Thủ tục đăng ký bảo hộ bản quyền phần mềm mới nhất năm 2024

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, ngày càng nhiều các phần mềm xuất hiện thoả mãn nhu cầu của con người trong đời sống hiện đại. Việc tạo ra các phần mềm hữu ích như vậy tiêu tốn rất nhiều chất xám cũng như thời gian, công sức của tác giả và tiền bạc của chính họ hoặc nhà đầu tư. Vậy, biện pháp tối ưu nhất mà chúng ta có thể làm để bảo vệ bản quyền cho phần mềm của mình là gì?

Thông qua bài viết này Công ty Luật CIS sẽ giới thiệu đến bạn đọc một công cụ pháp lý hữu dụng để tác giả, nhà đầu tư sáng tạo có thể chủ động tự bảo vệ phần mềm của mình, đó là thủ tục đăng ký bảo hộ bản quyền phần mềm mới nhất năm 2024, xin mời bạn đọc quan tâm theo dõi!

1. Bản quyền phần mềm là gì?

Bản quyền là từ được dùng phổ biến khi nói về quyền tác giả, là quyền mà Nhà nước bảo hộ dành cho tác giả cũng như chủ sở hữu- người đã đầu tư để (tác giả) sáng tạo ra các tác phẩm phục vụ cho nhiều nhu cầu khác nhau của con người nhằm khuyến khích sự sáng tạo và phát triển văn học, khoa học và nghệ thuật. Ví dụ như: bản quyền âm nhạc, bản quyền sách, bản quyền truyện tranh, bản quyền phim ảnh hay bản quyền phần mềm.

Phần mềm là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng lệnh, mã, lược đồ hoặc dạng khác trong ngôn ngữ lập trình để khi gắn vào phương tiện, thiết bị thì có khả năng làm cho chúng thực hiện được công việc hoặc đạt được kết quả cụ thể nào đó.

Bản quyền phần mềm là sự bảo hộ mà pháp luật trao cho tác giả (lập trình viên/nhà phát triển phần mềm) và chủ sở hữu phần mềm (người đầu tư tạo ra phần mềm, người nhận chuyển nhượng phần mềm, người thừa kế) được một số độc quyền nhất định đối với phần mềm. Bản quyền phần mềm bao gồm 2 nhóm quyền là quyền nhân thân và quyền tài sản.

Một số phần mềm quen thuộc mà chúng ta thường sử dụng như: phần mềm diệt virus BKAV, phần mềm tin học văn phòng như Word, Excel hoặc phần mềm phòng họp trực tuyến Zoom đều được bảo hộ bản quyền phần mềm.

dang-ky-bao-ho-ban-quyen-phan-mem

Theo Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung các năm 2009, 2019 và 2022 (Luật Sở hữu trí tuệ), quyền nhân thân bao gồm:

♦ Quyền đặt tên cho tác phẩm

♦ Quyền chuyển quyền sử dụng quyền đặt tên tác phẩm cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển giao quyền tài sản quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật này;

♦ Quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;

♦ Quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;

♦ Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Theo Khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ, thì quyền tài sản bao gồm:

♦ Quyền làm tác phẩm phái sinh;

♦ Quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các bản ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào tại địa điểm mà công chúng có thể tiếp cận được nhưng công chúng không thể tự do lựa chọn thời gian và từng phần tác phẩm;

♦ Quyền sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này;

♦ Quyền phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng thông qua bán hoặc hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác đối với bản gốc, bản sao tác phẩm dưới dạng hữu hình, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;

♦ Quyền phát sóng, truyền đạt đến công chúng tác phẩm bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác, bao gồm cả việc cung cấp tác phẩm đến công chúng theo cách mà công chúng có thể tiếp cận được tại địa điểm và thời gian do họ lựa chọn;

♦ Quyền cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính, trừ trường hợp chương trình máy tính đó không phải là đối tượng chính của việc cho thuê.

Như vậy, bản quyền phần mềm là cơ sở vững chắc để chủ sở hữu bản quyền phần mềm bảo vệ thành quả sáng tạo/ đầu tư của mình trước những hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm như sao chép, cài đặt, nhân bản phần mềm trái phép, bẻ khoá bảo mật và rao bán phần mềm tràn lan trên mạng xã hội, v.v… từ đó, việc khai thác giá trị kinh tế của phần mềm thuận lợi, góp phần tái đầu tư để tiếp tục sáng tạo ra nhiều phần mềm hữu ích khác.

