Lập di chúc bằng video có hiệu lực pháp luật không?

Tình huống đưa ra: Ông A quay video với mục đích ghi lại ý nguyện của mình về việc sau khi ông qua đời, tài sản ông sẽ để lại cho ai. Ông A có 3 người con, vợ ông A mất sớm. Bà B là người ngoài gia đình, nhưng thường xuyên đến thăm nom, chăm sóc, bầu bạn với ông A, nên ông quyết định để lại tài sản cho bà B và 3 con. Vấn đề ở đây là ông A không VIẾT DI CHÚC, mà ông QUAY DI CHÚC.

Tình huống này có thể liên tưởng đến một vụ kiện gần đây, đang được rất nhiều người quan tâm, một vụ kiện tranh chấp tài sản thừa kế của một cố nghệ sĩ cải lương sau khi ông qua đời.

Bài viết này không phân tích nội dung vụ kiện đó, tuy nhiên, có một vấn đề phát lý phát sinh từ vụ kiện, đó chính là: ý nguyện hay di chúc được quay bằng video có hợp pháp không?

Mời các bạn theo dõi bài viết dưới đây để biết thêm chi tiết.

1. Lập di chúc bằng video có được coi là di chúc hợp pháp không? Có giá trị pháp lý để làm căn cứ chia gia tài theo đúng ý nguyện của người đã mất không?

Di chúc là sự thể hiện mong muốn, nguyện vọng, quyết định của một người về việc định đoạt tài sản của họ sau khi họ qua đời. Theo đó, người lập di chúc sẽ quyết định ai được hưởng và không được hưởng thừa kế; cho hưởng thì cho hưởng một phần hay toàn bộ di sản, v.v….

Và một vấn đề quan trọng mà luật có quy định là di chúc có thể được lập bằng văn bản hoặc di chúc lập bằng miệng.

Điều 627. Hình thức của di chúc (Bộ luật Dân sự 2015)

Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.

hieu-luc-phap-luat-di-chuc-video

2. Việc tự quay video thể hiện mong muốn để lại tài sản sau khi qua đời có phải là di chúc miệng hay không?

Theo quy định pháp luật, một người có thể lập di chúc bằng miệng, trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.

Di chúc miệng chỉ được coi là hợp pháp nếu người lập di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, thì người làm chứng phải ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Và trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người lập di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

Lưu ý: sau 3 tháng, kể từ thời điểm làm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ, nghĩa là không có hiệu lực.

Điều 629. Di chúc miệng (Bộ luật Dân sự 2015)

1. Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.

2. Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.

Điều 630. Di chúc hợp pháp (Bộ luật Dân sự 2015)

5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

Như vậy việc một người tự quay hay nhờ người khác quay video để ghi lại quyết định về tài sản của mình sau khi mình chết, và chỉ dừng lại ở đó, không có người làm chứng, không được ghi chép lại, không được xác nhận chữ ký và điểm chỉ của người làm chứng, thì di chúc miệng đó không có hiệu lực.

3. Di chúc lập bằng video có phải là di chúc bằng văn bản theo Luật giao dịch điện tử?

Trên cộng đồng mạng hiện nay đang có một luồng quan điểm cho rằng: di chúc lập bằng video không phải là di chúc bằng miệng, mà là di chúc bằng văn bản, vì video là vật mang thông tin dưới dạng hình ảnh, âm thanh, và theo quy định của luật giao dịch điện tử, thì video nói riêng và dữ liệu nói chung có giá trị như văn bản, điều này có nghĩa, lập di chúc bằng video có giá trị pháp lý.

Đối chiếu quy định tại khoản 5 Điều 4 Luật giao dịch điện tử:

Điều 4. Giải thích từ ngữ

5. Dữ liệu là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự

Ngoài ra, Điều 12 Luật giao dịch điện tử quy định như sau:

Điều 12. Thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản

Trường hợp pháp luật yêu cầu thông tin phải được thể hiện bằng văn bản thì thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng yêu cầu này nếu thông tin chứa trong thông điệp dữ liệu đó có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu khi cần thiết.

Quy định này áp dụng trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, đó là lý do hiện nay, càng nhiều thủ tục được triển khai làm và nộp online (trực tuyến). Luật giao dịch điện tử cũng áp dụng trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực khác, như ký kết hợp đồng, xuất hóa đơn giá trị gia tăng …đều bằng điện tử.

