Có được nghỉ việc khi doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động vì covid 19? Luật sư trả lời

Thực hiện theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19, áp dụng biện pháp cách ly xã hội từ 0h ngày 01.04 đến hết ngày 15.4, theo đó, tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trừ các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

Nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh gặp khó khăn về thị trường, nguồn hàng, buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm chi phí thậm chí là tạm ngừng kinh doanh. Dẫn đến tình trạng trả lương chậm cho người lao động hoặc người lao động phải tạm ngừng việc, được yêu cầu hoãn hợp đồng lao động hay được yêu cầu nghỉ việc.

Với tình thế đó, kèm theo tâm lý lo sợ bị nhiễm bệnh khi ở các tại thành phố lớn, và một vài yếu tố tác động khác từ gia đình,… nhiều người lao động có tâm lý hoang mang liệu có nên nghỉ việc.

Mời các bạn cùng Công ty Luật CIS trao đổi một số quan điểm có liên quan đến vấn đề này cùng Luật sư Nguyễn Thị Phương Hảo – Giám đốc Công ty Luật CIS.

1. MC: Xin hỏi Luật sư, việc doanh nghiệp chậm trả lương, hoặc người lao động bị ngừng việc, hoãn thực hiện hợp đồng lao động do ảnh hưởng của dịch Covid 19, thì người lao động có quyền nghỉ việc không?

Luật sư:

Liên quan đến câu hỏi này, thì tuỳ trường hợp mà người lao động được quyền nghỉ việc hay không.

Đối với trường hợp thứ nhất, khi doanh nghiệp chậm trả lương, người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 3 ngày làm việc.

Đối với trường hợp thứ hai: bị ngừng việc.

Trong trường hợp do ảnh hưởng của dịch Covid 19, thì doanh nghiệp có quyền quyết định cho người lao động ngừng việc, tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Trong trường hợp người lao động không đồng ý với  mức lương mà doanh nghiệp đề xuất, thì người lao động nên thoả thuận với doanh nghiệp về việc người lao động muốn chấm dứt hợp đồng lao động. Nếu người lao động tự ý nghỉ việc mà không được sự đồng ý của doanh nghiệp, thì trong trường hợp này người lao động bị xem là đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật.

Trường hợp cuối cùng là trường hợp hoãn thực hiện hợp đồng lao động.

Do ảnh hưởng của dịch Covid 19, doanh nghiệp và người lao động có thể thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Trong trường hợp này, việc chấp nhận hoãn hợp đồng lao động theo đề nghị của doanh nghiệp hay không là thuộc quyền của người lao động.

  • Nếu người lao động đồng ý hoãn thực hiện hợp đồng thì thực hiện theo thoả thuận đó;
  • Nếu người lao động không đồng ý hoãn thực hiện hợp đồng mà muốn chấm dứt hợp đồng lao động, thì người lao động đề nghị với doanh nghiệp.

Tôi có lưu ý như sau:

Nếu doanh nghiệp đề nghị hoãn thực hiện hợp đồng lao động mà người lao động không đồng ý, thì doanh nghiệp có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động, vì nếu ảnh hưởng của dịch bệnh mà doanh nghiệp đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc thì doanh nghiệp có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động.

Nếu người lao động không đồng ý với đề nghị tạm hoãn mà tự ý chấm dứt hợp đồng lao động, thì người lao động bị xem là đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật.

2. MC: Vậy thưa Luật sư, nếu người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì hậu quả như thế nào?

Luật sư:

Nếu người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, thì người lao động chịu các trách nhiệm sau:

Thứ nhất, người lao động không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

Thứ hai, người lao động phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động.