2. Đăng ký bảo hộ bản quyền phần mềm là gì?

Đăng ký bảo hộ bản quyền phần mềm là việc tác giả/chủ sở hữu đầu tư sáng tạo, lập trình ra phần mềm làm hồ sơ đăng ký gửi đến Cục Bản quyền tác giả (thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch) để yêu cầu đơn vị này cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho phần mềm của mình để được ghi nhận thông tin mình chính là tác giả, chủ sở hữu đầu tư sáng tạo ra phần mềm.

Mặc dù chúng ta quen thuộc hơn với cách gọi thủ tục này là đăng ký bảo hộ bản quyền phần mềm, tuy nhiên tên gọi chính xác của thủ tục theo quy định của pháp luật là đăng ký quyền tác giả chương trình máy tính, trong đó, phần mềm khi được thể hiện dưới dạng câu lệnh/mã code mà máy tính có thể đọc hiểu và thực hiện chức năng cụ thể sẽ được xếp vào loại hình gọi là chương trình máy tính.

dang-ky-bao-ho-ban-quyen-phan-mem-tai-cuc-ban-quyen-tac-gia
Hình ảnh: Đăng ký bảo hộ bản quyền phần mềm tại Cục Bản quyền tác giả

3. Tại sao phải đăng ký bảo hộ bản quyền phần mềm 2024

Trước tiên, cần nhấn mạnh rằng, việc đăng ký là không bắt buộc. Nhiều người nghĩ rằng phải đăng ký thì mới được hưởng quyền, điều này không chính xác, vì phần mềm được bảo hộ tự động, nghĩa là khi phần mềm được tạo ra, thì pháp luật đã bảo hộ rồi.

Dù vậy, ngày càng nhiều nhà lập trình, nhà phát triển phần mềm quan tâm và muốn thực hiện đăng ký bảo hộ bản quyền phần mềm, vì sao vậy?

Lý do là:

– Khi khai thác thương mại phần mềm (phát hành ra thị trường dưới dạng cấp li-xăng, cho thuê,…), phần mềm có giấy chứng nhận sẽ tăng niềm tin, uy tín và giá trị.

– Khi chuyển giao quyền sở hữu (bán phần mềm), người mua thường yêu cầu chủ sở hữu cung cấp Giấy chứng nhận bản quyền.

– Khi mua bán, sáp nhập, hợp nhất, chia tách công ty, phần mềm là một trong những tài sản có giá trị lớn của doanh nghiệp, và để chuyển giao, thì cần phải có giấy chứng nhận bản quyền.

– Đặc biệt, khi có tranh chấp hoặc có hành vi xâm phạm bản quyền phần mềm, nếu phần mềm đã được cấp giấy chứng nhận, chúng ta không cần chứng minh phần mềm đó thuộc sở hữu của mình, vì pháp luật đã quy định, người được cấp giấy chứng nhận không cần chứng minh mình là chủ sở hữu, ngược lại, nếu không có giấy chứng nhận, chúng ta phải chứng minh mình là chủ sở hữu và việc chứng minh khi đang có tranh chấp là vô cùng khó khăn, tốn nhiều thời gian, công sức và trong một số trường hợp chúng ta không chứng minh được.

Đó là các lý do vì sao, các công ty phần mềm, ngay khi thiết kế xong phần mềm, sẽ ngay lập tức thực hiện thủ tục đăng ký bản quyền.

dich-vu-lam-the-apec

4. Thủ tục đăng ký bảo hộ bản quyền phần mềm 2024

Thủ tục đăng ký bảo hộ bản quyền phần mềm 2024 trải qua các bước sau:

∗ Bước 1: Chúng ta chuẩn bị bộ hồ sơ đăng ký bảo hộ bản quyền phần mềm gồm các tài liệu sau:

– Tờ khai đăng ký bản quyền phần mềm (tải về mẫu mới nhất);

– Bản sao phần mềm dự định đăng ký quyền tác giả (chứa giao diện và mã code của phần mềm);

– CCCD/CMND của tác giả/chủ sở hữu nếu chủ sở hữu là cá nhân;

– Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nếu chủ sở hữu là công ty giao việc hoặc đặt hàng tác giả lập trình ra phần mềm;

– Giấy ủy quyền nếu nộp đơn thông qua tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan;

– Tài liệu chứng minh quyền nộp hồ sơ đăng ký của tác giả hoặc chủ sở hữu;

– Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu phần mềm máy tính có nhiều hơn một tác giả;

– Văn bản đồng ý của các đồng sở hữu, nếu quyền tác giả có nhiều hơn một chủ sở hữu.

