Các câu hỏi thường gặp về tranh chấp tài sản khi ly hôn

Ly hôn là sự giải thoát cho một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, mọi cuộc cãi vã không hồi kết. Ly hôn không chỉ chấm dứt mối quan hệ hôn nhân về mặt giấy tờ, mà còn kéo theo hàng loạt hệ quả cần phải giải quyết, điển hình như là phân chia tài sản, phân chia quyền nuôi con, chăm sóc con, phân chia nợ, …. Trong số những hệ quả cần phải giải quyết thì phân chia tài sản thường xảy ra tranh chấp nhất và Toà án thường “đau đầu” nhất.

Bài viết dưới đây công ty Luật CIS sẽ giải đáp một số câu hỏi thường gặp về tranh chấp tài sản khi ly hôn.

1. Tranh chấp tài sản khi ly hôn là gì?

Tranh chấp tài sản ly hôn là tranh chấp về tài sản chung, tức tài sản của cả vợ và chồng được hình thành trong quá trình hôn nhân mà cả hai không tự thoả thuận hoặc không thể cùng nhau giải quyết được việc phân chia tài sản khi tiến hành ly hôn.

cac-cau-hoi-ve-tranh-chap-tai-san-khi-ly-hon

2. Chia tài sản là bất động sản khi ly hôn

Bất động sản được quy định tại khoản 1 Điều 107 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

Điều 107. Bất động sản và động sản

1. Bất động sản bao gồm:

a) Đất đai;

b) Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai;

c) Tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng;

d) Tài sản khác theo quy định của pháp luật.

♦ Trường hợp 1: Bất động sản là tài sản riêng của chồng/ vợ

Theo quy định tại Điều 43 Luật Hôn nhân gia đình 2014 và Điều 11 Nghị định 126/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hôn nhân gia đình thì:

Điều 43. Tài sản riêng của vợ, chồng (Luật Hôn nhân gia đình 2014)

1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.

Điều 11. Tài sản riêng khác của vợ, chồng theo quy định của pháp luật (NĐ 126/2014/NĐ-CP)

1. Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ.

2. Tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác.

3. Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.

Theo đó, nếu các loại bất động sản được quy định tại Khoản 1 Điều 107 BLDS 2015 là tài sản riêng của vợ/chồng (thuộc các trường hợp quy định tại Điều 43 Luật Hôn nhân gia đình 2014 và Điều 11 NĐ 126/2014/NĐ-CP) thì khi chia tài sản, chồng/vợ không có quyền gì đối với các loại bất động sản đó, vì bản chất, đây là tài sản riêng, “của” riêng của vợ/chồng.

Điều 62. Chia quyền sử dụng đất của vợ chồng khi ly hôn (Luật Hôn nhân gia đình 2014)

1. Quyền sử dụng đất là tài sản riêng của bên nào thì khi ly hôn vẫn thuộc về bên đó

♦ Trường hợp 2: Bất động sản là tài sản chung của vợ chồng

Như đã nêu ở trên, nếu bất động sản là tài sản riêng của vợ/chồng thì sẽ là “của” riêng, không được đưa ra để phân chia. Các loại bất động sản không thuộc các trường hợp là tài sản riêng theo quy định tại Điều 43 Luật Hôn nhân gia đình và Điều 11 Nghị định 126/2014/NĐ-CP thì sẽ được coi là tài sản chung của vợ/chồng. Khi đó sẽ được đem ra để phân chia với nhau.

Theo đó, nếu bất động sản là tài chung của vợ và chồng thì việc phân chia được thực hiện như sau:

– Đối với đất nông nghiệp trồng cây hằng năm, nuôi trồng thủy sản, nếu cả hai bên đều có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất thì được chia theo thỏa thuận của hai bên; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định tại Điều 59 của Luật hôn nhân và gia đình 2014;

Trường hợp chỉ có một bên có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất thì bên đó được tiếp tục sử dụng nhưng phải thanh toán cho bên kia phần giá trị quyền sử dụng đất mà họ được hưởng;