Ngoài ra, người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì người lao động không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

3. MC: Theo ý kiến của Luật sư, người lao động có nên nghỉ việc trong thời gian này hay không thưa Luật sư?

Luật sư:

Đánh giá việc người lao động có nên nghỉ việc hay không cần xem xét vào rất nhiều yếu tố và từng trường hợp cụ thể. Người lao động nên cân nhắc về lợi ích, chế độ giữa việc tiếp tục giữ công việc và nghỉ việc.

nghi-viec-khi-doanh-nghiep-tam-ngung-hoat-dong

4. MC: Vậy, lợi ích, chế độ mà người lao động được hưởng nếu tiếp tục giữ công việc khi được doanh nghiệp, công ty đề nghị tạm ngừng việc/ hoãn hợp đồng lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19 là gì thưa Luật sư? Và nếu họ không đồng ý mà muốn chấm dứt hợp đồng thì như thế nào thưa Luật sư?

Luật sư:

Trong thời gian ngừng việc, thì người lao động vẫn được hưởng tiền lương ngừng việc, tiền lương này do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. (Mức lương tối thiểu vùng 1 như TP.HCM hiện nay là 4,42 triệu/tháng).

Đối với tạm hoãn hợp đồng lao động, thì người lao động không được trả lương.

Tuy nhiên, nếu người lao động đồng ý các phương án này, thì người lao động vẫn sẽ được giữ được công việc và không đối mặt với khó khăn, trở ngại khi tìm việc sau mùa dịch. Nền kinh tế nhìn chung bị tổn hại nặng nề nên cần phải có thời gian dài để khôi phục, do vậy, tình hình thị trường lao động cũng bị ảnh hưởng ở thời điểm hiện tại và kể cả sau mùa dịch.

5. MC: Và nếu người lao động không đồng ý mà muốn chấm dứt hợp đồng thì như thế nào thưa Luật sư?

Luật sư:

Trong trường hợp này, người lao động nên thoả thuận với doanh nghiệp, công ty về việc chấm dứt hợp đồng lao động, vì nếu họ tự ý chấm dứt hợp đồng lao động, thì như tôi đã đề cập ở trên, người lao động sẽ bi xem là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

6. MC: Trong trường hợp doanh nghiệp và người lao động đồng ý chấm dứt hợp đồng lao động, thì người lao động được hưởng chế độ như thế nào thưa Luật sư?

Luật sư:

Một số chế độ người lao động được hưởng khi nghỉ việc gồm:

1/ Trợ cấp thôi việc: nếu người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc. Mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương tính trên tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.

2/ Trợ cấp thất nghiệp: người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi đã đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 12 tháng trong vòng 24 tháng hoặc đã đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 12 tháng trong vòng 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, tùy thuộc loại hợp đồng lao động. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhân với 60%. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp; sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Về vấn đề này, Công ty Luật đã có video hướng dẫn chi tiết về điều kiện, mức hưởng và thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp, các bạn có thể xem link video bên dưới:

Như vậy, người lao động cần phải xem xét kĩ tình hình, nhu cầu và khả năng của mình để đưa ra lựa chọn cho phù hợp vì quyết định nghỉ việc hay không có ảnh hưởng rất lớn đến bản thân người lao động không chỉ trong thời điểm hiện tại mà còn thời điểm sau đó.

Đây là giai đoạn khó khăn đối với người sử dụng lao động và cả người lao động. Từ những phân tích cũng như những lời khuyên của Luật sư, Công ty Luật CIS hi vọng mang đến cho người lao động cái nhìn đa chiều, toàn diện hơn về vấn đề người lao động đang quan tâm nhất trong thời điểm hiện tại. Người lao động cần có những xem xét kỹ lưỡng, cân bằng lợi ích trước mắt và lâu dài.

Nếu có bất cứ thắc mắc gì, các bạn có thể liên hệ với chúng tôi để được giải đáp và hỗ trợ nhé!

PHÒNG PHÁP LÝ DOANH NGHIỆP – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, phường Đa Kao, Quận 1, TP.HCM
Điện thoại: 028 3911 8580 – 028 3911 8581
Email: info@cis.vn