∗ Bước 2: Chúng ta nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ bản quyền phần mềm tại một trong các địa điểm sau:

– Trụ sở chính Cục Bản quyền tác giả: số 33 Ngõ 294/Kim Mã, Quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội

– Văn phòng đại diện của Cục ở Thành phố Hồ Chí Minh: số 170 Đường Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.

– Văn phòng đại diện của Cục ở Thành phố Đà Nẵng: số 01 Đường An Nhơn 7, Phường An Hải Bắc, Quận Sơn Trà, Thành phố Đà Nẵng.

∗ Bước 3: Cục Bản quyền tác giả tiếp nhận và xem xét tính hợp lệ của hồ sơ trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ. Nếu hồ sơ chưa hợp lệ, chúng ta sẽ được Cục thông báo sửa đổi trong vòng 01 tháng, kể từ ngày ra thông báo. Nếu chúng ta không sửa đổi, bổ sung hồ sơ hoặc đã sửa đổi, bổ sung mà hồ sơ vẫn chưa hợp lệ thì Cục sẽ trả lại hồ sơ, xem như hồ sơ bị đóng lại hoàn toàn.

Trường hợp hồ sơ đáp ứng đầy đủ theo yêu cầu, Cục sẽ quyết định cấp giấy chứng nhận ở Bước 4.

∗ Bước 4: Cục Bản quyền tác giả cấp Giấy chứng nhận quyền tác giả chương trình máy tính nếu hồ sơ hợp lệ trong thời hạn 15 ngày làm việc.

Tiến trình xử lý hồ sơ đăng ký bảo hộ bản quyền phần mềm mới nhất năm 2024 được chúng tôi cô đọng lại trong sơ đồ dưới đây:

quy-trinh-dang-ky-bao-ho-ban-quyen-phan-mem
Hình ảnh: Quy trình đăng ký bảo hộ bản quyền phần mềm

5. Bản quyền phần mềm được bảo hộ bao nhiêu năm?

Bản quyền phần mềm chia thành hai nhóm quyền là quyền nhân thân và quyền tài sản như đã nêu ở Mục 1. Tương ứng với mỗi nhóm quyền, thời gian bảo hộ sẽ khác nhau, cụ thể:

Theo Khoản 1 Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ, các quyền nhân thân dưới đây được bảo hộ vô thời hạn:

– Quyền đặt tên cho tác phẩm.

Tác giả có quyền chuyển quyền sử dụng quyền đặt tên tác phẩm cho tổ chức, cá nhân         nhận chuyển giao quyền tài sản quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật này;

– Quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;

– Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Theo Điểm a Khoản 2 Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ, các quyền dưới đây có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết, cụ thể là:

– Quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;

– Quyền làm tác phẩm phái sinh;

– Quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các bản ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào tại địa điểm mà công chúng có thể tiếp cận được nhưng công chúng không thể tự do lựa chọn thời gian và từng phần tác phẩm;

– Quyền sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này;

– Quyền phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng thông qua bán hoặc hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác đối với bản gốc, bản sao tác phẩm dưới dạng hữu hình, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;

– Quyền phát sóng, truyền đạt đến công chúng tác phẩm bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác, bao gồm cả việc cung cấp tác phẩm đến công chúng theo cách mà công chúng có thể tiếp cận được tại địa điểm và thời gian do họ lựa chọn;

– Quyền cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính, trừ trường hợp chương trình máy tính đó không phải là đối tượng chính của việc cho thuê.