– Trong trường hợp vợ chồng có quyền sử dụng đất nông nghiệp trồng cây hằng năm, nuôi trồng thủy sản chung với hộ gia đình thì khi ly hôn phần quyền sử dụng đất của vợ chồng được tách ra và chia theo quy định;

– Đối với đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp để trồng rừng, đất ở thì được chia theo quy định tại Điều 59 của Luật Hôn nhân và gia đình

– Đối với loại đất khác thì được chia theo quy định của pháp luật về đất đai;

Ngoài ra, nếu vợ chồng sống chung với gia đình mà không có quyền sử dụng đất chung với hộ gia đình thì khi ly hôn quyền lợi của bên không tiếp tục sống chung với gia đình sẽ được giải quyết theo quy định.

(Điều 62 Luật Hôn nhân gia đình 2014)

Trường hợp tài sản riêng của chồng/ vợ được nhập vào tài sản chung thì tài sản sẽ chia dựa vào phần giá trị tài sản đã đóng góp trước đó, trừ trường hợp cả hai có thoả thuận khác

(Điều 46 Luật Hôn nhân gia đình 2014).

dich-vu-lam-the-apec

3. Chồng/ vợ đứng tên trên sổ đỏ, sổ hồng, thì người còn lại có được chia khi ly hôn?

♦ Trường hợp 1: Sổ đỏ, sổ hồng là tài sản riêng của chồng/ vợ

Nếu sổ đỏ, sổ hồng đã có Chứng nhận sở hữu thuộc tài sản riêng của chồng/ vợ thì người kia không bất cứ quyền gì, kể cả yêu cầu chia tài sản.

♦ Trường hợp 2: Sổ đỏ, sổ hồng là tài sản chung của vợ chồng, chồng đứng tên

Việc đăng ký quyền sở hữu tài sản đối với tài sản chung của hai vợ chồng phải do cả hai cùng đứng tên, hoặc một người đứng tên nhưng thoả thuận tài sản chung thì đó vẫn là tài sản chung của hai vợ chồng được quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật Hôn nhân và gia đình:

Điều 34. Đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản chung

1. Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng phải ghi tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

Trường hợp chồng/ vợ đứng tên, nhưng cả hai đã thoả thuận là tài sản chung thì cả hai đều bình đẳng quyền và nghĩa vụ như nhau theo quy định tại khoản 1 Điều 29, đều có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung theo quy định tại Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình.

Trường hợp chồng/ vợ đứng tên, nhưng cả hai đã thoả thuận là tài sản chung thì cả hai đều bình đẳng quyền và nghĩa vụ như nhau theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật Hôn nhân gia đình 2014, đều có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung theo quy định tại Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình.

Điều 29. Nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng

1. Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.

2. Vợ, chồng có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.

3. Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng mà xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, gia đình và của người khác thì phải bồi thường.

Điều 35. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung

1. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận.

2. Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây:

a) Bất động sản;

b) Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu;

c) Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.

Tóm lại, việc xác định tài sản để phân chia khi ly hôn không phụ thuộc vào việc sổ đỏ đứng tên ai, mà phụ thuộc vào tài sản riêng hay tài sản chung của vợ chồng. Việc xác định dựa vào nguồn gốc hình thành và thời điểm hình thành tài sản đó.

4. Chia tài sản cho con khi ly hôn

Hiện nay, pháp luật không yêu cầu hay bắt buộc vợ chồng khi ly hôn phải chia tài sản cho con. Tuy nhiên, con cái vẫn có thể được nhận tài sản khi bố mẹ ly hôn nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

♦ Trường hợp 1: Bố mẹ thỏa thuận về việc để lại tài sản cho con

– Cha mẹ thoả thuận tặng cho, chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ tài sản cho con thì con cái có thể nhận tài sản đó.

Đối với tặng cho động sản: Hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực kể từ thời điểm bên được tặng cho nhận tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Nếu động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của pháp luật thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký.

Đối với tặng cho bất động sản: Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao bất động sản. Nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của pháp luật thì hợp đồng phải được lập thành văn bản công chứng hoặc đăng ký và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký.

