Thủ tục đăng ký bản quyền tranh như thế nào?

Quyền tác giả là quyền được bảo hộ tự động, tuy nhiên để tránh phát sinh tranh chấp về sau, nhà nước luôn khuyến khích những người đang sở hữu tác phẩm nên tiến hành đăng ký quyền tác giả cho tác phẩm của mình. Trong đó, tranh cũng là một loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả. Nếu bạn là tác giả hoặc chủ sở hữu của những bức tranh do mình sáng tạo ra hoặc do mình sở hữu và đang có dự định thực hiện các thủ tục đăng ký bản quyền tranh cho tác phẩm của mình nhưng vẫn còn vướng mắc một số vấn đề như: trình tự đăng ký bản quyền tranh như thế nào? Thành phần hồ sơ đăng ký bản quyền trang gồm những gì? Nộp hồ sơ đăng ký bản quyền tranh ở đâu?…

Để giải đáp thắc mắc về các vấn đề này thì bài viết dưới đây của công ty Luật CIS sẽ trả lời cho bạn.

1. Bản quyền (quyền tác giả) tranh là gì?

Bản quyền (hay quyền tác giả) là một thuật ngữ pháp lý được sử dụng để mô tả quyền mà tác giả có được đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật hoặc khoa học do mình sáng tạo hoặc quyền của tổ chức, cá nhấn đối với tác phẩm mình sở hữu.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ đã được sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019 thì các tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả là:

Điều 14. Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả

1. Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:

a) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;

b) Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;

c) Tác phẩm báo chí;

d) Tác phẩm âm nhạc;

đ) Tác phẩm sân khấu;

e) Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);

g) Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;

h) Tác phẩm nhiếp ảnh;

i) Tác phẩm kiến trúc;

k) Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học;

l) Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;

m) Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.

Theo đó, tranh là một tác phẩm tạo hình theo quy định tại Khoản 1 Điều 13 Nghị định 22/2018/NĐ-CP:

Điều 13. Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng

1. Tác phẩm tạo hình quy định tại điểm g khoản 1 Điều 14 của Luật sở hữu trí tuệ là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục như: Hội họa, đồ họa, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt và các hình thức thể hiện tương tự, tồn tại dưới dạng độc bản. Riêng đối với loại hình đồ họa, có thể được thể hiện tới phiên bản thứ 50, được đánh số thứ tự có chữ ký của tác giả.

Do đó, một bức tranh sẽ được bảo hộ quyền tác giả theo quy định tại Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ. Bản quyền tranh hay nói cách khác là quyền tác giả đối với tác phẩm tranh là sự khẳng định quyền của tác giả đối với tác phẩm tranh do mình sáng tạo ra hoặc là chủ sở hữu tác phẩm đó.

thu-tuc-dang-ky-ban-quyen-tranh-nhu-the-nao

2. Đăng ký bản quyền tranh là gì?

Quyền tác giả của tác phẩm tranh phát sinh kể từ khi tác phẩm tranh được sáng tạo và được thể hiện d­ưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay ch­ưa công bố, đã đăng ký hay ch­ưa đăng ký.

Đăng ký bản quyền tranh hay đăng ký quyền tác giả đối với tranh là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền ghi nhận quyền tác giả của người sáng tạo ra tác phẩm và chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm tranh đó. Với việc ghi nhận tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả trên Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả sẽ giúp cho tác giả và chủ sở hữu có được bằng chứng sở hữu, dễ dàng xử lý các hành vi xâm pham.

giay-chung-nhan-dang-ky-quyen-tac-gia
Hình ảnh: Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả

3. Tại sao phải đăng ký bản quyền tranh?

– Đăng ký bản quyền tranh là việc làm rất cần thiết để đảm bảo cho người sáng tạo ra bức tranh đó chống lại các hành vi sử dụng trái phép tác phẩm: như sao chép, trưng bày, phân phối tác phẩm tranh đó.

– Việc đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm tranh sẽ đồng nghĩa với việc tuyên bố quyền sở hữu hợp pháp đối với tác phẩm. Nếu người khác muốn sử dụng hoặc sao chép thì phải có sự đồng ý của chủ sở hữu. Trong trường hợp có tranh chấp xảy ra, tác giả hoặc chủ sở hữu chứng minh quyền sở hữu của mình thông qua Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.

Với những lợi ích nêu trên, tác giả, chủ sở hữu tác phẩm tranh nên tiến hành làm thủ tục đăng ký bản quyền tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tác phẩm của mình được bảo hộ một cách tốt nhất, chống lại các hành vi xâm phạm.

