Hộ kinh doanh khác gì với công ty?

Lựa chọn loại hình kinh doanh là một trong những quyết định quan trọng khi bắt đầu hoạt động kinh doanh.

Chúng ta phân vân về vệc nên đăng ký hộ kinh doanh hay thành lập công ty. Vậy hộ kinh doanh và công ty khác nhau như thế nào? Hãy tìm hiểu qua bài viết này của Công ty Luật.

1. Hộ kinh doanh là gì?

Hộ kinh doanh là một hình thức kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập. Hộ kinh doanh chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ.

Người đăng ký Hộ kinh doanh phải là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật thành lập.

Khi cá nhân đăng ký hộ kinh doanh thì cá nhân là chủ hộ kinh doanh, có toàn quyền quyết định về mọi hoạt động kinh doanh của hộ.

Khi Hộ kinh doanh do Hộ gia đình làm chủ thì các thành viên Hộ gia đình ủy quyền cho một thành viên làm đại diện Hộ kinh doanh trong các giao dịch. Người được các thành viên Hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh, các hoạt động kinh doanh của hộ do các thành viên trong hộ quyết định.

giay-chung-nhan-ho-kinh-doanh
Hình ảnh: Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh

2. Công ty là gì?

Công ty là một mô hình kinh doanh, theo đó, công ty là tổ chức kinh doanh có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch và được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm. Công ty có thể được thành lập bởi cá nhân hoặc tổ chức trong nước và nước ngoài.

Theo pháp luật, có các mô hình kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp như sau:

– Công ty trách nhiệm hữu hạn, bao gồm: công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

– Công ty cổ phần.

– Công ty hợp danh.

– Doanh nghiệp tư nhân.

3. Cơ sở pháp lý

– Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 có hiệu lực ngày 01 tháng 01 năm 2021.

– Nghị định 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 04/01/2021 quy định về đăng ký doanh nghiệp.

4. So sánh Hộ kinh doanh và Công ty

Có thể nói, điều kiện, thủ tục, hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh đơn giản hơn nhiều so với điều kiện, thủ tục, hồ sơ đăng ký thành lập công ty. Theo đó, có những khác biệt lớn như sau:

4.1. Chủ thể thành lập

– Đối với hộ kinh doanh, người thành lập hộ kinh doanh phải là cá nhân hoặc hộ gia đình, theo đó, người đăng ký hộ kinh doanh phải là công dân Việt Nam.

– Đối với công ty, người thành lập công ty có thể là cá nhân hoặc tổ chức, và cá nhân hay tổ chức đó có thể là công dân Việt Nam hay người không có quốc tịch Việt Nam.

Như vậy, có thể thấy, đối tượng được quyền đăng ký dưới hình thức hộ kinh doanh hạn chế hơn nhiều so với đối tượng được quyền đăng ký thành lập công ty.

4.2. Tư cách pháp nhân

♦ Đối với hộ kinh doanh:

Hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân do Hộ kinh doanh không có tài sản riêng. Tài sản của Hộ kinh doanh cũng chính là tài sản của cá nhân/thành viên Hộ gia đình thành lập Hộ kinh doanh. Tài sản của Hộ kinh doanh không tách bạch với tài sản của cá nhân/Hộ gia đình. Hộ kinh doanh cũng không có con dấu, không được mở văn phòng đại diện, chi nhánh.

– Cá nhân/thành viên đăng ký thành lập Hộ kinh doanh phải chịu trách nhiệm vô hạn, tức là chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình đối với các nghĩa vụ của Hộ kinh doanh.

♦ Đối với Công ty

Công ty là một tổ chức kinh doanh có tư cách pháp nhân, theo đó, Công ty có tài sản riêng, tách bạch với tài sản của thành viên hoặc cổ đông công ty. Công ty có con dấu và một cơ cấu tổ chức.

– Thành viên/ cổ đông công ty chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn đã góp vào Công ty.

5. Tổ chức hoạt động

♦ Đối với Hộ kinh doanh:

– Việc tổ chức hộ doanh khá đơn giản, theo đó, Luật không yêu cầu hộ kinh doanh phải xây dựng một bộ máy tổ chức để điều hành hộ kinh doanh. Chủ Hộ kinh doanh có thể tự mình hoặc thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của Hộ kinh doanh.