♦ Trường hợp 2: Con cái là đồng sở hữu chung tài sản với bố mẹ

– Bố mẹ và con cái cùng mua chung hoặc nhận tặng cho và thừa kế chung.

– Con cái có tên trong hộ khẩu tại thời điểm xác lập quyền đối với tài sản chung của hộ gia đình.

Trong các trường hợp trên thì con cái sẽ được chia tài sản tương ứng với phần quyền của con trong khối tài sản đó.

dich-vu-dang-ky-ban-quyen-thuong-hieu

5. Nguyên tắc phân chia tài sản khi ly hôn

Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn được quy định cụ thể tại Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình.

♦ Nguyên tắt 1: Ưu tiên thoả thuận

Vợ chồng có quyền thoả thuận về việc phân chia tài sản, tài sản sẽ được chia theo sự thoả thuận của cả hai. Trường hợp không thoả thuận được thì một trong hai người hoặc cả hai vợ chồng thì có quyền yêu cầu Toà án giải quyết phân chia tài sản.

♦ Nguyên tắc 2: Nguyên tắc chia đôi

Nếu cả hai vợ chồng không thoả thuận được thì Toà án sẽ giải quyết bằng cách chia đôi và tính tới các yếu tố theo quy định tại khoản 2 Điều 59 luật Hôn nhân và gia đình:

Điều 59. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn

2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng:

Là tình trạng về năng lực pháp luật, năng lực hành vi, cũng như sức khỏe, tài sản, khả năng lao động của vợ chồng, những người trong gia đình mà người đó có nghĩa vụ về nhân thân và tài sản theo pháp luật quy đình.

Nếu cả hai cùng khó khăn thì xem xét bên khó khăn hơn để phân chia tài sản nhiều hơn hoặc ưu tiên nhận tài sản để đảm bảo ổn định cuộc sống, nhưng phải phù hợp với cả hai.

Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung:

Nguyên tắc này đảm bảo công bằng cho các bên. Nghĩa là nếu ai có công đóng góp nhiều sẽ được chia nhiều, ít sẽ được chia ít, tuỳ thuộc vào công sức đóng góp mỗi người sẽ nhận về số tài sản tương đương.

Lưu ý: Trường hợp người vợ hoặc chồng ở nhà chăm con, gia đình, mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm.

Lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập:

Nguyên tắc này đảm bảo về mặt lợi ích, tạo điều kiện cho các bên tiếp tục phát triển sự nghiệp kinh doanh của mình

Ví dụ: Tài sản chung của cả hai vợ chồng là cửa hàng quần áo người vợ đang kinh doanh trị giá 700 triệu và chiếc ô tô người chồng đang chạy taxi trị giá 600 triệu. Khi phân chia tài sản chung, Toà án sẽ xem xét giao cửa hàng cho người vợ, ô tô cho người chồng, phần chênh lệch số tiền sẽ được thối lại (trường hợp này người vợ sẽ đưa thêm cho người chồng 50 triệu).

Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng:

Nguyên tắc này đảm bảo quyền, lợi ích cho bên còn lại khi một bên không thực hiện đúng nghĩa vụ trong quan hệ hôn nhân.

Ví dụ: Trong một gia đình, người chồng nhậu nhẹt, đánh đập vợ con, không chung thuỷ. Khi phân chia tài sản chung, Toà án sẽ xem xét yếu tố lỗi của nguời chồng để đảm bảo quyền lợi, lợi ích cho vợ và con.

Trên đây là giải đáp các câu hỏi thường gặp về tranh chấp tài sản khi ly hôn. Nếu bạn có vướng mắc trong quá trình ly hôn và phân chia tài sản hay bạn có nội dung nào chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý, hãy liên hệ ngay với Luật sư Công ty Luật CIS theo thông tin sau:

Luật sư – Công ty Luật CIS – CIS LAW FIRM

109 Hoàng Sa, P. Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 028.3911.8581 – 3911.8582             Hotline: 0916.568.101

Email: info@cis.vn