4. Thủ tục đăng ký bản quyền tranh như thế nào?

Theo quy định pháp luật hiện hành và đúc kết kinh nghiệm thực tế của Công ty Luật CIS, thủ tục và quy trình đăng ký bản quyền tranh tại Việt Nam sẽ gồm có 3 bước như sau:

Bước 1: Soạn thảo hồ sơ đăng ký bản quyền tranh

Sau khi hoàn thành tác phẩm, tác giả, chủ sở hữu tác phẩm tranh tiến hành soạn thảo hồ sơ đăng ký bản quyền tranh theo hướng dẫn ở Mục 5 bên dưới và chọn một trong các cách thức được liệt kê ở Mục 8 để nộp hồ sơ đăng ký bản quyền tranh.

Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký bản quyền tranh

Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả nộp trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả tại Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Lưu ý: Hồ sơ cũng có thể nộp qua đường bưu điện.

Bước 3: Cục Bản quyền tác giả thẩm định hồ sơ và cấp giấy chứng nhận

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn hợp lệ, Cục Bản quyền có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả.

Trong trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả thì Cục Bản quyền tác giả phải thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn.

5. Hồ sơ đăng ký bản quyền tranh gồm những gì?

Hồ sơ đăng ký bản quyền tranh gồm có:

1) Tờ khai đăng ký quyền tác giả (tải về tại đây);

2) CMND/CCCD của tác giả;

3) CMND/CCCD của Chủ sở hữu quyền tác giả nếu là cá nhân hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nếu là Công ty;

4) Bản sao Tác phẩm tranh muốn đăng ký;

5) Giấy uỷ quyền, nếu người nộp hồ sơ là người được uỷ quyền;

6) Tài liệu chứng minh quyền nộp hồ sơ, nếu người nộp hồ sơ thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa;

7) Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;

8) Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả thuộc sở hữu chung.

dich-vu-lam-the-apec

6. Thời hạn cấp Giấy chứng nhận bản quyền tranh

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn hợp lệ, Cục Bản quyền có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm tranh cho tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả.

7. Bản quyền tranh được bảo hộ bao nhiêu năm?

– Quyền đứng tên cho tác phẩm tranh; quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm tranh, được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm tranh được công bố, sử dụng; quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm tranh, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm tranh dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả thì được bảo hộ vô thời hạn.

– Quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm tranh và quyền tài sản có thời hạn bảo hộ như sau:

+ Tác phẩm tranh thuộc loại hình tác phẩm tạo hình có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết;

+ Trường hợp tác phẩm tranh có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết.

– Thời hạn bảo hộ chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ quyền tác giả.

8. Nộp hồ sơ đăng ký bản quyền tranh ở đâu?

Hiện nay, khi đăng ký bản quyền tranh, bạn có thể nộp hồ sơ theo 2 cách sau:

Cách 1: Nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính

Nộp hồ sơ đăng bản quyền tranh trực tiếp hoặc qua dịch vụ của bưu điện đến một trong các điểm tiếp nhận đơn của Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, dưới đây:

– Trụ sở Cục Bản quyền tác giả. Địa chỉ: Số 33 Ngõ 294/2 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội, TP. Hà Nội.

– Văn phòng đại diện Cục Bản quyền tác giả tại TP. HCM. Địa chỉ: Số 170 Nguyễn Đình Chiểu, P. 6, Q. 3, TP. Hồ Chí Minh.

– Văn phòng đại diện Cục Bản quyền tác giả tại TP Đà Nẵng. Địa chỉ: Số 58 Phan Chu Trinh, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

Cách 2: Nộp hồ sơ thông qua Tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan

Bạn có thể nộp hồ sơ thông qua tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan như Công ty Luật CIS. Theo đó, bạn chỉ cần ký Giấy ủy quyền, mọi giấy tờ và giao dịch với Cục Bản quyền tác giả sẽ do tổ chức này chủ động thực hiện.

dich-vu-dang-ky-ban-quyen-thuong-hieu

9. Dịch vụ đăng ký bản quyền tranh của Công ty Luật CIS

Với kinh nghiệm hoạt động lâu dài, các Luật sư và chuyên viên của Công ty Luật CIS đã được đào tạo chuyên sâu về bản quyền tác giả và Sở hữu trí tuệ từ Cục Sở hữu trí tuệ và Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), chúng tôi có đủ năng lực và kinh nghiệm để hỗ trợ bạn:

– Tư vấn đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm tranh.

– Hoàn thiện hồ sơ, theo dõi đơn đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm tranh và phúc đáp với cơ quan đăng ký (nếu có).

– Tiếp nhận Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.

– Khiếu nại các quyết định liên quan đến cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.

Trên đây là hướng dẫn chi tiết của Công ty Luật CIS về Thủ tục đăng ký bản quyền tranh. Nếu bạn có vướng mắc trong quá trình đăng ký bản quyền tranh hay bạn có nội dung nào chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý, hãy liên hệ ngay với Luật sư Công ty Luật CIS theo thông tin sau:

PHÒNG SỞ HỮU TRÍ TUỆ – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3911.8581 – 3911.8582             Hotline: 0916.568.101
Email: info@cis.vn – sohuutritue@cis.vn