Còn trẻ khỏe thì có nên lập DI CHÚC không? Lập di chúc như thế nào?

Khi nói về việc người trẻ lập di chúc, nhiều người sẽ cảm thấy đây là việc làm quá “lo xa”, theo đó, chỉ nên lập di chúc khi chúng ta già, yếu hoặc khi bị các bệnh nan y mà thôi.

Tuy nhiên, cuộc sống không phải lúc nào cũng theo quy luật sinh- lão- bệnh- tử.

Thật vậy, đợt dịch Covid vừa qua, hơn 40 ngàn người Việt Nam đã tử vong, trong đó, rất nhiều trường hợp ra đi khi tuổi đời còn khá trẻ. Hay vụ cháy quán Karaoke ở Bình Dương, đã cướp đi sinh mạng của 33 người và những nạn nhân này chưa thuộc tuổi già. Và còn nhiều rủi ro khác trong cuộc sống mà ta không lường trước được. Vậy người trẻ lập di chúc có phải là việc làm quá lo xa không?

Dù ai lập di chúc, người già hay người trẻ, người mạnh khỏe hay người đang mắc các bệnh nan y, thì lập di chúc là việc quyết định, việc định đoạt rằng tài sản của bạn, bạn sẽ cho ai sau khi mất. Như vậy, di chúc thể hiện quyền quyết định của người có tài sản, ngay cả khi người ấy mất. Việc lập di chúc cũng tránh các tranh chấp, xào xáo trong gia đình về việc tranh giành tài sản, vì mọi thứ đã được định đoạt rồi.

Bởi vì di chúc là văn bản có giá trị, dùng làm căn cứ để phân chia di sản, đặc biệt là những tài sản có giá trị cao như nhà, đất nên pháp luật có những quy định rất chặt chẽ về nội dung lẫn hình thức của di chúc. Nếu lập di chúc không đúng quy định thì di chúc đó có thể không có hiệu lực và không được sử dụng.

Trong bài viết này, Công ty Luật CIS sẽ hướng dẫn cho Quý cô chú, các anh chị và các bạn một số vấn đề cơ bản khi lập di chúc và cách lập di chúc đảm bảo tính pháp lý.

1. Di chúc là gì?

Di chúc là sự thể hiện mong muốn, nguyện vọng, quyết định của một người về việc định đoạt tài sản của họ sau khi họ qua đời. Theo đó, người lập di chúc sẽ:

– Quyết định ai được hưởng thừa kế, ai không được hưởng thừa kế;

– Quyết định phần tài sản của từng người mà họ muốn để lại.

– Quyết định dành một phần tài sản của họ thờ cúng.

– Quyết định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

tre-khoe-co-nen-lap-di-chuc

2. Ai được quyền lập di chúc?

Theo quy định tại Điều 625 Bộ luật Dân sự 2015, người được lập di chúc là:

– Người đã thành niên, hoặc là Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

Như vậy, người lập di chúc phải là người từ đủ 15 tuổi trở lên.

Điều 625. Người lập di chúc (Bộ luật Dân sự 2015)

1. Người thành niên có đủ điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 630 của Bộ luật này có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình.

2. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

dich-vu-lam-the-apec

3. Có bắt buộc phải có người làm chứng không?

Về vấn đề làm chứng khi lập di chúc thì pháp luật không bắt buộc.

Nhưng bởi vì di chúc là văn bản thể hiện quyết định của một người, do đó, để không có những tranh cãi về việc đây có thực sự là di chúc của người chết không, thì việc có người làm chứng sẽ giải quyết được tranh cãi này.

Nếu có người làm chứng thì theo quy định tại Điều 632 Bộ luật Dân sự 2015, không được chọn những người sau đây làm người làm chứng, đó là:

– Thứ nhất là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc, hiểu đơn giản, người làm chứng là không được hưởng tài sản của bạn.

– Thứ hai là người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc.

– Thứ 3 là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Điều 632. Người làm chứng cho việc lập di chúc (Bộ luật Dân sự 2015)

Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:

1. Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.

2. Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc.

3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

4. Lập di chúc như thế nào?

Theo quy định thì có 2 hình thức di chúc là di chúc bằng văn bản và di chúc miệng.

Di chúc bằng văn bản có 3 loại: di chúc không có người làm chứng, di chúc có người làm chứng và di chúc có công chứng, chứng thực.

Di chúc bằng văn bản phải đáp ứng các điều kiện sau:

– Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

– Di chúc bằng văn bản mà không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện chung về di chúc.

Điều 627. Hình thức của di chúc (Bộ luật Dân sự 2015)

Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.

Điều 628. Di chúc bằng văn bản (Bộ luật Dân sự 2015)

Di chúc bằng văn bản bao gồm:

1. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng.

2. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng.

3. Di chúc bằng văn bản có công chứng.

4. Di chúc bằng văn bản có chứng thực.

Điều 629. Di chúc miệng (Bộ luật Dân sự 2015)

1. Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.

2. Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.

dich-vu-dang-ky-ban-quyen-thuong-hieu

5. Nội dung di chúc

Vậy, sau khi đã tìm hiểu các quy định chung về di chúc, nếu bạn muốn viết một bản di chúc hoặc hướng dẫn cho người nhà của mình thì cần chú ý soạn ra các nội dung chủ yếu sau đây:

– Ngày, tháng, năm lập di chúc;

– Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc (ví dụ Họ tên: Nguyễn Văn A, thường trú tại: số nhà… đường…, Phường Đa Kao, Quận 1, TPHCM, CMND số… ngày cấp, nơi cấp);

– Họ, tên người được hưởng di sản (ví dụ Họ tên: bà Trần Thị B, thường trú tại: số nhà… đường…, Phường Đa Kao, Quận 1, TPHCM, CMND số… ngày cấp, nơi cấp);

– Mô tả về Di sản. Ví dụ: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại địa chỉ…, số Giấy chứng nhận :… do UBND……cấp ngày….

Các bạn có thể tải di chúc mẫu để tham khảo tại đây.

Ngoài các nội dung như vừa nêu, di chúc có thể có các nội dung khác. Bạn cần lưu ý rằng, theo quy định, di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.

Nếu di chúc có tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.

Như vậy, trong bài viết này, Công ty Luật đã nêu các quy định của pháp luật về việc lập di chúc, và cũng chia sẻ đến cô chú, các anh chị và các bạn về việc người trẻ có nên, có cần lập di chúc không. Hy vọng các thông tin trên thú vị và giúp cô chú, các anh chị và các bạn có cái nhìn khác về việc lập di chúc.

Nếu cần tư vấn các vấn đề liên quan đến di chúc, thừa kế, các bạn có thể liên hệ với Công ty Luật CIS theo thông tin sau:

CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 3911 8581 – 3911 8580
Email: info@cis.vn