghiệp do cá nhân làm chủ.

Doanh nghiệp tư nhân là tổ chức có tài sản, có trụ sở giao dịch và phải hoạt động tuân thủ theo quy định của pháp luật liên doanh đến doanh nghiệp.

– Chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động của doanh nghiệp.

– Tương tự với Hộ kinh doanh, Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân.

3. Điểm khác biệt giữa Hộ kinh doanh và Doanh nghiệp tư nhân

Các điểm khác biệt cơ bản giữa Hộ kinh doanh và Doanh nghiệp tư nhân như sau:

Hộ kinh doanh Doanh nghiệp tư nhân
Người thành lập – Cá nhân, thành viên hộ gia đình là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự. – Cá nhân.

– Không thuộc các trường hợp bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Quy mô – Quy mô nhỏ lẻ, manh mún, ít vốn.

– Không được thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, diện nhưng được phép hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm.

– Lớn hơn Hộ kinh doanh.

– Có thể thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.

Cơ cấu tổ chức – Không yêu cầu về tổ chức quản lý. – Chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân.

– Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể trực tiếp hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc để quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh.

Con dấu – Không có con dấu. – Có con dấu.
Thuế – Thường đăng ký thuế khoán.

– Không được phát hành và xuất hóa đơn thuế giá trị gia tăng (hóa đơn đỏ).

– Thường đăng ký theo hình thức tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ hoặc tính thuế trực tiếp.

– Được phát hành và xuất hóa đơn thuế giá trị gia tăng (hóa đơn đỏ).

Cơ quan cấp phép hoạt động – Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đặt trụ sở Hộ kinh doanh. – Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp tỉnh nơi đặt trụ sở.

4. Nên mở Hộ kinh doanh hay thành lập Doanh nghiệp tư nhân

Hộ kinh doanh với ưu điểm là ít người, đơn giản, dễ quản lý, chứng từ sổ sách kế toán đơn giản, nộp thuế khoán ít, phù hợp với cá nhân, hộ gia đình khởi nghiệp hoặc kinh doanh nhỏ lẻ, vốn ít, không yêu cầu về cơ cấu tổ chức quản trị rõ ràng, không có kế hoạch mở rộng quy mô trong tương lai. Tuy nhiên cũng vì quy mô nhỏ nên không dễ huy động vốn hay mở rộng quy mô kinh doanh, và thành viên hộ kinh doanh phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình.

Doanh nghiệp tư nhân là quy mô kinh doanh lớn hơn Hộ kinh doanh, hoạt động tương đối đơn giản, tạo được sự tin tưởng của khách hàng, đối tác, ít chịu sự ràng buộc chặt chẽ bởi pháp luật như các doanh nghiệp quy mô lớn hơn, và có thể mở rộng phạm vi sản xuất kinh doanh thông qua việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh. Tuy nhiên, Công ty phải tuân thủ chế độ kế toán, sổ sách, chứng từ theo quy định, tuân thủ các quy định về bảo hiểm xã hội, lao động đối với người lao động và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Mỗi loại hình kinh doanh đều có các ưu điểm và nhược điểm. Câu trả lời cho câu hỏi nên mở Hộ kinh doanh hay thành lập Doanh nghiệp tư nhân phụ thuộc vào quy mô hoạt động, khả năng tài chính, nhu cầu và phương hướng kinh doanh của bạn.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về Hộ kinh doanh và Doanh nghiệp tư nhân. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác hãy liên hệ ngay với Luật sư của Công ty Luật CIS theo thông tin sau:

CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 3911 8581 – 3911 8582             Hotline: 0916 568 101
Email: info@cis.vn