– Hộ kinh doanh không bị giới hạn số lượng lao động.

♦ Đối với Công ty:

– Công ty được tổ chức phức tạp hơn hộ kinh doanh, theo đó, từng loại hình công ty mà Luật quy định công ty phải xâm dựng một bộ máy để tổ chức, quản lý công ty, như:

+ Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thì có Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

+ Đối với Công ty cổ phần thì có Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Ban kiểm soát.

– Công ty có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật.

6. Quy mô hoạt động

– Hộ kinh doanh thường hoạt động với quy mô nhỏ lẻ. Hộ kinh doanh không được phép thành lập chi nhánh hoặc văn phòng đại diện nhưng được phép hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm. Tuy nhiên Hộ kinh doanh phải chọn một địa điểm để đăng ký trụ sở Hộ kinh doanh và phải thông báo cho Cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi tiến hành hoạt động kinh doanh đối với các địa điểm kinh doanh còn lại.

– Quy mô hoạt động của Công ty thường lớn hơn Hộ kinh doanh cả về vốn, về con người, về tài sản, về thị trường,… Công ty được quyền thành lập KHÔNG GIỚI HẠN số lượng văn phòng đại diện, chi nhánh, địa điểm kinh doanh; thậm chí có thể phát triển mở rộng phạm vi hoạt động ra nước ngoài.

7. Thủ tục thành lập

♦ Đối với Hộ kinh doanh:

Theo quy định, công dân đăng ký thành lập Hộ kinh doanh tại Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở Hộ kinh doanh.

Cụ thể có 02 cách thức để nộp hồ sơ đăng ký Hộ kinh doanh:

– Một là, nộp tại Bộ phận một cửa (bộ phận dịch vụ công) thuộc UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở Hộ kinh doanh.

– Hai là, nộp qua Cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến của tỉnh/thành phố nơi đặt trụ sở Hộ kinh doanh.

Tuy nhiên hiện nay, thủ tục đăng ký Hộ kinh doanh tại các tỉnh, thành lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh bắt buộc phải đăng ký trực tuyến.

Thời gian giải quyết là: 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.

♦ Đối với Công ty: Hiện nay, thủ tục đăng ký thành lập Công ty đã trở nên rất tiện lợi, nhanh chóng vì người dân chỉ cần thực hiện thủ tục trực tuyến qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Thời gian giải quyết là: 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.

8. Nên đăng ký hộ kinh doanh hay thành lập Công ty

Hộ kinh doanh với ưu điểm là ít người, đơn giản, dễ quản lý, chứng từ sổ sách kế toán đơn giản, nộp thuế khoán, phù hợp với cá nhân, hộ gia đình kinh doanh nhỏ lẻ, vốn ít. Tuy nhiên cũng vì quy mô nhỏ nên không dễ huy động vốn hay mở rộng quy mô kinh doanh, và thành viên hộ kinh doanh phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình.

Ngược lại, ưu điểm của Công ty là quy mô kinh doanh lớn, hoạt động rõ ràng, minh bạch, dễ dàng huy động vốn từ bên ngoài và mở rộng phạm vi sản xuất kinh doanh thông qua việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh. Tuy nhiên, Công ty phải tuân thủ chế độ kế toán, sổ sách, chứng từ theo quy định, tuân thủ các quy định về bảo hiểm xã hội, lao động đối với người lao động và các quy định pháp luật khác có liên quan. Loại hình công ty sẽ là lựa chọn phù hợp nếu bạn có khả năng tài chính, định hướng phát triển và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong tương lai.

Mỗi loại hình kinh doanh đều có các ưu điểm và nhược điểm. Câu trả lời cho câu hỏi nên mở Hộ kinh doanh hay thành lập Công ty phụ thuộc vào nhu cầu, mục đích kinh doanh và khả năng tài chính của bạn.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về Hộ kinh doanh và Công ty. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác hãy liên hệ ngay với Luật sư của Công ty Luật CIS theo thông tin sau:

CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028 3911 8581 – 3911 8582             Hotline: 0916 568 101
Email: info@cis.vn