Tuy nhiên, mặc dù theo Luật giao dịch điện tử, video được coi là có giá trị như văn bản, nhưng Luật giao dịch điện tử KHÔNG áp dụng đối với lĩnh vực thừa kế, cụ thể quy định như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh (Luật giao dịch điện tử)

Luật này quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định.

Các quy định của Luật này không áp dụng đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá khác.

Như vậy, các văn bản liên quan đến thừa kế như di chúc bằng văn bản thì phải thể hiện bằng NGÔN NGỮ VIẾT.

Tóm lại, việc quay video để lập di chúc đến nay không được pháp luật công nhận là hợp pháp, theo đó, muốn lập di chúc, thì tốt nhất, chúng ta nên lập bằng văn bản, nghĩa là chữ viết.

Đối với di chúc bằng văn bản, chúng ta có thể thực hiện bằng 1 trong 4 hình thức sau:

– Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng;

– Di chúc bằng văn bản có người làm chứng;

– Di chúc bằng văn bản có công chứng;

– Di chúc bằng văn bản có chứng thực.

4. Việc thừa kế sẽ được giải quyết, phân xử như thế nào nếu người đó chết mà không lập di chúc bằng miệng hay bằng văn bản?

Nếu lập di chúc bằng video mà không đảm bảo điều kiện có hiệu lực của di chúc miệng như đề cập tại Mục 2, và cũng không có bản di chúc bằng văn bản nào khác, thì được xem là không có di chúc.

Khi đó, di sản sẽ được chia thừa kế theo pháp luật, cụ thể là chia theo hàng thừa kế, theo đó, những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, hay do không có quyền hưởng di sản, hay do bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản. Theo Khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định các hàng thừa kế như sau:

– Hàng thừa kế đầu tiên, luật quy định bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Nếu không có người thuộc hàng thừa kế này, thì những người ở hàng thứ kế thứ 2 sẽ được hưởng di sản.

– Hàng thừa kế thứ 2 bao gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại. Nếu không có ai trong hàng thừa kế thứ hai còn sống hoặc còn sống nhưng không có quyền hưởng thừa kế, thì những người ở hàng thứ kế thứ ba mới được hưởng di sản.

– Hàng thừa kế thứ 3 bao gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Những người thừa kế cùng hàng sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau.

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật (Bộ luật Dân sự 2015)

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Ví dụ: một người không có vợ, chồng, cha mẹ cũng đã mất trước đó, nếu người này chết mà không để lại di chúc hay chỉ quay video làm di chúc, thì xem như không có di chúc và được chia như sau: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết đều được hưởng phần di sản bằng bằng nhau. Những người này được hưởng vì không có ai thuộc hàng thừa kế đầu tiên. Thêm giả định là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại đều mất trước đó, người này chỉ có 1 người em trai và 1 người em gái, thì 2 người em đó sẽ được hưởng 50% giá trị tài sản của người chết.

Liên quan đến thủ tục nhận thừa kế khi không có di chúc, đặc biệt đối với di sản là nhà đất thì Công ty Luật đã có video giải đáp chi tiết. Các bạn quan tâm có thể xem lại video này qua đường link bên dưới: https://youtu.be/8QYDfoKt_Yo

Thời đại công nghệ phát triển, bên cạnh các giao dịch, ghi chú, lưu trữ bằng giấy tờ thì nhiều người cũng đã “chuyển đổi số”, bằng các tin nhắn, gửi email … và cũng không ít người có thói quen ghi âm, ghi hình lại những nội dung quan trọng để thuận tiện lưu trữ và sử dụng khi cần thiết.

Tuy nhiên, về vấn đề lập di chúc, pháp luật hiện hành chỉ công nhận 2 loại di chúc là di chúc bằng lời nói và di chúc bằng văn bản. Pháp luật KHÔNG công nhận giá trị pháp lý của di chúc bằng video.

♦ Video Youtube:

Trên đây là những thông tin cơ bản về việc lập di chúc bằng video. Nếu bạn có vướng mắc trong quá trình lập di chúc hay có nội dung nào chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý, hãy liên hệ ngay với Luật sư Công ty Luật CIS theo thông tin sau:

Luật sư – Công ty Luật CIS – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 028 3911 8581 – 3911 8582             Hotline: 0916.568.101

Email: info@cis.vn