Có thể thấy rằng, các quyền gắn với nhân thân như đứng tên, đặt tên cho phần mềm, bảo vệ phần mềm không bị sửa đổi, cắt xén trái phép ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của lập trình viên được bảo hộ vô thời hạn; riêng quyền công bố, phát hành phần mềm và các độc quyền liên quan đến giá trị kinh tế của phần mềm được bảo hộ giới hạn, nhưng nhìn chung vẫn rất dài vì nó kéo dài suốt cuộc đời lập trình viên và 50 năm sau kể từ khi người này mất, thậm chí nếu có nhiều hơn một lập trình viên cùng sáng tạo ra phần mềm thì thời hạn bảo hộ sẽ kéo dài thêm cho đến 50 năm sau khi lập trình viên cuối cùng trong nhóm mất.

dich-vu-lam-the-apec

6. Kinh nghiệm đăng ký bảo hộ bản quyền phần mềm

Dưới đây là một số kinh nghiệm của Công ty Luật CIS đúc kết được trong suốt quá trình hỗ trợ khách hàng đăng ký thành công bản quyền phần mềm:

– Không phải bộ hồ sơ đăng ký bảo hộ bản quyền phần mềm cũng giống nhau, chúng ta phải xác định đúng thông tin về tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả đối với phần mềm khi nộp hồ sơ, nếu xác định sai, hồ sơ có thể bị xem là không hợp lệ hoặc trường hợp xấu hơn làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của tác giả, chủ sở hữu sau này nếu có phát sinh tranh chấp.

– Kể từ ngày 26/04/2023, việc đăng ký bảo hộ bản quyền chương trình máy tính có nhiều thay đổi theo quy định mới, cụ thể:

+ Tờ khai đăng ký bảo hộ bản quyền phần mềm được cập nhật mới, chúng ta cần chuẩn bị đúng mẫu Tờ khai mới nhất như được hướng dẫn tại Mục 4 bài viết;

+ Chúng ta cần chuẩn bị đĩa CD và bản in chứa toàn bộ giao diện và mã code nộp cùng với hồ sơ. Trong đó: 1 mặt đĩa CD dán giấy trắng ghi tên phần mềm. Riêng bản in giao diện và mã code cần thể hiện trên khổ giấy A4, nếu phần mã code chương trình máy tính nêu trên có từ 100 trang trở lên thì in 25 trang đầu, 25 trang giữa và 25 trang cuối của phần mã code.

– Như đã nêu ở Mục 4, hồ sơ đăng ký bảo hộ bản quyền phần mềm trong quá trình Cục Bản quyền tác giả xem xét có thể sẽ cần bổ sung, sửa chữa theo đúng quy định để hồ sơ hợp lệ. Công việc này đòi hỏi chúng ta phải hết sức chú tâm vào tiến trình giải quyết hồ sơ cũng như cần có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng xử lý tình huống để trả lời, sửa đổi hồ sơ theo đúng hướng dẫn của Cục, đảm bảo quá trình đăng ký bảo hộ diễn ra suôn sẻ và tiết kiệm thời gian. Nếu bạn đọc không có nhiều thời gian để tập trung theo dõi, quản lý hồ sơ, cũng như không có nhiều kinh nghiệm để chuẩn bị một bộ hồ sơ đảm bảo hợp lệ, chúng tôi khuyến khích bạn đọc nên tìm đến những tổ chức chuyên nghiệp như Công ty Luật CIS để chúng tôi hỗ trợ bạn.

7. Dịch vụ đăng ký bảo hộ bản quyền phần mềm 2024 của Công ty Luật CIS

Luật sư và chuyên viên của Công ty Luật CIS đã được đào tạo chuyên sâu về bản quyền và Sở hữu trí tuệ từ Cục Sở hữu trí tuệ và Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), Chúng tôi có đủ năng lực và kinh nghiệm để hỗ trợ bạn:

– Tư vấn đăng ký bảo hộ bản quyền phần mềm.

– Hoàn thiện hồ sơ, theo dõi đơn đăng ký bản quyền phần mềm và phúc đáp với cơ quan đăng ký (nếu có).

– Tiếp nhận Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả phần mềm.

– Khiếu nại các quyết định liên quan đến cấp giấy chứng nhận bản quyền tác giả phần mềm.

Trên đây là bài viết với nội dung Thủ tục đăng ký bảo hộ bản quyền phần mềm mới nhất năm 2024. Nếu bạn đọc muốn tư vấn hoặc muốn đăng ký bảo hộ bản quyền phần mềm, vui lòng liên hệ thông tin dưới đây:

PHÒNG SỞ HỮU TRÍ TUỆ – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 028 3911 8580 – 091 911 8580

Email: info@cis.vn – sohuutritue@cis.vn